Trong buổi họp báo hàng tuần gần đây, một phóng viên nước ngoài đã đặt câu hỏi có phần "móc máy" về mối quan hệ giữa Bắc Kinh – Bình Nhưỡng với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.
Câu hỏi được phóng viên nước ngoài đưa ra là liệu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhóm họp với Tướng Choe Ryong-hae, Thư ký Ủy ban Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên sau lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai diễn ra ở Bắc Kinh hôm 3/9.
Và nếu như hai bên chưa nhóm họp liệu đây có phải là tín hiệu cho thấy "sự không hài lòng của chính quyền Trung Quốc với Triều Tiên".
Theo ông Hồng Lỗi, cả Tướng Choe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đều là những vị khách được phía Trung Quốc mời tới dự lễ diễu binh và đều được tiếp đón nồng nhiệt.
"Phía Trung Quốc vẫn giữ cam kết phát triển mối quan hệ thân tình và hợp tác với cả Hàn Quốc và Triều Tiên. Do đó, suy đoán của anh (phóng viên nước ngoài) hoàn toàn không đúng sự thật", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Còn theo Thời báo Hoàn Cầu, câu hỏi mà phóng viên nước ngoài đưa ra đã phần nào phản ánh một chiến dịch được cả phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc phát động nhằm tìm kiếm mọi cơ hội làm chia rẽ tình đồng minh truyền thống giữa Trung – Triều.
Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cần cảnh giác trước nỗ lực phá hoại trên. Và dù quan hệ song phương hiện đang trong giai đoạn có phần hơi "nhạy cảm", nhưng hai nước vẫn "kiểm soát được".
Trên thực tế, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tướng Choe đã không tổ chức một cuộc họp riêng vào ngày 3/9.
Song theo Thời báo Hoàn Cầu, không có gì đáng phải nghi ngờ về việc hai nước quyết duy trì "mối quan hệ thân tình và hợp tác".
Mặc dù, Trung Quốc tỏ ra không hài lòng với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên nhưng điều này không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ "vô cùng quan trọng" giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Thời báo Hoàn Cầu nhận định phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang tìm kiếm những dấu hiệu căng thẳng trong quan hệ Trung – Triều sau đó phóng đại thông tin lên các phương tiện truyền thông.
Thậm chí, một số phân tích còn quá "non nớt" khi so sánh quan hệ chia rẽ giữa Trung – Triều với Trung Quốc – Liên Xô cũ trong thập niên 60.
Trong quá khứ, Trung Quốc và Liên Xô cũ đã phá bỏ quan hệ hợp tác kinh tế và thậm chí rơi vào một cuộc xung đột biên giới. Nhưng cho tới nay, tình huống này vẫn chưa thể xảy đến với Trung Quốc và Triều Tiên.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, không ai được lợi từ việc phá hoại quan hệ Trung – Triều. Nói cách khác, không có chuyện thái độ lạnh nhạt của Bắc Kinh sẽ khiến Bình Nhưỡng quay sang nồng ấm với Washington.
Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng cường hợp tác với Hàn Quốc cũng sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ giữa Seoul với Washington.
"Mục đích xấu" của các thế lực bên ngoài là lời nhắc nhở với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng rằng hai nước cần thận trọng và duy trì mối quan hệ song phương bằng sự khôn khéo, Thời báo Hoàn Cầu kết luận.