Tấn công khủng bố Brussels, IS tự đào mồ chôn mình?

Thùy Trang |

Nhiều bằng chứng cho thấy rằng đẩy mạnh tấn công sang phương Tây chẳng những không đem lại lợi ích, mà còn có thể gây tổn thất trong dài hạn đối với các nhóm khủng bố.

Vụ đánh bom đẫm máu tại Brussels có vẻ là một thắng lợi nữa đối với IS, nhóm khủng bố vốn đã giành nhiều ưu thế.

Lãnh đạo của tổ chức này nay đang hả hê sau thành công trước các kẻ thù phương Tây, tuyên bố rằng lực lượng này nhằm vào Bỉ bởi nước này đã tham gia liên minh quân sự chống IS.

Tuy nhiên, các nhóm khủng bố khác, như nhóm người Palestine năm 1970 hay Algeria năm 1990 đều là minh chứng rõ ràng rằng: mở rộng các cuộc tấn công ra toàn cầu có thể dẫn đến những tổn thất lớn trong dài hạn.

Và, theo giám đốc Trung tâm chính sách Trung Đông của Viện Brookings, Daniel Byman, IS có thể sẽ phải trả cái giá tương tự.

Những lợi thế trước mắt

Bề ngoài, lợi ích các cuộc tấn công ở nước ngoài như Brussels đem tới cho có vẻ lớn hơn nhiều các mối đe dọa.

Đối với một nhóm sùng đạo như IS, lượng người Bỉ tử vong đã giáng một đòn rất mạnh vào phương Tây, thực hiện thành công mục tiêu thánh chiến của nhóm là chiến đấu với những kẻ chống lại đạo Hồi.

Bên cạnh đó, những thất bại về mặt quân sự cũng giúp cho đối thủ của IS là al-Qaida có vẻ thắng thế hơn. Khi lãnh thổ ngày càng thu hẹp thay vì mở rộng, nhóm khủng bố này nhận thấy rằng đã đến lúc cần phải cho các tín đồ biết rằng IS vẫn đang tiếp tục chiến đấu.

Ngoài ra, những cuộc tấn công quy mô lớn và đẫm máu như Brussels cũng hỗ trợ quá trình tuyển quân của IS ở cả châu Âu và Arab.


Bề ngoài, những vụ tấn công đẫm máu như ở Paris hay Brussels có vẻ đem lại nhiều lợi thế cho IS. Ảnh: Twitter

Bề ngoài, những vụ tấn công đẫm máu như ở Paris hay Brussels có vẻ đem lại nhiều lợi thế cho IS. Ảnh: Twitter

Một bộ phận các tín đồ Hồi giáo ở châu Âu đang cảm thấy bị cô lập cũng như ghét bỏ quê hương mình, và chính những hành động mang tính cáo buộc, bên cạnh hàng rào an ninh thắt chặt sau các cuộc tấn công sẽ khiến vấn đề thêm phần trầm trọng.

Bằng cách tấn công Brussels, Paris và các thành phố châu Âu khác, IS đã tiếp cận được với phần dân số trước đây chưa từng bị lung lay, thu hút sự ủng hộ cũng như chiêu mộ thêm được các binh lính nước ngoài.

Tương lai không mấy sáng sủa...

Tuy nhiên, mở rộng các cuộc tấn công ra toàn cầu lại không mấy khi đem lại kết quả tốt đẹp cho các nhóm khủng bố, ông Byman viết trên trang Slate.

Nhóm khủng bố Algeria những năm 1990 đã bị "gậy ông đập lưng ông". Phương Tây, từng hoài nghi về chính phủ Algeria, sau vụ khủng bố ở Pháp đã quay sang giúp đỡ chính chế độ mà nhóm này đang chống lại.

Các nhóm thánh chiến không liên quan tới al-Qaeda cũng đứng ra chỉ trích Osama Bin Laden rất nhiều sau thảm họa 11/9, bởi vụ việc này đã dẫn tới sự can thiệp của Mỹ vào một vấn đề từng chỉ thuộc nội bộ trong nước, kéo theo hàng loạt viện trợ cho chính phủ Trung Đông.

Chiến lược gia thánh chiến Abu Musab al-Suri từng oán thán: "Vụ tấn công 11/9 đã đấy các phong trào thánh chiến vào lò lửa... Một ngọn lửa địa ngục tàn ác thiêu rụi hầu hết các nhà lãnh đạo, chiến binh và căn cứ địa."

IS có thể cũng vấp phải vấn đề tương tự. Chính phủ Obama trước nay vẫn cẩn trọng trong từng bước đi ở Iraq và Syria, tuy nhiên, khi các vụ khủng bố ở phương Tây ngày một leo thang, áp lực đặt lên các lãnh đạo Mỹ cũng tăng lên.

Ngoài ra, điều này còn khiến phương Tây tập trung mục tiêu tấn công vào các làng thuộc lãnh thổ của IS tại Libya và Sinai, cả khi nhóm này không hề nghĩ tới việc nhắm vào phương Tây hay châu Âu, với tư tưởng "thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót".


Nhìn vào các nhóm khủng bố trước đây, tấn công phương Tây có thể dẫn tới cảnh gậy ông đập lưng ông. Ảnh: Reuters

Nhìn vào các nhóm khủng bố trước đây, tấn công phương Tây có thể dẫn tới cảnh "gậy ông đập lưng ông". Ảnh: Reuters

Trước đây, châu Âu phản đối can thiệp vào Trung Đông, một phần vì tiềm lực quân sự chưa đủ mạnh, một phần vì hoàn toàn có thể nương nhờ Mỹ.

Nhưng sau vụ tấn công Paris, chính phủ Pháp đã thề sẽ không khoan nhượng với hành động của IS. Từ đó, Pháp luôn chứng tỏ mình là một đồng minh đắc lực trong công cuộc chống IS tại Trung Đông.

Tiềm lực quân sự của Bỉ chỉ bằng một phần Pháp. Dù vậy, những vụ đánh bom gần đây cũng khiến nhiều quốc gia châu Âu đẩy mạnh hỗ trợ phong trào chống khủng bố tại châu Âu, bởi nỗi lo đất nước mình sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo.

Các cuộc tấn công còn dẫn tới hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với mạng lưới các phần tử thánh chiến ở châu Âu, gây ảnh hưởng nặng nề tới khả năng thực hiện các cuộc tấn công trong tương lai của IS.

Nhóm khủng bố này vốn phụ thuộc rất nhiều vào các binh lính nước ngoài trong các hoạt động quân sự, và việc thắt chặt trừng phạt đối với mạng lưới châu Âu đã lấy đi nguồn cung cấp chính những kẻ đánh bom tự sát cũng như gián điệp tại đây.

Bởi những phản ứng trên của phương Tây, có thể kết luận rằng các cuộc tấn công toàn cầu của IS dường như đang hi sinh những mục tiêu chiến lược để đổi lấy các lợi thế ngắn hạn.

Cụ thể, tấn công phương Tây sẽ buộc IS phải tạm hoãn lại công cuộc mở rộng lãnh thổ.

Đánh bom khủng bố phương Tây chắc hẳn đã gây tổn thất cho kẻ thù cũng như khuấy động tinh thần những tín đồ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng này, nhưng, theo ông Byman, khả năng cao sẽ không đem lại chiến thắng vinh quang cuối cùng mà IS hướng tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại