Thiệt hại của Nga sau khi chia tay Ukraine

Nhàn Đàm |

Ở hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới, năm mới được xem là thời điểm để đoàn tụ gia đình và những cuộc sum họp.

Trong lĩnh vực kinh tế, thì các nước ASEAN đã chính thức liên kết với nhau để tạo thành một khu vực kinh tế chung (AEC) vào ngày cuối cùng của năm cũ.

Nhưng ở Đông Âu, thì ngày đầu năm 2016 lại đánh dấu một sự chia ly lớn nhất và lâu dài nhất trong lịch sử thế giới hiện đại: Nga và Ukraine chính thức đường ai nấy đi, cả về chính trị lẫn kinh tế, sau một khoảng thời gian gần một thế kỷ gắn bó chặt chẽ với nhau như hình với bóng.

Nàng công chúa Ukraine cuối cùng cũng dứt tình với vị Sa hoàng Nga để ngả vào vòng tay của chàng hoàng tử mang tên Liên minh châu Âu (EU).

Ngày đầu năm mới 1.1.2016 đánh dấu một sự chia ly lớn nhất tại khu vực Đông Âu, khi Nga và Ukraine đã chính thức cắt đứt nốt mối liên hệ mật thiết cuối cùng giữa hai quốc gia về lĩnh vực kinh tế.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Ukraine đã chính thức có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm 2016, và Nga trong nỗ lực phản đối sự kiện này đã chấm dứt hiệp định thương mại tự do giữa Nga và Ukraine, và kiện nước này ra tòa vì khoản nợ 3 tỷ USD chưa trả để thanh toán món nợ mua khí đốt từ Nga.

Kể từ nay, Ukraine sẽ chỉ còn được hưởng quy chế “tối huệ quốc” và hàng hóa của nước này xuất khẩu vào Nga sẽ phải chịu mức thuế 6-7%.

Sau những lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU kéo dài cả năm qua, và một cuộc căng thẳng kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, thì giờ đây Nga chính thức bước vào một cuộc chiến kinh tế mới với người láng giềng vốn có quan hệ mật thiết với Nga trong suốt gần một thế kỷ qua – Ukraine.

Lịch sử hiện đại chứng kiến sự gắn kết chặt chẽ về vận mệnh giữa Nga và Ukraine sau Cách mạng tháng Mười, khi cả Ukraine và Nga đều trở thành một phần của Liên bang Xô Viết.

Trong Liên Xô, Ukraine là một trong những khu vực quan trọng nhất về mọi mặt, từ kinh tế, nhân lực cho đến chính trị và quân sự.

Ukraine là một trong những vựa lúa mì lớn nhất và cũng là cửa ngõ để Liên Xô tiến ra biển Đen. Không ít những nhân vật cấp cao của Liên Xô là người Ukraine, kể cả chức Tổng bí thư như Brezhnev.

Mối liên hệ này chặt chẽ đến mức kể cả sau khi Liên Xô tan rã, thì Ukraine vẫn là một trong những quốc gia vẫn gắn bó với Nga cho đến những phút cuối và chỉ tách khỏi Liên Xô để độc lập trong giai đoạn sau cùng.

Giai đoạn hậu Liên Xô, mối gắn kết giữa Ukraine và Nga vẫn cực kỳ bền chặt, Ukraina vẫn sở hữu bán đảo Crimea vốn là cửa ngõ ra biển Đen của hạm đội Hắc hải của Nga.

Những đặc điểm về tổ chức hành chính giữa hai nước gần như không có gì khác biệt.

Nga là đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine với kim ngạch thương mại đạt 31,8 tỷ USD tính đến năm 2013, đạt 28% tổng giá trị thương mại của nước này, Ukraine cũng là đối tác thương mại lớn thứ năm của Nga với kim ngạch đạt 5%.

Hàng năm có khoảng 6 triệu người Ukraine đến Nga, và khoảng 4 triệu người đến Nga làm việc. Không có gì lạ khi với từng ấy ảnh hưởng, Nga có không ít các lãnh đạo Ukraine có xu hướng thân mình.

Đặc biệt là khi hàng loạt các quốc gia thuộc khối XHCN ở Đông Âu gia nhập NATO như Ba Lan hay ba nước vùng Baltic, thì Ukraine giữ vai trò là lá chắn và vùng đệm cuối cùng của Nga trước tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của NATO ở Đông Âu.

Kể cả sau khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine nổ ra và dẫn đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau đó, thì mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế giữa hai quốc gia vẫn không mất đi.

Trên chính trường, các chính trị gia Ukraine coi Nga như kẻ thù, ngoài chiến trường các binh sĩ Ukraine vẫn tự coi đối thủ của mình là Nga, nhưng trên phương diện kinh tế cả hai vẫn là những đối tác quan trọng của nhau.

Cả hai nước lặng lẽ duy trì một khu vực trao đổi kinh tế tự do tại Crimea để đáp ứng nhu cầu mật thiết này trong suốt cả giai đoạn diễn ra cuộc xung đột.

Dĩ nhiên cuộc chiến đã khiến mức độ trao đổi thương mại giữa hai nước giảm đi đáng kể so với khi hòa bình, xuất khẩu của Ukraine sang Nga trong 10 tháng đầu năm 2015 giảm xuống còn 44% so với năm 2014.

Còn Nga thì vẫn đồng ý cung cấp khí đốt cho Ukraine với giá ưu đãi trong thời gian diễn ra cuộc xung đột, và thậm chí vẫn cho Kiev nợ tiền mua khí đốt lên tới gần 3 tỷ USD.

Các điều khoản thỏa thuận trong hiệp định thương mại tự do giữa hai nước vẫn được tuân thủ đầy đủ.

Về phương diện kinh tế, cả Nga lẫn Ukraine là quá quan trọng đối với nước còn lại, và cả hai đều không muốn cắt đứt mối quan hệ này, dù về chính trị cả hai đều đang coi nhau không khác gì kẻ thù.

Nhưng, mối liên hệ này cuối cùng cũng chấm dứt, khi Hiệp định thương mại tự do EU – Ukraine chính thức có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm mới 2016.

Với sự kiện này, kinh tế Ukraine được đánh giá là sẽ ngả hẳn về phía liên minh châu Âu dù mức gắn kết với kinh tế Nga sẽ vẫn còn quan trọng.

Để đáp trả, Nga chính thức chấm dứt FTA với Ukraine và chỉ còn cho nước này hưởng quy chế “tối huệ quốc”, đồng thời khởi kiện chính phủ Ukraine vì đã xù không trả khoản nợ 3 tỷ USD mua khí đốt của Nga.

Trong suốt nhiều tháng, điện Kremlin cố gắng sử dụng ảnh hưởng kinh tế của Nga tại Ukraine để duy trì ảnh hưởng về chính trị ở một mức độ nhất định, Nga muốn một Ukraine nếu không thân Nga thì cũng không thân phương Tây.

Nhưng khi FTA giữa EU và Ukraine được hình thành, thì ảnh hưởng kinh tế của Nga ở Ukraine sẽ bị ảnh hưởng, và về lâu dài có lẽ không thể ngăn Kiev ngả về phía Brussel được nữa.

Sự chia ly về kinh tế này được dự báo sẽ gây đau đớn cho cả hai nước.

Theo tính toán, thiệt hại trực tiếp của Ukraine sau khi Nga chấm dứt FTA là vào khoảng 10 tỷ USD, đồng thời các doanh nghiệp trước đây chuyên sản xuất hàng xuất khẩu sang Nga đang đứng trước nguy cơ phá sản, ảnh hưởng đến khoảng 750.000 lao động.

Về phía Nga, nước này sẽ mất đi một đối tượng thương mại khá quan trọng của mình và điều này đặc biệt gây ảnh hưởng xấu trong bối cảnh Nga đang rơi vào một số xung đột kinh tế khá trầm trọng.

Thị trường Nga có thể gặp thêm khó khăn khi rơi vào tình trạng khan hiếm một số hàng hóa nhập khẩu từ Ukraine, và hàng xuất khẩu sang Ukraine của Nga có thể bị ứ đọng và giảm đi đáng kể.

GDP dự đoán của Nga trong năm nay sẽ giảm xuống 3,8% do tác động của các xung đột về kinh tế với nước ngoài.

Người được lợi nhất trong sự kiện này không ai khác ngoài EU.

Trong bối cảnh các mối quan hệ thương mại với Nga vẫn bị đình trệ do các lệnh trừng phạt, thì việc FTA với Ukraine ra đời sẽ mở ra cho các doanh nghiệp EU một thị trường xuất khẩu mới thế chỗ cho Nga.

Dĩ nhiên thị trường của Ukraine không thể so sánh với Nga, nhưng cũng sẽ khiến cho những hàng hóa xuất khẩu sang Nga bị ứ đọng ở EU có một thị trường tiêu thụ không phải là nhỏ.

Theo dự báo, FTA giữa EU và Ukraine có thể đem lại cho hai bên khoảng 4-6 tỷ USD mỗi năm.

Nói cách khác, EU đang phỗng tay trên của Nga một đối tác kinh tế không hề nhỏ để giảm thiểu ảnh hưởng từ sự ngưng trệ quan hệ thương mại với Nga, trong khi Nga thì ngày càng rơi vào cảnh bị bao vây về kinh tế hơn.

Sau các lệnh trừng phạt kinh tế của EU, sự căng thẳng kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, thì giờ Nga lại mất thêm một đối tác kinh tế quan trọng khác là Ukraine.

Bất kể bài phát biểu đầu năm mới 2016 của tổng thống Putin có gây xúc động đến đâu, thì có vẻ như vận đen với nước Nga vẫn không hề giảm đi, thậm chí còn đang tăng lên trong những ngày đầu năm mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại