Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tạo dấu ấn trong chuyến thăm Mỹ vừa qua bằng bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng LHQ hôm 28/9.
Mặc dù bài phát biểu của ông Tập vẫn mang nặng ngôn ngữ vô vị, nhàm chán về sự hợp tác đôi bên cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau nhưng cũng có một điểm sáng duy nhất trong đó, chính là việc ông tuyên bố các cam kết viện trợ cho LHQ và các quốc gia đang phát triển.
Bài phát biểu của ông Tập chứa đựng ba ý chính: quyên góp 1 tỷ USD trong 100 năm tiếp theo để tạo ra một quỹ phát triển và hòa bình cùng LHQ; thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình mới gồm 8.000 quân; và cam kết hỗ trợ quân sự trị giá 100 triệu USD cho châu Phi để thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong 5 năm tới.
Những hứa hẹn này được đưa ra sau khi ông Tập đã cam kết hỗ trợ 2 tỷ USD cho quỹ đầu tư giúp các nước kém phát triển nhất đạt được mục tiêu phát triển của LHQ, thậm chí còn bày tỏ một tham vọng lớn hơn nữa, đó là đầu tư 12 tỷ USD cho các quốc gia nghèo nhất thế giới đến năm 2030.
Lời cam kết này được đưa ra trong Hội nghị phát triển bền vững của LHQ hôm 26/9 vừa qua.
Chủ tịch Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh sẽ xóa nợ cho những quốc gia kém phát triển nhất thế giới, các nước đang phát triển không có đường biển và cả các quốc đảo nhỏ, tuy nhiên ông không đề cập cụ thể tên của đất nước nào cũng như số nợ sẽ được xóa.
Những cam kết góp vốn cho các loại quỹ mới của LHQ cũng như chi viện cho lực lượng gìn giữ hòa bình rõ ràng là một lời biện hộ nhằm bác bỏ những chỉ trích từ phía phương Tây đối với Bắc Kinh.
Đầu tiên, có chỉ trích cho rằng Trung Quốc không phải là một người chơi có trách nhiệm trên sân chơi quốc tế. Lời phàn nàn này được đưa ra trong cuộc họp báo chung giữa ông Tập và ông Obama hôm 26/9.
Tổng thống Obama đã phát biểu rằng: “Chúng tôi không thể đối xử với Trung Quốc như thể nước này còn rất nghèo hay đang phát triển giống như 50 năm trước.
Giờ đây, Trung Quốc đã là một cường quốc. Và điều đó có nghĩa là Bắc Kinh cần phải có trách nhiệm và kỳ vọng sẽ giúp đỡ các nước khác theo quy định quốc tế”.
Hơn 3 tỷ USD cùng 8.000 binh lính cho lực lượng gìn giữ hòa bình là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng trở thành một người chơi có trách nhiệm hơn, fair play hơn trên sân đấu quốc tế.
Thứ hai, lời hứa của ông Tập là nhằm đáp trả những lập luận cho rằng Trung Quốc đang cố gắng làm đảo lộn trật tự thế giới hiện nay.
Cụ thể, trong biên giới nước Mỹ, có một sự nghi ngờ “không hề nhẹ” rằng Bắc Kinh đang cố đảo ngược trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu bằng cách tạo ra các thể chế thay thế của chính mình (ví dụ như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á đã tạo ra “sự khiếp đảm” ở Washington).
Các quan chức Trung Quốc luôn chống chế rằng nước này ủng hộ và hưởng lợi từ trật tự thế giới mặc dù vẫn thừa nhận rằng Bắc Kinh muốn nhìn thấy một số thay đổi.
Như ông Tập đã đề cập trong bài phát biểu tại Seattle hôm 23/9 vừa qua: “Cho đến khi hệ thống quốc tế hiện hành vẫn có liên quan, Trung Quốc là một thành viên, một người xây dựng và đóng góp cho hệ thống đó.
Rất nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển, muốn nhìn thấy một hệ thống quốc tế công bằng hơn.
Nhưng điều đó không có nghĩa là họ muốn loại bỏ toàn bộ hệ thống hay bắt đầu lại tất cả. Thay vào đó, điều họ muốn là cải cách và cải thiện hệ thống này cho phù hợp với thời đại”.
Tuyên bố của ông Tập không chỉ cho thấy Trung Quốc muốn trở thành người chơi có trách nhiệm hơn mà còn thể hiện tham vọng đầu tư cho trật tự thế giới hiện tại.
Bằng cách làm việc trong khuôn khổ quy định của LHQ, Bắc Kinh có thể tránh được những nghi ngờ có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương (bao gồm cả những cáo buộc nước này đang theo đuổi chủ nghĩa thực dân).
Tuy nhiên, ông Tập cũng nói rõ trong bài phát biểu của mình rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò khác trong LHQ, không giống như Mỹ và các nước phát triển khác.
Ông Tập khẳng định, Bắc kinh sẽ là người lãnh đạo, là nhà vô địch của thế giới đang phát triển, hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ luôn luôn đặt lá phiếu tại LHQ của mình về phía các nước đang phát triển.
Ông Tập kêu gọi một LHQ dựa trên tiêu chí các quốc gia đều bình đẳng và các nước mạnh không nên “bắt nạt” những nước yếu, mà ông gọi là “cách thức mới của các mối quan hệ quốc tế” trong bài diễn văn trước Đại hội đồng LHQ.
Cái không may mắn của Tập Cận Bình chính là phát biểu cùng ngày với Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga.
Những tuyên bố của hai nguyên thủ quốc gia này, đặc biệt là về cuộc nội chiến tại Syria, đã chiếm hầu hết sự chú ý của báo giới phương Tây, tuy nhiên các cam kết của Trung Quốc cũng không nên bị bỏ qua.
Ông Tập đang cố gửi đi một thông điệp và có vẻ như các quốc gia đang phát triển sẽ nghe thấy, ngay cả khi cả phương Tây lờ đi.