Vì Syria, Mỹ phải "nhẫn nhịn" Thổ Nhĩ Kỳ
Một trong những thách thức với an ninh toàn cầu không chỉ là Nga - Thổ gia tăng căng thẳng, mà còn là sự thiếu chắc chắn trong chính sách của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ.
"Mỹ là đồng minh theo hiệp ước NATO của Thổ Nhĩ Kỳ và phải cam kết bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp xung đột với Nga", ông Robert Freeman, giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học John Hopkins chỉ ra.
Tuy nhiên, Mỹ ngày càng tỏ ra không hài lòng với cách hành xử của Thổ Nhĩ Kỳ, do “ban đầu, Erdogan ít nhất là đã hỗ trợ ngầm cho IS, chiến đấu chống người Kurd, xung đột tiếp diễn với Israel”.
Dù thế, Washington không thể công khai bày tỏ sự phẫn nộ của mình về chính sách của Ankara, vì Mỹ vẫn phải sử dụng căn cứ quân sự Icirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để đánh bom các mục tiêu US và cần tới quốc qua này như là một cửa ngõ cho những người tị nạn.
Có thể thấy, chính sách của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay chủ yếu được định hình bởi chiến thuật ở Syria.
"Chính sách của Mỹ với Syria tiếp tục bị chi phối chủ yếu bởi sự miễn cưỡng của Obama khi dấn sâu hơn và cuộc xung đột.
Tổng thống Nga Putin biết điều đó, và ông ta đã khai thác nó để củng cố vị thế của chính quyền Assad, vị thế chính trị và quân sự của Nga ở Syria cũng như ở Trung Đông", chuyên gia Freeman nhận định.
Trong khi đó, Washington dường như đang căng mình ra giữa việc tăng cường hợp tác với Nga về Syria và hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO trong cuộc đối đầu với Nga.
Ông Michael O’Hanlon, giám đốc Phòng Chính sách Đối Ngoại thuộc Viện Brookings cho rằng, "Mỹ là đồng minh vững chắc của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng mối quan hệ với Erdogan là gượng ép, Mỹ không có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với Ankara trong việc giải quyết khủng hoảng Syria”.
Đồng thời, Mỹ thấy việc hợp tác với Nga để đưa ra một lệnh ngừng bắn ở Syria - cả về lý do nhân đạo và chiến lược là điều hữu ích, song lại không muốn đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào thế yếu.
Điều này dẫn tới một vấn đề khác: Lập trường của Washington với Thổ Nhĩ Kỳ càng ít chắc chắn bao nhiêu, tình hình càng trở nên khó đoán định và dễ "bùng nổ" bấy nhiêu.
Khả năng xảy ra đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là cuộc xung đột lớn hơn giữa Nga và NATO không cao, song không còn là không thể.
Theo ông Freeman, “xét tình hình lệnh ngừng bắn hiện nay - dù là mong manh, tôi không cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xâm lược Syria, song Erdogan thì không lường được".
Giáo sư Đại học Toronto Aurel Braun cũng đồng quan điểm khi cho rằng, nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn đang làm phức tạp quan hệ Nga - Mỹ và sẽ còn gây ra nhiều tình huống tiến thoái lưỡng nan cho cả Moscow và Washington.
Thổ đang "cản đường" thoả thuận ngừng bắn ở Syria
Ông Jon Alterman, giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), lại ít bi quan hơn khi đánh giá quan hệ Nga-Mỹ-Thổ.
"Tôi không chắc có một cuộc khủng hoảng đang xảy ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Có căng thẳng. Nhưng họ là 2 quốc gia đã có quan hệ lâu năm về cả ngoại giao và thương mại.
Họ rồi sẽ có quan hệ lâu dài về ngoại giao và thương mại. Họ đang rơi vào thời điểm căng thẳng. Tôi không nghĩ Mỹ tìm cách kích động nó".
Ông Alterman lập luận rằng, Mỹ "chắc chắn" lo ngại rằng căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bùng nổ, một phần bởi Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Washington lại "đang cố gắng làm lắng dịu mọi chuyện".
Thách thức lớn hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Mỹ đang rất mâu thuẫn trong giải pháp đối với Syria. Họ cũng không thể đi tới một thoả thuận chung và cuối cùng "cố gắng theo đuổi mục tiêu của mình trong khi lại chống lại mục tiêu của những người khác".
Sự bất đồng này là một trong những "rào cản" đối với thoả thuận ngừng bắn dài hạn của Mỹ - Nga ở Syria.
"Vì vậy, cần phải chú trọng không chỉ sự hợp tác giữa Nga - Mỹ, mà là sự phối hợp giữa Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, phải hiểu họ đang nhìn nhận những việc xảy ra thế nào, cần phải làm gì để khắc phục nó".
Về phần mình, ông Braun tỏ ra bi quan hơn về triển vọng hợp tác trong tương lai.
"Quan hệ giữa Washington và Moscow rất tồi tệ, đặc biệt là về vấn đề Ukraine. Sự cương quyết của quân đội Nga trên toàn cầu khiến 2 cường quốc này khó có thể hợp tác một cách thực sự hiệu quả ở Trung Đông.
Trớ trêu thay, ở một số góc độ nào đó, Nga đang góp một phần đẩy nước Mỹ, vốn đã rất miễn cưỡng, quay trở lại vòng tay Thổ Nhĩ Kỳ, khi mà 2 quốc gia này, vì các lợi ích quốc tế lớn hơn, nên vượt qua rào cản là những vấn đề trong khu vực".
Theo ông Braun, "nhân tố" Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến cả 3 bên phải chịu tổn thất cũng như khiến người Syria chưa thể được quay trở về cuộc sống như trước đây.