Thỏa thuận hạt nhân Iran giúp hòa giải Mỹ - Nga?

Phạm Khánh |

Theo The Christian Science Monitor, một trong những ý nghĩa lớn của thỏa thuận hạt nhân Iran là giúp hòa giải Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ít nhất là ở Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay, ông nhận thấy sự phối hợp chặt chẽ của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong suốt quá trình đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times, ông Obama cho biết sự hợp tác của ông Putin đã khiến ông ngạc nhiên và đó là một đóng góp quan trọng đối với thành công của thỏa thuận.

Ngài Tổng thống Mỹ cũng cho hay, cuộc đàm thoại gần đây với ông Putin cũng khiến ông lạc quan về sự hợp tác trong tương lai giữa Nga và Mỹ đối với vấn đề Syria.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Obama nói: "Những đóng góp của Nga thật sự rất hữu ích. Vì chúng tôi đang có những mâu thuẫn rất lớn với Nga về Ukraine, nên tôi không chắc điều này có duy trì được hay không. Ông Putin và chính phủ Nga đang rất hợp tác khiến tôi ngạc nhiên.

Chúng tôi sẽ không đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran nếu Nga không thiện chí gắn kết các thành viên P5 +1 để tiến tới thỏa thuận”.

Mối quan hệ Nga - Mỹ từ lâu đã không được tốt đẹp. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, mối quan hệ này còn trở nên lạnh nhạt hơn do những bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Obama yêu cầu Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Tại Hội nghị thượng định G7 tại Đức hồi tháng trước, ông Obama còn cáo buộc ông Putin đã phá hoại nền kinh tế Nga để đối lấy sự vinh quang hào nhoáng.

Tuy nhiên, Nga luôn phủ nhận việc can thiệp vào Ukraine.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bất ngờ rằng, trong bối cảnh căng thẳng trên, ông Obama lại cho biết cảm thấy lạc quan sau cuộc đàm thoại với ông Putin để thảo luận về tình hình bạo lực đang tiếp diễn ở Syria.

Trước đó, ông Putin và ông Obam luôn có lập trường đối lập về Syria.

Theo ông Obama, ông Putin có thể đã thay đổi lập trường khi tình hình bạo lực trong khu vực gia tăng.

Các quan chức tham gia đàm phán hạt nhân với Tehran.

Các quan chức tham gia đàm phán hạt nhân với Tehran.

Ông nói: "Tôi rất phấn khích khi ông Putin gọi cho tôi cách đây vài tuần để thảo luận về Syria.

Tôi nghĩ ông Putin đã thấy rằng chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang mất đi nhiều phần lãnh thổ rộng lớn vào tay các lực lượng dân quân thánh chiến người Sunni và viễn cảnh thánh chiến người Sunni tiếp quản hay chế độ Syria sụp đổ dù không có khả năng diễn ra ngay tức thì nhưng có nguy cơ ngày càng lớn.

Điều đó cho phép chúng tôi có cơ hội tiến hành đối thoại nghiêm túc với Nga”.

Đối với một số nhà quan sát, thông tin về cuộc nói chuyện trên giữa ông Obama và ông Putin là một dấu hiệu đáng mừng.

Trang tin Business Insider nhận định: "Có một số nguồn tin cho rằng Nga đang từ bỏ Assad sau hơn 4 năm diễn ra nội chiến ở Syria”.

Tờ TIME cho hay, hôm 25/6, chính Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama đã thống nhất tiến hành một cuộc gặp sắp tới giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về sự phát triển của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông.

Tuy nhiên, một số lại cho rằng, việc ông Putin đột nhiên sẵn sàng hợp tác với ông Obama về vấn đề Syria và các nước P5 + 1 về thỏa thuận hạt nhân Iran có thể chỉ nhằm khẳng định vị thế của Nga trên trường quốc tế.

Tờ TIME nhận định: “Việc ông Putin quyết định gọi cho ông Obama và tập trung vào Syria và Iran có thể là nhằm khẳng định tầm quan trọng của Nga trên thế giới bất chấp việc Moscow đang bị cô lập bởi các biện pháp trừng phạt từ phương Tây”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại