Tận dụng mâu thuẫn, Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông

Thùy Trang |

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đứng ra làm trung gian hòa giải mâu thuẫn ở Trung Đông có lẽ đang đẩy nước này xa hơn khỏi mục tiêu, các chuyên gia nhận định trên The NY Times.

Sự kiện Saudi hành quyết giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr và 46 người khác vì cáo buộc liên quan đến khủng bố và vụ biểu tình ở Đại sứ quán Saudi tại Tehran ngay sau đó đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran, gây căng thẳng trong khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ, một đất nước mà tín đồ dòng Sunni chiếm phần lớn, nhiều năm nay đã nung nấu tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông và vươn lên đứng đầu cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni.

Để đạt được mục tiêu đó, Thổ Nhĩ Kỳ cần đứng trung lập trong mâu thuẫn giữa Saudi và Iran, các chuyên gia nhận định trên tờ The New York Times.

Trong khi một số nước trong khu vực, gồm Bahrain, Kuwait và các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất về phe Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ lại chọn xoa dịu căng thẳng bằng cách ủng hộ đàm phán và tình nguyện đứng ra hòa giải mâu thuẫn giữa hai nước.


Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran là một thách thức đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP

Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran là một thách thức đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP

Vào thời điểm người Iran cả nước đổ ra đường phản đối vụ hành quyết giáo sĩ, đòi xử tử gia đình hoàng gia Saudi, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là Ahmet Davutoglu đã đứng ra cảnh báo rằng hành động trên chỉ càng khiến tình hình khu vực càng thêm căng thẳng mà thôi.

Phát ngôn viên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là Numan Kurtulmus thì đề cập đến việc khác với Saudi,Thổ Nhĩ Kỳ không hề có hình phạt xử tử - hành động được các chuyên gia đánh giá là ngầm chỉ trích Saudi Arabia.

Nỗ lực trong chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ

Hiện nay, Ankara đang cố gắng xây dựng lại mối quan hệ với Saudi Arabia sau những bất hòa do việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ hoạt động của tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập bất chấp phản đối của Saudi trong cuộc nổi dậy của nhân dân nước này.

Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ấp ủ mong muốn nối lại quan hệ ngoại giao với Iran, dù hai nước ủng hộ hai phe đối lập trong cuộc nội chiến Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, cũng giống như Saudi Arabia, đứng về phía phe phản đối thuộc dòng Sunni, đòi lật đổ Tổng thống Syria là Bashar al-Assad, trong khi Iran lại luôn là người ủng hộ trung thành của vị Tổng thống này.

Thổ Nhĩ Kỳ luôn cố gắng phân tách rạch ròi mối quan hệ với Iran, đặt quan điểm đối lập về Syria ở một bên, quan hệ kinh tế chiến lược ở bên còn lại, tránh liên quan tới nhau.

Nguyên nhân là do đất nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu khí gas từ Iran, đặc biệt là trong thời điểm quan hệ với Nga rạn nứt như hiện nay.

Ngoài việc theo đuổi tham vọng điều phối bất hòa giữa Saudi và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành một cuộc chuyển giao khác lớn hơn về chính sách ngoại giao: nối lại quan hệ với phương Tây.

Khủng hoảng nhập cư gần đây đã đem đất nước này gần hơn với liên minh EU, còn mâu thuẫn về vụ máy bay Nga lại khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng dựa dẫm vào liên minh NATO.

Ngoài ra, Ankara cũng đang tiến hành đàm phán nối lại quan hệ ngoại giao với Israel.


Cuộc khủng hoảng nhập cư gần đây đã kéo Thổ Nhĩ Kỳ lại gần hơn với EU. Ảnh: AP

Cuộc khủng hoảng nhập cư gần đây đã kéo Thổ Nhĩ Kỳ lại gần hơn với EU. Ảnh: AP

Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có giữ được quan điểm trung lập?

Trong khi Thủ tướng Davutoglu và phó Thủ tướng Kurtulmus cẩn trọng trong phát ngôn về rạn nứt ngoại giao giữa Saudi và Iran, Tổng thống Erdogan có vẻ như nghiêng hẳn về phía Saudi khi đề cập đến vấn đề trên, nhà báo Tim Arango của The NY Times viết.

Vị Tổng thống này gọi Iran là kẻ hai mặt: phản đối xử tử một giáo sĩ nhưng lại ủng hộ Tổng thống Assad, người đứng sau những chiến dịch quân sự gây ra cái chết của hàng nghìn người dân Syria.

Những người im lặng trước các vụ giết người hàng loạt giờ lại khiến cả thế giới hỗn loạn chỉ vì cái chết của một người” – Tổng thống Erdogan phát biểu.

“Các người chứng minh được rằng mọi viện trợ đã được gửi đi. Nhưng tới ai mới được chứ? Tới kẻ giết người, Assad. Các người sẽ không bao giờ rửa sạch được tội lỗi.”

Tổng thống Erdogan cũng từ chối chỉ trích vụ hành quyết của Saudi Arabia, gọi đó là “vấn đề pháp luật nội bộ.”

Dù lời bình luận của Tổng thống Erdogan có vẻ như cô lập Iran, một số nhà phân tích vẫn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng nắm giữ vai trò hòa giải mâu thuẫn trên.

“Ràng buộc với cả hai nước biến Ankara trở thành một trung gian hòa giải hoàn hảo”, chuyên gia về vấn đề Iran là Erdem Aydin nhận xét.

Nếu Saudi Arabia cần thiết trong chính sách với Syria, thì Iran lại cần thiết cho kinh tế nước này, đặc biệt là sau căng thẳng với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò một đất nước Hồi giáo có quan hệ lâu đời và chiến lược với cả hai bên có thể đứng ra xoa dịu bất hòa này.”

Nhiều nhà phân tích khác lại cho rằng Tehran sẽ không bao giờ xem Thổ Nhĩ Kỳ như một trung gian đáng tin cậy, đặc biệt là sau những động thái ủng hộ Saudi Arabia.

Điển hình nhất là hành động công khai ủng hộ các cuộc không kích do Saudi dẫn đầu ở Yemen chống lại những phần tử chống đối được Iran chống lưng, thậm chí gần đây Thổ Nhĩ Kỳ còn chấp nhận tham gia liên minh quân sự với Saudi Arabia.

Những động thái trên khiến “Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể giữ vai trò quyết định trong việc xoa dịu mâu thuẫn phe phái khu vực.” - Gonul Tol, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông ở Washington nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gần gũi với Saudi, mới đây hai nước còn cùng nhau thể hiện mối lo ngại với những hành động gây mất ổn định khu vực của Iran như ủng hộ Tổng thống Assad hay viện trợ tài chính cho các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.

Thắt chặt quan hệ với Saudi phần nào nằm trong nỗ lực của Ankara nhằm cân bằng lại tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Iran trong khu vực, đặc biệt là tại Syria và Iraq.” – Ông Tol nhận xét.

“Nhưng chiến lược đó không hẳn là thông minh nếu Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng vai trò trung gian giải quyết căng thẳng và mâu thuẫn phe phái trong khu vực.”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại