Thách thức lớn nhất của bà Aung San Suu Kyi là gì?

Anh Tuấn |

Trong lúc đảng của bà Aung San Suu Kyi đang hướng đến chiến thắng lịch sử, giờ đây người ta bắt đầu chú ý đến một thách thức mới mà bà chưa từng làm trước đây, đó là lãnh đạo đất nước.

Sau 2 thập kỷ đấu tranh chống lại một chính phủ kiểm soát bởi quân đội, bà Suu Kyi hiếm khi liên quan đến những vấn đề chính trị, và nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người.

Với việc Đảng Liên hiệp Quốc gia Dân chủ Myanmar (NLD) của bà sẽ có thể giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tranh cử toàn quốc, lần đầu tiên bà Suu Kyi sẽ đối mặt với thách thức to lớn, đó là lãnh đạo một chính phủ từ lâu đã chịu sự phụ thuộc của quân đội.

Các quan chức giám sát bầu cử đã công bố kết quả từ một phần số phiếu bầu thu về.

Kết quả là đảng NLD chiếm đại đa số phiếu ủng hộ và một số quan chức chính phủ tin rằng đây sẽ là thắng lợi áp đảo của đảng. Bà Suu Kyi cũng tin rằng mình sẽ thắng cử khi bảo những người ủng hộ hãy “bày tỏ cảm thông đối với những người thua cuộc”.

Thế nhưng, ngay cả khi đảng giành được hơn 2/3 số ghế trong quốc hội, bà Suu Kyi vẫn phải cẩn thận trước những viên tướng nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ và có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế của Myanmar.

Ngoài ra, các đồng minh của đảng NLD và nhiều nhà phân tích nói rằng, “Quý bà” Aung San Suu Kyi tỏ ra không muốn thỏa hiệp và khước từ quan hệ đối với những đối tác quan trọng.

Những người ủng hộ thì lại nói rằng đó là lòng tin được rèn luyện trong 15 năm bị giam lỏng giúp bà Suu Kyi giành được chiến thắng lịch sử.

Myanmar đã chịu sự kiểm soát của quân đội trong vòng hơn 5 thập kỷ, và mãi đến 4 năm trước một chính phủ do dân bầu được thành lập, song các tướng lĩnh vẫn giữ những chức vụ quan trọng.

Việc biến một quốc gia nhiều năm cô lập trở thành một nhà nước dân chủ hiện đại sẽ cần những kỹ năng đặc biệt.

Theo hiến pháp Myanmar do quân đội lập nên, bà Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống, một chức vụ do quốc hội chọn ra, bởi những người có thân nhân là người nước ngoài không được phép giữ chức vụ này.

Bà có người chồng đã mất cùng hai con đều mang quốc tịch Anh.

Nhiều người đã tỏ ra kinh ngạc khi vào đêm bầu cử, bà Suu Kyi tuyên bố sẽ có vị trí “cao hơn cả Tổng thống” nếu đảng NLD giành chiến thắng. Phát ngôn này đã khiến nhiều người lo sơ rằng quân đội có thể sẽ mạnh tay hơn trong tương lai.

“Đáng lẽ bà ấy không nên nói câu đó”, ông Robert Sann Aung, một luật sư nhân quyền và là một người ủng hộ bà Suu Kyi cho biết. Theo ông, một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đó là đảng NLD không có “người kế tục” sau bà Suu Kyi.

Phần lớn những người đứng ra thành lập đảng đã qua đời. Trong cuộc tranh cử toàn quốc, bà Suu Kyi là gương mặt đại diện duy nhất của đảng và đôi lúc người ủng hộ đảng NLD không biết ứng cử viên địa phương của đảng là những ai.

Ngoài ra, đảng NLD đã khước từ đề nghị tranh cử từ “Thế hệ năm 88”, một nhóm những người hoạt động chính trị bị bắt giam trong các cuộc biểu tình do sinh viên tổ chức vào năm 1988.

Theo các chuyên gia, rất có thể đảng NLD lo rằng những người trẻ tuổi hơn sẽ xuất hiện và trở thành đối thủ của bà Suu Kyi.

“Quyết định đó của đảng NLD sẽ khiến những thế hệ lãnh đạo tiếp theo không được kết nạp”, ông Richard Horsey, một chuyên gia phân tích tại Rangoon cho biết.

“Họ có những lãnh đạo lớn tuổi và được nhiều người trẻ tuổi tin cậy, nhưng họ sẽ không có thế hệ lãnh đạo tiếp theo có thể tiếp nối những nỗ lực của bà Suu Kyi”.

Mặc dù Thế hệ năm 88 ủng hộ đảng NLD trong cuộc tranh cử lần này, ông Mya Aye, một thành viên trong nhóm đã gọi sự khước từ đề nghị tranh cử của họ là “một sai lầm” và rất có thể rạn nứt sẽ xuất hiện trong tương lai.

Cách làm chính trị của bà Suu Kyi không nhận được sự đồng tình của nhiều người.
Cách làm chính trị của bà Suu Kyi không nhận được sự đồng tình của nhiều người.

“Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi phải phụ thuộc vào mình chứ không chỉ đứng cùng với NLD”, ông Mya Aye nói. “Cuộc bầu cử năm 2015 đã kết thúc, nhưng trong tương lai rất có thể Thế hệ năm 88 sẽ trở thành đảng phái lớn thứ ba ở Myanmar”.

Hiện ở Myanmar có đảng NLD và Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển Myanmar (USDP), có thành viên gồm những tướng lĩnh cấp cao.

Cách làm của bà Suu Kyi cũng khiến một số đảng phái nhỏ không hài lòng, trong đó có những đảng đại diện cho các dân tộc thiểu số chiếm 40% dân số của Myanmar.

Trước chiến dịch tranh cử, một số chủ tịch đảng của các dân tộc thiểu số đã liên lạc và bàn bạc chiến lược với bà Suu Kyi tại quốc hội, khi bà được bầu vào đây năm 2012 sau khi quân đội Myanmar trả tự do cho bà.

Ông Aye Maung, người đứng đầu đảng của người dân tộc lớn nhất ở bang Rakhine nói rằng ông đã kêu gọi bà Suu Kyi không được tranh cử ở bang này do lo sợ mâu thuẫn giữa ứng cử viên từ đảng NLD và những người dân tộc thiểu số ở Rakhine, song không thành công.

“Hai đảng đều có chung một mục tiêu, đó là xóa bỏ sự hiện diện của quân đội khỏi chính trường”, ông Aye Maung nói. “Hai đảng hoàn toàn có thể hợp tác với nhau trong chính phủ.

Nhưng khi tôi nói với bà ấy rằng hãy để bang Rakhine cho chúng tôi, bà ấy không nói gì. Tôi nghĩ bà muốn thành lập một chính phủ đơn đảng”.

Trong khi đó, bà Suu Kyi gọi những chỉ trích nhận được là dấu hiệu cho thấy bà là “một chính trị gia thực thụ” và khẳng định khả năng điều hành đất nước của đảng NLD “chắc chắn sẽ tốt hơn chính phủ hiện tại”.

Các chuyên gia phân tích nói rằng, bà cũng phải đối mặt với những vấn đề chính trị nan giải.

Để tránh gây thù địch đối với những người theo đạo Phật có tư tưởng cứng rắn, bà không kêu gọi phản đối những chính sách phân biệt đối xử của chính phủ đối với những người đạo Hồi ở Myanmar, khiến nhiều nhà hoạt động nhân quyền và một số quan chức trong chính phủ Mỹ thất vọng.

Dù vậy, các quan chức Mỹ nói rằng thành công của cuộc bầu cử này sẽ quyết định đến việc Mỹ tiếp tục nới lỏng cấm vận kinh tế được bắt đầu từ năm 2012, khi chính phủ tiến hành cải cách dân chủ.

Bà Suu Kyi vẫn là chính khách được yêu mến nhất ở Myanmar.
Bà Suu Kyi vẫn là chính khách được yêu mến nhất ở Myanmar.

Trong khi đó, những chỉ trích đối với bà Suu Kyi không hề giảm bớt sự tin yêu của người dân. Đã có hơn 1.000 người đứng dưới trời mưa rào vào ngày 9/11 bên ngoài trụ sở chính của đảng NLD với hy vọng được nhìn thấy người phụ nữ này.

Những gương mặt trong đám đông đeo phù hiệu ủng hộ bà là minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng của bà đối với cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Myanmar lớn như thế nào.

Họ là những thanh niên nhuộm tóc màu tím, những người già cuốn sarong quanh hông, những phụ nữ trung niên đội nón rơm tập trung lại để hát bài ca về bà Suu Kyi và chúc mừng chiến thắng đang đến gần của đảng NLD.

“Không ai có thể mang đến sự thay đổi lớn lao như bà đã làm”, ông Kim Wun, một chủ cửa hàng bánh mì đi cùng với con gái 16 tuổi của mình cho biết.

“Theo luật pháp, bà Suu Kyi không được làm Tổng thống, nhưng trong tâm can chúng tôi bà ấy đã là một vị tổng thống rồi”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại