Nhận định trên do chính tờ báo phân tích Deutsche Welle của Đức đưa ra. Theo đó, hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ được tổ chức trong thời gian từ 18-19/2/2016.
Với việc một trong các chủ đề chính của Hội nghị là trao đổi các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng nhập cư, hội nghị có thể trở thành nhân tố quyết định đến tương lai của Thủ tướng Đức A.Merkel.
Giới phân tích của Deutsche Welle cho rằng hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới sẽ mang tính chất “định mệnh nhất” đối với nước Đức kể từ sau khi sáp nhập Đông Đức và Tây Đức thành quốc gia thống nhất như hiện nay.
Vị thế của Thủ tướng Đức chưa bao giờ tỏ ra lung lay như hiện nay: Ngày càng có nhiều chính trị gia châu Âu cũng như của chính nước Đức phản đối chính sách nhập cư do Thủ tướng Merkel vạch ra và theo đuổi thực hiện.
“Sự phân rã trong nội bộ EU thực tế đang xảy ra”- Deutsche Welle nhận định. Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia thực chất đã đạt được thỏa thuận đóng cửa biên giới với Macedonia, Bulgaria và với Hy Lạp.
Trong khi đó, Áo và Thụy Điển đã thắt chặt kiểm soát biên giới, còn Pháp tuyên bố không sẵn sàng tiếp nhận số lượng người nhập cư nhất định.
Từ thực tế này, Berlin cũng hiểu rõ rằng việc tìm được giải pháp làm hài lòng tất cả các bên là điều không thể.
Phát biểu tại Quốc hội Đức ngày thứ 4 vừa qua (17/1), Thủ tướng Đức A.Merkel khẳng định rằng Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ không bàn về vấn đề phân bổ số lượng người nhập cư cho từng nước thành viên mà sẽ bàn về vấn đề liệu có nên giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay thông qua vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Chính sách của Thủ tướng Đức trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư là cuộc khủng hoảng này nên giải quyết bằng cách tiến hành thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải bằng biện pháp đóng cửa biên giới của EU.
Bà Merkel đề xuất phân bổ người nhập cư trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ một phần trong số này sẽ được nhập cư đúng luật vào châu Âu.
Tuy nhiên, theo Deutsche Welle, phần lớn các chuyên gia phân tích cho rằng sứ mệnh của bà Merkel là không thể hiện thực được vì những bất đồng cũng như sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong trường hợp này, nếu như sáng kiến của Thủ tướng Đức A.Merkel đổ vỡ, Bộ Nội vụ Đức sẽ đóng cửa biên giới Đức trong thời gian hai tuần, bắt đầu từ tối ngày 19/2.
“Bà Merkel có thể giải thích biện pháp này được thực hiện là do hiện Đức không còn sự lựa chọn nào khác, cho dù đã cố gắng làm hết sức những gì có thể” - Deutsche Welle nhận định. Khi đó, sự đổ vỡ của Hiệp ước Schengen sẽ là không thể tránh khỏi.
Một khả năng nữa có thể xảy ra là nếu như tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Brussels không thể đạt được thỏa thuận chung thì một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ được nhóm họp ngay trong tuần tới.
Trong khi đó, Quốc hội Đức cũng không loại trừ khả năng Thủ tướng A.Merkel sẽ mất chức Thủ tướng.
Nguyên nhân là do trong thời gian gần đây, chính các chính trị gia trong ê kíp lãnh đạo của bà A.Merkel cũng đã lên tiếng phản đối chính sách nhập cư do Thủ tướng Đức đang theo đuổi.
Những người phản đối chính sách nhập cư của bà Merkel trong Chính phủ Đức có thể kể đến là Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeble.
Mặc dù là các thành viên trong nội các Chính phủ của bà Merkel nhưng đây là hai bộ trưởng phản đối mạnh mẽ nhất chính sách nhập cư của Thủ tướng Đức.
Hai nhân vật này đã không ít lần ra mặt chỉ trích chính sách này của bà Merkel, cũng như thực hiện các biện pháp để hạn chế dòng người nhập cư vào Đức.
Ngoài ra, kết quả các cuộc thăm dò dư luận xã hội Đức trong thời gian gần đây cũng cho thấy tỷ lệ số người ủng hộ bà Merkel tiếp tục làm Thủ tướng Đức đang ngày càng giảm xuống.
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận xã hội do Viện dư luận xã hội Emnid của Đức tiến hành hồi cuối năm 2015, có đến 48% người được hỏi bày tỏ ý kiến phản đối việc bà Merkel tiếp tục ra ứng cử chức vụ Thủ tướng Đức sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2017, trong khi đó chỉ có 44% số người được hỏi ủng hộ ý tưởng này.
Đây là thực tế đáng lo ngại đối với bà Merkel nói riêng và với đảng Liên minh Dân chủ-Thiên chúa giáo nói chung vì các cuộc bầu cử liên bang sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 3/2016.
Sự phản đối của cử tri là rủi ro lớn đối với bà Merkel và đảng của mình vì nếu như thất bại trong cuộc bầu cử mang tính chất địa phương này, nhiều khả năng đảng của bà Merkel sẽ thất thất trong các cuộc bầu cử quan trọng tiếp theo.