Thủ tướng Singapore: Nếu ông Lý Quang Diệu không phải là cha tôi…

My Lan |

Nhớ về 2 biến cố cuộc đời, ông Lý Hiển Long bồi hồi: "Tôi có thể tin tưởng và tìm được sự ủng hộ từ nơi ông... Khi bạn cần tới cha, thì ông ấy luôn ở đó".

Thủ tướng Singapore đương nhiệm Lý Hiển Long đã từng nói rất nhiều về những năm tháng khiến ông trưởng thành, từ kì nghỉ với gia đình ở Changi hay ở cao nguyên Cameron, quãng thời thời gian ở Campuchia hay những chuyến tiếp xúc cử tri.

Song ông dường như hiếm khi chia sẻ về mối liên hệ giữa cha và niềm tin chính trị của bản thân, mặc dù ông đang là người lãnh đạo phong trào do chính cha và những bậc tiền bối gây dựng.

Chỉ tới tháng 6/2013, khi tình hình sức khỏe của cựu thủ tướng xấu đi trông thấy, ông Lý mới trải lòng về sức ảnh hưởng của người cha đối với cuộc đời mình - cả trong đời sống cá nhân lẫn sự nghiệp chính trị.

“Nếu không có cha và tôi phải tự lo liệu cuộc đời minh…”

Mỗi lần hăng say chuyện trò, ông Lý Hiển Long lại kéo tay áo sát tới tận vai. Đó cũng là thói quen của cha ông, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Ông Lý Quang Diệu từng bộc bạch: "Tôi không biết hai cha con giống nhau tới cỡ nào cho tới một ngày, khi xem hình ảnh của Hiển Long trên tivi".

Trong một cuộc phỏng vấn khác, ông đã dẫn ra công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học người Anh Hans Eysenck rằng, các cậu con trai thường có xu hướng giống mẹ, còn con gái thì giống bố.

"Tính cách của Hiển Long khác biệt so với tôi. Phải nói thế nào nhỉ, Hiển Long điềm đạm hơn, nhưng không sôi nổi bằng con gái tôi, mà con bé thì giống tôi".

Vợ chồng ông Lý Quang Diệu và người con trai cả Lý Hiển Long

Vợ chồng ông Lý Quang Diệu thời trẻ và người con trai cả Lý Hiển Long

Về phần mình, ông Lý Hiển Long thừa nhận: "Cha có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Thật khó để diễn tả nhưng có thể ông ấy đã tạo nên con người tôi bây giờ - tôi không giống ông, nhưng tôi đã học được nhiều từ cha mình".

Ngô Tác Đống, Thủ tướng kế nhiệm Lý Quang Diệu là người đã thôi thúc Lý Hiển Long theo nghiệp chính trị, song chính nhờ bố mẹ mà ông mới sẵn sàng tâm lý để bước đi trên con đường này.

"Tôi không biết sẽ thế nào nếu ông không phải là cha mình. Tôi có thể vẫn sẽ tìm được cách riêng để đi con đường chính trị này.

Rất nhiều bộ trưởng và nghị sĩ đã đến với chính trị mà không có bố làm thủ tướng. Có thể nếu ông ấy không là bố tôi, tôi sẽ ít cảm thấy phải có trách nhiệm hơn với những gì mình phải đảm nhiệm và thực hiện".

"Nếu không có cha và tôi phải tự lo liệu cuộc đời mình... đó là một thử thách. Nhưng có lẽ sẽ không có cảm xúc sâu sắc tới vậy.

Nhìn ông ấy đánh vật với ngôn ngữ, đi thăm cử tri, nhìn ông ấy miệt mài làm việc, các bài phát biểu và các cuộc tuần hành, thuyết phục và tranh cử, bạn biết điều gì sẽ diễn ra với mình.

Và bạn biết nó như thế nào - đây cũng là ưu điểm, nhưng đương nhiên, cũng đặt lên bạn gánh nặng lớn hơn khi đặt ra những kỳ vọng đối với bản thân, và cả những gì người khác kì vọng ở bạn”.

Thế nhưng, Thủ tướng Singapore chia sẻ, bản thân ông không bị áp lực bởi việc cha nghĩ gì về mình. "Đó không phải điều để tôi phán xét. Tôi chắc rằng cha luôn tin tôi có thể làm tốt hơn".

Bài học về chính trị

Thủ tướng Lý Hiển Long và cha, ông Lý Quang Diệu

Thủ tướng Lý Hiển Long và cha trong một sự kiện năm 2012

Nhớ lại những bài học mà cha đã dạy mình về chính trị, ông Lý diễn giải: "Bạn phải biết bạn muốn làm gì - đó không chỉ là nghe theo những gì người khác muốn, hoặc làm theo điều đám đông nói.

Tôi nghĩ đó là điều đầu tiên. Bạn phải có chính kiến riêng về việc mình muốn đạt được điều gì".

"Thứ hai, bạn phải thuyết phục mọi người và lôi kéo họ theo, và như vậy, bạn sẽ không đơn độc.

"Thứ ba, vấn đề không chỉ nằm ở logic và lý luận, mà còn phải thuyết phục họ bằng tình cảm và tình người, khả năng đọc được suy nghĩ người khác, khả năng kiểm soát tình huống một cách chắc chắn, vượt qua những điều cần vượt qua để hoàn thành công việc.

Có rất nhiều người thông minh trên thế giới, nhưng không phải tất cả họ đều là các nhà lãnh đạo chính trị giỏi. Tôi nghĩ rằng, có một sự hòa hợp rất đặc biệt ở cha ".

"Dù đang thảo luận về chính sách quân dịch hay các điều khoản tốt nhất cho việc sử dụng nước hoặc đất làm đường sắt, thì ông ấy cũng biết cách phải tranh luận thế nào và rồi đi đến một thỏa thuận mà ở đó, lợi ích của bạn được đề cao".

Nguồn cảm hứng tuyệt vời

Thủ tướng Lý Hiển Long tâm sự, điều mà mình ngưỡng mộ nhất ở cha là cách mà ông đóng góp không ngừng nghỉ cho đất nước.

"Ông ấy tập trung tới mức khó tin vào chỉ một điều duy nhất xâm chiếm tâm trí - xây dựng Singapore, làm cho đất nước được an toàn, trở nên tốt hơn và tạo ra điều mà người dân Singapore thực sự không dám mong chờ".

Tôi đã theo dõi ông ấy ở Quốc hội. Là thành viên lớn tuổi nhất, nhưng đôi khi, ông ấy lại là người tân tiến nhất".

"Chỉ quan sát ông ấy và cách ông ấy đấu tranh, cách ông ấy làm việc, cách ông ấy trăn trở với các vấn đề và thách thức, với tôi, đó đã là nguồn cảm hứng tuyệt vời.

"Nhìn ông đổ mồ hôi với ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Hoa, mỗi ngày đều nghe băng, học với giáo viên, luyện tập, nghe băng để luyện tập, học cụm từ, rồi lại ôn luyện cụm từ, học với gia sư tại nhà vào cuối tuần, học tiếng Quan thoại, tiếng Phúc Kiến, đặc biệt là ở tuổi 60.

Đối với cha, điều đó thật vất vả. Và thậm chí tới khi đã cao tuổi, ông vẫn học hàng ngày, vẫn sử dụng chúng bởi ông đã rất nỗ lực và không muốn nó mất đi".

"Ông ấy là duy nhất... Tôi nghĩ chúng tôi đã rất may mắn khi có ông.

Với Thủ tướng Lý Hiển Long, thật khó để chỉ ra điều mà ông sẽ nhớ nhất về cha khi phải rời xa cha mãi mãi.

"Có quá nhiều thứ. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là khi ở bên ông ấy, bạn sẽ không thua cuộc. Tất cả mọi người sẽ đều đúng, sẽ sinh tồn. Cảm giác tin tưởng và an toàn đó... không phải là điều mà bạn có thể tìm thấy ở bất cứ ai".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại