Thổ Nhĩ Kỳ có "ngạo mạn" khi đòi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ?

Đào Cảnh |

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa lên tiếng yêu cầu tiến hành cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) bằng cách tăng cường số ủy viên từ 5 lên thành 20 và loại bỏ quy chế “ủy viên thường trực”.

Tuy nhiên, dường như đây chỉ là “chiêu trò” chính trị của ông Erdogan và tuyên bố này dường như được đưa ra để chống lại cả Nga và Mỹ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan mới đây lại tiếp tục đưa ra tuyên bố gây “sốc” khi kêu gọi tiến hành cải tổ mạnh mẽ HĐBA LHQ bằng cách nâng số ủy viên từ 5 quốc gia lên thành 20 quốc gia và loại bỏ quy chế “ủy viên thường trực”.

Giải thích cho ý tưởng này, ông Erdogan cho rằng tình hình ở Syria, nơi “hơn 500 nghìn người bị giết hại do chế độ khủng bố Assad gây ra” là một trong các nguyên nhân phải tiến hành cải tổ.

“Liệu điều đó có khả thi không? Đứng sau thế giới là gì? Sau HĐBA LHQ là gì? Chính vì vậy tôi mới nói rằng thế giới rộng lớn hơn so với 5 ủy viên thường trực của HĐBA.

Số phận của 196 quốc gia khác không thể chỉ do 5 quốc gia quyết định. Họ không có cái quyền đó”- Erdogan tuyên bố.

Theo ông Erdogan, mô hình HĐBA hiện nay chỉ phù hợp với thời Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (khi chưa có LHQ) nhưng các điều kiện của thế giới hiện nay đã khác trước nhiều. HĐBA không bao gồm đại diện của tất cả các châu lục mà có tới tận “3 quốc gia châu Âu”.

Được biết, theo điều 23 của Hiến chương LHQ, ủy viên thường trực của HĐBA gồm Nga (với tư cách kế nhiệm hợp pháp cho Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc).

Ủy viên không thường trực được bầu theo nguyên tắc bình đẳng giữa từng lục địa. 28 nước Tây Âu có 2 ghế, 23 nước Đông Âu có 1 ghế, 53 nước châu Á có 2 ghế và châu Phi có 3 ghế.

Thổ Nhĩ Kỳ không có đóng góp lịch sử nào cho LHQ

Theo chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ Stanislav Tarasov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu “Trung Đông-Kavkav” của Nga, tuyên bố của ông Erdogan về việc loại bỏ quy chế “ủy viên thường trực” được đưa ra nhằm chống lại Nga và Mỹ.

“Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ “khiêu khích” LHQ . Erdogan là ai mà lại đưa ra những tuyên bố kiểu này? Việc thành lập LHQ là kết quả đàm phán sau Chiến tranh Thế giới lần II.

Nhờ có Anh mà Thổ Nhĩ Kỳ mới được liệt kê vào danh sách các nước sáng lập ra LHQ nhưng trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào Chiến tranh Thế giới lần II.

Hơn nữa, người Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng theo chủ nghĩa dân tộc. Ankara không có bất cứ đóng góp lịch sử nào cho LHQ”- Tarasov nhấn mạnh.

Theo Tarasov, đúng là LHQ cần tiến hành cải tổ nhưng đó “không phải việc” của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố này được ông Erdogan đưa ra nhằm chống lại Nga. “Thổ Nhĩ Kỳ không có quyền chính trị để tuyên bố về cải tổ LHQ.

Còn có nhiều quốc gia quan trọng và có ảnh hưởng như Nhật Bản, Brazil… Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn vướng vào rất nhiều các vấn đề nội tại và khu vực. Nước này “không đủ tư cách” để đòi cải tổ LHQ”- Tarasov bổ sung.

Những nhận định của Tarasov nhận được sự ủng hộ của chuyên gia phân tích chính trị Nga Azdar Kurtov. Theo Kurtov, vấn đề cải cách HĐBA đã được đề cập trước đó không ít lần.

“Những tranh luận xung quanh cải tổ HĐBA LHQ đã được các nước ủy viên thường trực và không thường trực trao đổi. Rất nhiều ý kiến cho rằng cần đưa thêm một số quốc gia khác và danh sách ủy viên thường trực chứ không phải loại bỏ quy chế này.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong số đó. Các quốc gia có thể trở thành ủy viên thường trực là Đức , Brazil, Ấn Độ, Nhật Bản chứ không thể là Thổ Nhĩ Kỳ”- Kurtov nhấn mạnh.

“Tuyên bố của Tổng thống Erdogan được đưa ra một cách không khách quan. Những ngôn từ này được đưa ra nhằm chống Nga và Mỹ, các ủy viên quan trọng nhất của HĐBA.

Tuyên bố này chỉ cho thấy sự tuyệt vọng của Erdogan – nét đặc trưng của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ”- Kurtov đánh giá.

Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Erdogan không phải là “nhà cải cách” đầu tiên

HĐBA LHQ được thành lập trên cơ sở kết quả Chiến tranh Thế giới lần II và 5 ủy viên thường trực được xác định là các quốc gia trong liên minh chống phát xít (Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc).

Lần cải tổ gần đây nhất của HĐBA được thực hiện vào những năm 1960. Ban đầu, HĐBA gồm có 11 ủy viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực. Sau đó, số ủy viên tăng lên thành 15 và vẫn giữ nguyên số lượng ủy viên thường trực.

Đề xuất cải tổ HĐBA LHQ đã không ít lần được đưa ra. Trong thời gian gần đây, vấn đề này tiếp tục được Tổng thống Pháp Francois Hollande công khai đề cập đến.

Tuy nhiên, đề xuất này của ông Hollande không mang tính chất cực đoan như tuyên bố của ông Erdogan. Paris chỉ đưa ra đề xuất không để các ủy viên thường trực HĐBA được bỏ phiếu phủ quyết khi HĐBA thảo luận các vấn đề liên quan đến các tổn thất quy mô lớn.

Đáp lại đề xuất này của ông Hollande, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định rằng “quyền phủ quyết đã được thực hiện trong suốt 70 năm hoạt động của HĐBA”.

Tuy nhiên, ông Putin cũng tuyên bố sẵn sàng tiến hành thảo luận về một số thay đổi đối với HĐBA mà không liên quan đến các nguyên tắc hoạt động của tổ chức này.

Mùa thu năm 2015, Thủ tướng Nhật Bản Shindzo Abe cũng đưa ra tuyên bố về mong muốn của Tokyo trong việc biến LHQ thành tổ chức của Thế kỷ XXI và để Nhật Bản trở thành “sức mạnh của LHQ”, tức là Nhật Bản sẽ có quyền phủ quyết.

Được biết, trong vòng 8 năm qua, các cuộc đàm phán liên chính phủ về khả năng cải tổ HĐBA đã được tổ chức. Hiện đang có 2 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất gồm các quốc gia muốn nhận được quy chế ủy viên thường trực và nhóm thứ hai không muốn có quy chế này.

Một số quốc gia hướng đến ghế ủy viên thường trực sẵn sàng từ bỏ quy chế phủ quyết nếu được bầu, điển hình như Đức.

Tuy nhiên, các quốc gia châu Phi lại muốn họ vẫn được quyền phủ quyết (nếu trở thành ủy viên thường trực). Đây chính là vấn đề khó đàm phán nhất giữa các quốc gia để có thể tiến hành cải tổ HĐBA.

Ngoài ra còn có thêm 1 nhóm đòi cải tổ khác là nhóm các nước đề xuất thực hiện quy chế ủy viên “bán thường trực”. Các ủy viên này sẽ được bầu không phải với nhiệm kỳ 2 năm mà nhiệm kỳ sẽ là 8 năm và có khả năng được tái bầu.

Tuy nhiên, mô hình này không nhận được sự ủng hộ của Đại Hội đồng LHQ.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại