Nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis đã kết thúc hoạt động thường xuyên trên biển Đông và đến vùng biển Philippines. Ngày 7-3 (giờ địa phương), Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ thông báo như trên.
Thông tin từ trang web của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay đã tuần tra trên biển Đông từ ngày 1 đến 6-3, mỗi ngày tiến hành các hoạt động bay và tiếp tế trên biển.
Phi đội tác chiến điện tử luôn được đặt trong tình trạng báo động cao nhằm nhận diện các mối tiếp xúc nhanh nhất có thể.
Thông báo khẳng định nhiều tàu hải quân Trung Quốc đã có mặt trong khu vực xuyên suốt thời gian tàu sân bay Mỹ hiện diện trên biển Đông. Dù vậy, mọi tương tác giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc đều rất chuyên nghiệp.
Trả lời trang web military.com, người phát ngôn hạm đội Thái Bình Dương Matt Knight cho biết không tàu nào trong nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở biển Đông.
Người phát ngôn khẳng định nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ quá cảnh qua biển Đông không liên quan gì đến căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Các tàu chỉ thực hiện chiến dịch thông thường chứ không biểu dương sức mạnh như Trung Quốc chỉ trích và cũng không chính thức đối đầu với hải quân Trung Quốc.
Cùng ngày 7-3 (giờ địa phương), một cuộc hội thảo bàn tròn của các quan chức phụ trách ngân sách quốc phòng đã được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, D.C.
Tại hội thảo, Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher (phụ trách chiến lược, kế hoạch và năng lực) cho biết ngân sách quốc phòng năm 2017 được Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất là 583 tỉ USD, tăng gần 2% so với năm 2016.
Ông giải thích Lầu Năm Góc sẽ hướng đến các mục đích hiện đại hóa vũ khí, giúp đỡ các đồng minh và đối phó với các thách thức tiềm tàng trên thế giới.
Ông khẳng định có năm thách thức đang tiến triển là Nga, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Iran và bọn khủng bố.
Ông cho rằng yêu cầu của chiến lược sắp tới là ngăn chặn và nếu ngăn chặn không được thì đánh phải thắng.
Ông thông báo ngân sách quốc phòng sẽ tiếp tục được sử dụng để đáp ứng chiến lược tái cân bằng sang Thái Bình Dương nhằm “đối phó với đối thủ tiềm tàng định ngăn cản chúng ta tiếp cận khu vực”.
Ông Jamie Morin, Giám đốc về thẩm định chi phí và đánh giá các chương trình của Bộ Quốc phòng, giải thích Bộ Quốc phòng đã đề nghị đầu tư thêm 40 tỉ USD cho năng lực tàu ngầm.
Cụ thể là cải tiến tàu ngầm tấn công lớp Virginia với số ống phóng tên lửa từ 12 ống sẽ tăng lên gấp ba lần, cải tiến tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa tiêu chuẩn để có thêm chức năng chống hạm, đầu tư cho ngư lôi hạng nặng, hệ thống tự động lái, cảm biến cải tiến, thiết bị giảm âm.
Trang web USNI News dẫn lời ông Jamie Morin nói trong vòng 10 năm sẽ nâng 11 tàu sân bay lên 12 tàu.
Ông nhận xét đối với các đối thủ như Trung Quốc vốn có khả năng ngăn chặn Mỹ tiếp cận một số các khu vực, Lầu Năm Góc sẽ phải phát triển nhiều biện pháp mới.
Báo South China Morning Post (Hong Kong) đưa tin ngày 7-3, Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam La Bảo Minh đã xúi giục ngư dân Trung Quốc hỗ trợ bảo vệ cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.
Ông này nói tỉnh Hải Nam đã hỗ trợ đóng tàu, cấp dầu và huấn luyện tự vệ cho ngư dân.
Báo Hong Kong ghi nhận Trung Quốc thường dùng tàu dân sự để quấy nhiễu tàu nước ngoài ở biển Đông, kể cả tàu chiến Mỹ.
______________________________
Căn cứ liên lạc giữa tàu USS Chung-Hoon với các tàu hải quân Trung Quốc thì rõ ràng hải quân Trung Quốc tự phấn khởi vì đã liên lạc và giao tiếp một cách chuyên nghiệp.
TOM OGDEN, chỉ huy tàu khu trục USS Chung-Hoon