Tập Cận Bình "nắn gân" quân đội trước lễ diễu binh vào tháng Chín

Minh Thu |

Trước khi lễ diễu binh quân sự quy mô lớn được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 3/9 tới, ông Tập Cận Bình đã cho điều tra hàng loạt quan chức cấp cao nhằm "nắn gân" và thể hiện quyền uy trước quân đội.

Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc diễu binh quân sự quy mô lớn tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 3/9 tới. Hàng loạt vũ khí hiện đại sẽ được phô trương trên đại lộ Chang'an gần Quảng trường Thiên An Môn.

Mục đích của cuộc diễu binh là nhằm thể hiện những bước tiến vượt trội của quân đội Trung Quốc trước thế giới. Và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới tổng duyệt cuộc diễu binh này.

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang siết chặt quyền kiểm soát các lực lượng quân sự quốc gia.

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang siết chặt quyền kiểm soát các lực lượng quân sự quốc gia.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc vừa mới ra một thông báo quan trọng vào đêm hôm 30/7 về việc cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tướng Quách Bá Hùng đã bị khai trừ khỏi Đảng trước cáo buộc tham nhũng.

Hồ sơ điều tra ông Quách đã được chuyển cho các công tố viên quân sự Trung Quốc.

Phô trương quyền kiểm soát quân đội qua lễ diễu binh

"Cuộc diễu binh quân sự là một sự kiện lớn giúp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện khả năng kiểm soát toàn bộ lực lượng quân sự ở trong và ngoài nước.

Việc trừng trị ông Quách đã thể hiện được quan điểm trên. Nói cách khác, ông Quách có thể coi như vật hy sinh", tờ Nikkei Asian Review dẫn lời một nhà quan sát chính trị Trung Quốc.

Trong quá khứ, các cuộc diễu binh quân sự tại Trung Quốc được tổ chức theo cột mốc quan trọng. Điển hình, Trung Quốc mới chỉ tổ chức một buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Còn trong năm nay, Trung Quốc tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày "chiến thắng phát xít Nhật".

Song, trên thực tế, buổi lễ này là cơ hội để ông Tập thể hiện khả năng kiểm soát toàn bộ lực lượng quân sự, một nền tảng quan trọng cho vị thế lãnh đạo của chủ tịch Trung Quốc.

Có thể nói, cuộc diễu binh năm nay có nhiều điểm tương đương với lễ kỷ niệm được cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tổ chức vào ngày 1/10/1984 đúng trong dịp kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ông Đặng Tiểu Bình đã thi hành chính sách "cải cách và mở cửa" vào năm 1978, sau đó lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Cuộc diễu binh năm 1984 là dịp để ông Đặng thể hiện khả năng kiểm soát quân đội.

Cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tướng Quách Bá Hùng (người đi đầu) đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Tướng Quách Bá Hùng (người đi đầu) đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc diễu binh quân sự năm 1984 được tổ chức sau 6 năm ông Đặng lên nắm vị trí tối cao tại Trung Quốc.

Ông Tập trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 và trở thành chủ tịch Trung Quốc vào mùa xuân năm 2013. Theo đó, chỉ sau 2 năm lên làm lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập đã cho tổ chức một buổi diễu binh quy mô lớn.

Việc nắm quyền kiểm soát quân đội không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Do đó, ngay sau khi trở thành người đứng đầu đất nước, ông Tập đã cho triển khai chiến dịch chống tham nhũng nhằm triệt tận gốc các đối thủ chính trị.

Hồi mùa hè năm ngoái, thông tin chính quyền Trung Quốc bắt đầu điều tra tướng Từ Tài Hậu, cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc vì tội tham nhũng, cũng đã được thông báo trên các phương tiện truyền thông.

Nhưng tới tháng Ba năm nay, ông Từ đã qua đời vì bị ung thư.

Tướng Quách và Tướng Từ từng là hai đồng nghiệp của ông Tập, người nắm chức Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc vào năm 2010 và hiện đang nắm chức Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc.

Ngoài ra, cả 3 người này đều là những quan chức quân sự chủ chốt trong hàng ngũ lãnh đạo dưới thời cựu chủ tịch Giang Trạch Dân.

Tuy nhiên, khi lên nắm chức chủ tịch Trung Quốc, ông Tập đã loại bỏ 2 tướng quân đội quan trọng và cáo buộc họ là "những trùm tội phạm làm reo rắc nạn tham nhũng trong quân đội".

Hôm 31/7, chỉ sau một ngày thông tin Tướng Quách bị khai trừ khỏi đảng được thông báo, ông Tập đã chủ trì một buổi lễ và phong hàm Tướng cho 10 sĩ quan quân đội.

Đây là động thái bất ngờ của ông Tập bởi nó cho phép nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn về lòng trung thành của các vị trí quân sự chủ chốt mà còn gây áp lực và hạ thấp tầm ảnh hưởng tàn dư của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân.

"Con hổ" và "Con cáo"

Cũng trong ngày 31/7, giới chức Trung Quốc còn cho công bố thông tin ông Dương Vệ Trạch (52 tuổi), cựu Bí thư thành ủy Nam Kinh tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã bị khai trừ khỏi đảng.

Ông Dương là thân tín của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Hồi tháng Sáu, ông Chu đã bị tuyên án chung thân vì phạm tội tham nhũng và nhiều tội danh khác.

Tướng Từ Tài Hậu, cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc đã qua đời khi đang bị điều tra tội tham nhũng.

Tướng Từ Tài Hậu, cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc đã qua đời khi đang bị điều tra tội tham nhũng.

Tỉnh Giang Tô, quê hương của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, lâu nay được xem là căn cứ hoạt động của bè phái chính trị ủng hộ ông Giang.

Hồi đầu tháng này, Ủy ban giám sát kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay 5.607 người liên quan tới 7.725 vụ án tại tỉnh Giang Tô, đã bị đưa ra xét xử trong nửa đầu năm 2015.

Việc cùng một lúc trừ khử nhiều người tại tỉnh Giang Tô chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy nỗ lực siết chặt của ông Tập đối với hoạt động bè phái của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân.

Tướng Từ Tài Hậu sinh thành tại tỉnh đông bắc Liêu Ninh, được mệnh danh là "Con hổ vùng đông bắc".

Trong khi đó, ông Quách Bá Hùng sinh trưởng tại tỉnh tây bắc Thiểm Tây, nổi tiếng với biệt danh "Con sói vùng tây bắc".

Ông Quách đã dành nhiều năm làm việc tại Quân khu Lan Châu và có dày dặn kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu thực tế.

Bộ trưởng Quốc phòng trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng xuất thân từ Quân khu Lan Châu và từng làm việc dưới sự chỉ đạo của Tướng Quách.

Có thể nói rằng, việc lật đổ ông Quách là một "chiến công hiển hách" hơn cả việc vạch trần Tướng Từ.

Tuy nhiên gần đây, website quân sự do Quân ủy trung ương kiểm soát, đã cho đăng một đoạn bình luận gây tò mò.

Theo đó, nhiều người lo ngại rằng quyết định điều tra Tướng Quách dường như chưa được thực hiện bởi việc làm này có thể ảnh hưởng xấu tới tinh thần binh sĩ và hình ảnh quân đội trước dư luận.

Song, ông Tập Cận Bình đã cương quyết và yêu cầu toàn quân đội không được xem nhẹ vụ việc này.

Trợ thủ đắc lực

Con trai của cựu chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Tướng Lưu Nguyên là trợ thủ đắc lực giúp nhà lãnh đạo Tập Cận Bình thắt chặt khả năng kiểm soát hoạt động của quân đội.

Tướng Lưu Nguyên hiện đang giữ chức Chính ủy Tổng cục Hậu cần.

Sau khi tốt nghiệp đại học vào thập niên 70, ông Tập và ông Lưu bắt đầu làm việc trong các tổ chức nhà nước tại Bắc Kinh.

"Trong số những người tình nguyện về làm việc tại khu vực nông thông chỉ có tôi và Lưu Nguyên là sẵn sàng nhận nhiệm vụ", ông Tập phát biểu trên một tạp chí cách đây 15 năm.

Lời bình luận của ông Tập đã thể hiện rõ mối quan hệ gắn bó với ông Lưu trong suốt một thời gian dài.

Tướng Lưu Nguyên là trợ thủ đắc lực giúp nhà lãnh đạo Tập Cận Bình kiểm soát quân đội.

Tướng Lưu Nguyên là trợ thủ đắc lực giúp nhà lãnh đạo Tập Cận Bình kiểm soát quân đội.

Khi ông Hồ Cẩm Đào vẫn còn giữ chức, Tướng Lưu Nguyên đã thẳng thắn lên tiếng chỉ trích nạn mua quan bán chức trong quân đội Trung Quốc.

"Dưới thời Tướng Từ và Tướng Quách, những người muốn được đề bạt lên chức Tướng, phải trả một số tiền rất lớn thông qua Tổng cục chính trị", ông Lưu nói.

Theo đó, chức danh Thiếu tướng được giao bán với giá từ 5 – 10 triệu nhân dân tệ, còn Trung tướng được bán với giá từ 10 - 30 triệu nhân dân tệ.

Những tiết lộ của Tướng Lưu đã dẫn tới cuộc điều tra Trung tướng Gu Junshan, Phó Giám đốc Cục Hậu cần và Tướng Từ Tài Hậu sau khi ông Tập lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Cuộc họp kín trong mùa hè của Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho đang diễn ra tại quận Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc.

Đây là nơi các cựu lãnh đạo và quan chức đương nhiệm Trung Quốc bàn thảo vệ những vấn đề mang tính thời sự.

Chủ đề của cuộc họp năm nay xoay quanh kế hoạch phát triển quốc gia giai đoạn 5 năm lần thứ 13 bắt đầu vào năm 2016 và phiên họp toàn thể lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 tới.

Quan trọng hơn, cuộc họp còn thảo luận về việc thay đổi các vị trí lãnh đạo hàng đầu trong đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017.

Điểm tương đồng là vụ việc điều tra Tướng Quách được công bố ngay trước thềm cuộc họp tại quận Bắc Đới Hà năm nay được khai mạc.

Trước đó, vào ngày 29/7/2014, thông tin ông Chu Vĩnh Khang bị điều tra cũng được thông báo trước cuộc họp thường niên ở Bắc Đới Hà.

Theo tờ Nikkei, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đang khiến cơn tức giận của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và các cựu quan chức Trung Quốc ngày càng leo thang.

Họ đã lên tiếng kêu gọi ông Tập duy trì bộ máy lãnh đạo đảng cũng như đặt sự ổn định xã hội và chính trị lên ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, mọi quyết định có tầm ảnh hưởng tới nền chính trị tương lai của Trung Quốc sẽ được đưa ra sau cuộc họp tại quận Bắc Đới Hà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại