Theo báo chí Nga, sau 5 năm nữa nước này sẽ có thể tự chủ hoàn toàn việc đảm bảo nhu cầu nội địa về các sản phẩm thịt và rau củ quả, còn sữa và các sản phẩm từ sữa thì sau 7 - 10 năm nữa.
Tại phiên họp của chính phủ hồi cuối tháng Tư vừa qua, Phó Thủ tướng phụ trách, phát triển tổ hợp công - nông nghiệp Arkadi Dvorkovic đã loan báo chương trình đầy tham vọng trên.
Đáng chú ý, thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Nga khẳng định chưa vội gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ các quốc gia nằm trong danh sách bị Nga áp dụng biện pháp trả lệnh trừng phạt.
Và để trợ giúp các nhà sản xuất nông sản nội địa, Chính phủ Nga dự kiến khởi động một cơ chế mới: chính quyền sẽ dùng ngân sách bù đắp cho các nhà sản xuất nông nghiệp một phần chi phí đầu tư vào sản xuất.
Giới chuyên gia cho rằng hiện người dân Nga không nghi ngờ khả năng chính phủ sẽ dùng các công cụ để đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, mà họ quan ngại một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Nga như sản xuất sữa, rau củ quả... hiện vẫn chưa đạt được ngưỡng an ninh lương thực cần thiết.
Theo lời ông Dvorkovic, Chính phủ Nga Nga dự kiến tự chủ hoàn toàn về sữa và các sản phẩm từ sữa sau 7 - 10 năm nữa, nếu ngân sách cho lĩnh vực này được tăng gấp 3 - 4 lần so với mức hiện nay.
Cũng với mức chi tương tự, sau 5 năm Nga có thể đảm bảo an ninh đối với nhóm thịt và rau củ quả.
Học thuyết an ninh lương thực mới của Nga cũng xác định rõ tỷ lệ phần trăm từng nhóm hàng cụ thể mà sản xuất trong nước sẽ phải đảm bảo cho thị trường.
Theo đó, ngũ cốc sẽ phải chiếm hơn 95%, đường hơn 80%, dầu thực vật và các sản phẩm từ thịt không dưới 85%, khoai tây không dưới 95%, muối ăn trên 85%.
Được biết trong bối cảnh nền kinh tế bị suy thoái vì khủng hoảng, Chính phủ Nga đã cắt giảm ngân sách đối với hầu hết các lĩnh vực, chỉ có chi tiêu cho nông nghiệp và quốc phòng vẫn được giữ nguyên, thậm chí ở một số khoản còn tăng.
Mặc dù chưa xác định được ngân sách cụ thể chi cho hai lĩnh vực trong giai đoạn tài khóa 2016 - 2017, song về cơ bản Quốc hội Nga đã đạt được sự thống nhất là sẽ tiếp tục tăng chi để hỗ trợ nông nghiệp.
Trong thời gian tới, các nhà sản xuất nông nghiệp của Nga có thể nhận được từ chính phủ khoản hỗ trợ một phần các chi phí đầu tư mà họ đã bỏ ra để mở rộng sản xuất.
Ngoài ra, mức lãi suất dành cho các khoản vay đầu tư vào nông nghiệp sẽ được ưu tiên ở mức từ 3 - 5%, thay vì lãi suất cơ bản 14,7% do Ngân hàng tủn ương Nga quy định.
Thậm chí các cơ cấu ngân hàng ngoài quốc doanh cũng phải cam kết sẽ dành cho người sản xuất nông nghiệp chính sách lãi suất cho vay ưu đãi không quá 7%, kể cả họ phải huy động vốn ở mức cao lên tới 20%.
Đại diện các hiệp hội sản xuất nông nghiệp của Nga đánh giá rất cao các sáng kiến cũng như biện pháp của chính phủ. Sự hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả này chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất và tính cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Nga.
Thậm chí, Hiệp hội các nhà sản xuất sữa và thịt còn bày tỏ tin tưởng các mục tiêu tự chủ hoàn toàn về thực phẩm có thể sẽ đạt được sớm hơn mốc thời gian dự kiến từ 1 - 2 năm.
Giới quan sát nhận định với việc thúc đẩy mạnh mẽ nền sản xuất nông nghiệp nội địa, khả năng Nga thoát khỏi sự lệ thuộc truyền thống bấy lâu nay về nông sản nước ngoài là khá cao.
Sự điều chỉnh này không những giúp Nga tự chủ trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn mở ra cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế vốn thiên lệch về khai thác và xuất khẩu nguyên nhiên liệu thô.
Và nếu điều này xảy ra, một nước Nga tự chủ về năng lượng, lương thực và quân sự sẽ có tiếng nói ngày càng mạnh mẽ trên trường quốc tế.