Đây là con số được đưa ra trong bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/6 nhằm giúp các cơ quan hữu quan đánh giá hiệu quả của các nỗ lực chống khủng bố và điều chỉnh chính sách ứng phó với các mối đe dọa từ khủng bố.
Điều phối viên chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tina Kaidanow cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là thủ phạm của nhiều vụ tấn công nhất. Phúc trình cũng cho biết cuộc xung đột ở Syria đã thu hút nhiều phần tử khủng bố người nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Iran tiếp tục hỗ trợ các nhóm khủng bố trên khắp thế giới, chủ yếu là thông qua lực lượng c của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.
Nhiều năm qua nước Mỹ đã đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố và đổ không ít tiền, xương máu vào cuộc chiến này. Cách đây 14 năm, vào tháng 10/2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush phát lệnh tấn công và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.
Ông đã công bố một chiến dịch quân sự mang tên “Tự do bền vững” nhằm vào Afghanistan. Hai năm sau, ông Bush tiếp tục đưa quân tấn công Iraq. Cả hai cuộc chiến mà Washington phát động là nhằm mục đích tiêu diệt tận gốc mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda.
Đến tháng 9/2014, Tổng thống Barack Obama tuyên bố một cuộc chiến tranh mới, cuộc chiến chống IS.
14 năm đã trôi qua, nước Mỹ đã trải qua 2 cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq. Tuy nhiên, đến lúc này, Mỹ vẫn chưa thể thoát khỏi vũng lầy tại đây.
Trong khi đó, nỗi ám ảnh về nguy cơ khủng bố với sự trỗi dậy mạnh mẽ của lực lượng khủng bố IS lại tiếp tục bao trùm lên nước Mỹ.
Al Qaeda ngày nay không còn là một tổ chức do Bin Laden sáng lập chỉ hoạt động ở Afghanistan và Iraq nữa mà chúng đã mở rất nhiều chi nhánh ở Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á.
Đặc biệt, Al Qaeda trên bán đảo Arab, với những tên trùm khủng bố kế nhiệm Bin Laden được cho là còn tàn độc hơn nhiều, là mối đe dọa với an ninh quốc tế.
Còn IS, từ một nhóm nhỏ bị Al Qaeda chối bỏ, IS đã vươn lên thành tổ chức cực đoan nguy hiểm nhất thế giới chỉ trong một năm.
Đầu tháng 6 này, BBC cho hay, Mỹ đã chi hơn 9 triệu USD/ngày trong cuộc chiến chống IS và hiện đã tiêu tốn 2,7 tỷ USD cho chiến dịch ném bom kể từ khi bắt đầu. Thế nhưng Tổng thống Obama phải thừa nhận, Mỹ vẫn thiếu một chiến lược toàn diện để chống lại IS.
"Chúng ta vẫn chưa có một chiến lược toàn diện, bởi cuộc chiến chống IS cần cam kết của Iraq về vấn đề đào tạo và tuyển mộ binh sĩ.
Chúng ta chứng kiến các bộ tộc Sunni không chỉ sẵn sàng chống IS và đã thành công, nhưng mọi chuyện chưa diễn ra nhanh như mong muốn”, ông Obama cho biết hôm 8/6.
Sự phát triển mạnh mẽ của IS, con số người chết do tấn công khủng bố tăng hơn 80%..., cho thấy dường như nước Mỹ đang bế tắc trong cuộc chiến chống khủng bố và bản thân nước Mỹ vẫn đứng trước nguy cơ khủng bố bất cứ lúc nào.