Cảnh sát Hồi giáo dùng máu bảo vệ "quyền được nói" của báo Pháp

Hải Võ |

Cảnh sát Ahmed Merabet - một người Hồi giáo - đã bị chính những kẻ chung tín ngưỡng với mình hành quyết. Ông Ahmed hy sinh để bảo vệ "quyền châm biếm đạo Hồi của Charlie Hebdo".

Chết dưới tay đồng đạo

Sau vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo khiến 12 người thiệt mạng, phần lớn sự ủng hộ của công chúng đã hướng về những nạn nhân làm việc tại tờ Charlie như Giám đốc xuất bản Stéphane Charbonnier, họa sĩ Jean Cabut hay nhà kinh tế học Bernard Maris.

Một hastag trên Twitter là #JesuisCharlie (Tôi là Charlie) đã được lập ra để tưởng niệm và tôn vinh những nhà báo của Charlie Hebdo.

Cảnh sát Ahmed Merabet
Cảnh sát Ahmed Merabet

Tuy nhiên, Mic - một tờ báo Mỹ có trụ sở đặt tại New York - cho rằng, sự xả thân để bảo vệ tự do ngôn luận của các thành viên Charlie Hebdo là cao đẹp, nhưng cũng không thể bỏ qua những sinh mạng "bên ngoài khuôn khổ tờ tạp chí".

2 cảnh sát đã bị giết, gồm Ahmed Merabet (42 tuổi) và Franck Brinsolaro (49 tuổi) là những người đã trực tiếp bảo vệ các nhà báo của Charlie Hebdo.

Cái chết của ông Merabet đã được ghi lại và chia sẻ trên truyền thông. Hai kẻ tấn công đã tiến lại gần ông Ahmed, phớt lờ việc ông xin tha mạng và "hành quyết" ông này.

Ahmed Merabet được biết là sĩ quan cảnh sát làm việc tại Quận 11, Paris, gần địa điểm tòa soạn Charlie Hebdo.

Truyền thông cũng xác nhận, bản thân ông Ahmed là 1 người theo đạo Hồi.

Merabet đã chết dưới tay của những người cùng tín ngưỡng với mình, dù đó chỉ là nhóm thiểu số nguy hiểm - tờ Mic nói.

Những kẻ tấn công sau khi giết ông Ahmed đã hét lên rằng - "Chúng ta đã báo thù cho nhà tiên tri Muhammad".

Điều đáng nói là, cái tên "Ahmed" có chung nguồn gốc với "Muhammad", và đôi khi nhà tiên tri này cũng được nhắc đến bằng tên gọi... Ahmed.

Người Hồi giáo ở Anh bày tỏ sự kính trọng với ông Ahmed.

Người Hồi giáo ở Anh bày tỏ sự kính trọng với ông Ahmed.

Hy sinh để bảo vệ chính những người vẽ biếm họa về tôn giáo của mình

Cảnh sát Ahmed Merabet, ở một khía cạnh nào đó, đã trở thành biểu tượng trong các cuộc tranh luận về tự do ngôn luận và sự khoan dung tôn giáo - Sydney Morning Herald (Australia) bình luận.

Ông Ahmed đã hy sinh mạng sống của mình "để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của tờ Charlie Hebdo, dù tờ báo này dùng quyền đó để châm biếm tôn giáo, tín ngưỡng của chính ông".

Cái chết của Ahmed Merabet là một "thực tế đầy sức mạnh", và khiến cộng đồng mạng đứng lên để tôn vinh ông.

Ngay sau khi những thông tin về ông Ahmed xuất hiện, một hashtag trên Twitter mang tên #JeSuisAhmed (Tôi là Ahmed) đã lan truyền mạnh mẽ.

"Tôi, một người Hồi giáo, bị giết khi bảo vệ quyền được bày tỏ bản thân của các bạn. Còn các bạn lại dùng quyền lợi đó để kêu gọi sự ghét bỏ đối với chúng tôi?" - Tài khoản Twitter Bearded Brown Man nói "thay lời Ahmed Merabet".

Dyab Abou Jahjah - một cư dân mạng Twitter - mượn lời Ahmed để nói: "Tôi không phải là Charlie (Hebdo), tôi là cảnh sát bị giết Ahmed.

Charlie châm biếm tín ngưỡng và văn hóa của tôi, và tôi đã chết để bảo vệ quyền đó của họ".

Tôi không đồng tình với những gì bạn nói, nhưng tôi bảo vệ quyền được nói của bạn, cho tới chết - Adalia Conti mượn lời Ahmed Merabet nói trên Twitter.

"Tôi không đồng tình với những gì bạn nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của bạn" - Adalia Conti dùng lời Voltaire để ca ngợi viên cảnh sát người Hồi giáo trên Twitter.

Thực tế, nước Pháp đang ở vào tình trạng nguy hiểm, khi cơn sóng phẫn nộ đối với người Hồi giáo đang dâng cao tại đây.

Một vài nhà thờ Hồi giáo đã bị tấn công trong đêm, được cho là đòn trả thù cho vụ thảm sát ở Charlie Hebdo.

Sáng hôm thứ 5 (8/1, giờ địa phương), thêm một nữ cảnh sát Pháp bị bắn trong một vụ đấu súng ở Paris và đã qua đời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại