Tại sao Al-Shabab dễ dàng tắm máu thường dân Kenya?

Nguyệt Phương |

Tổ chức khủng bố Al-Shabab đang bị đánh tơi tả ở Somalia, nhưng vẫn dễ dàng thực hiện các cuộc thảm sát đẫm máu ở Kenya. Đây là vấn đề khiến các chuyên gia an ninh đau đầu.

Al-Shabab không sở hữu vô số xe bọc thép như Boko Haram, không có các cánh đồng trồng thuốc phiện như Taliban và cũng chẳng kiểm soát các mỏ dầu như Nhà nước Hồi giáo (IS). Chúng đang bị dồn ép dữ dội ở Somalia.

Nhưng trong hai năm qua, Al-Shabab liên tục tổ chức các cuộc tấn công đẫm máu tại nước láng giềng Kenya, giết chết hàng trăm người, khiến cả đất nước Kenya chấn động.

Mới đây nhất là vụ bốn tay súng với vũ khí hạng nhẹ đã mở cuộc thảm sát tại Trường ĐH Garissa khiến 412 sinh viên thiệt mạng.

“Đây là chủ nghĩa khủng bố đơn giản hóa. Al-Shabab đơn giản hóa hoạt động.

Các tay súng của nhóm này chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ nhưng có tính kỷ luật cao và được đào tạo chiến đấu kỹ càng” - báo New York Times dẫn lời chuyên gia an ninh Matt Brydden ở Nairobi nhận định.

Thất thế ở Somalia

Trên thực tế, Al-Shabab đang bị đánh bại ở Somalia. Trong thời gian qua, Al-Shabab bị lực lượng Liên hiệp châu Phi (AU) đẩy ra khỏi nhiều khu vực ở Somalia.

Chúng đánh mất nguồn thu từ khai thác than và nhập khẩu xe hơi. Thủ lĩnh tối cao của Al-Shabab là Ahmed Abdi Godane thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ hồi năm ngoái.

Số lượng tay súng Al-Shabab đã giảm sút từ 7.000 xuống chỉ còn 3.000. Trên thực tế, Al-Shabab từng đủ sức thống trị cả Somalia.

Giáo sư Stig Jarle Hansen, người từng viết sách về Al-Shabab, cho biết giai đoạn 2007-2010 là “thời kỳ vàng son” của Al-Shabab. Khi đó chúng kiểm soát một diện tích rộng bằng Đan Mạch ở Somalia.

Khi đó Al-Shabab cũng bắt tay xây dựng nhà nước, cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân. Tuy nhiên các thủ lĩnh Al-Shabab đã mắc sai lầm khi trực tiếp đối đầu với lực lượng AU có sức mạnh quân sự vượt trội.

Trong cuộc chiến ở Mogadishu năm 2010, Al-Shabab thiệt hại hàng trăm tay súng. Hàng trăm kẻ khác đào ngũ.

Sau đó Al-Shabab đánh mất hải cảng quan trọng Kismayo và các hải cảng nhỏ hơn. Các thủ lĩnh của Al-Shabab hiện đang trú ẩn ở đảo Jilib gần bờ biển phía nam Somalia.

Al-Shabab từng liên tục đánh bom ở Mogadishu và giết chết hàng trăm người. Nhưng bom là công cụ đắt tiền và Al-Shabab đang cạn tiền.

Giới tình báo cho biết hiện các nhóm tay súng Al-Shabab thường xuyên di chuyển từ làng này qua làng khác, chấp nhận sự tồn tại đầy khó khăn. Nhưng khả năng giết người của Al-Shabab thì vẫn nguyên vẹn bất chấp những khó khăn tài chính.

Thay đổi chiến thuật

Giáo sư Hansen khẳng định Al-Shabab vẫn đủ sức tồn tại bất chấp sức ép dữ dội từ phía lực lượng AU. Do lãnh thổ bị thu hẹp, Al-Shabab đang thay đổi chiến thuật.

Không cần đến bom, các tay súng nhóm này chỉ dùng súng để tấn công các mục tiêu đông thường dân tại Kenya.

Một lý do nữa là phần lớn người dân Somalia bị Al-Shabab giết hại là người Hồi giáo. Tổ chức Al-Qaeda từng lên tiếng chỉ trích Al-Shabab vì giết quá nhiều người Hồi giáo.

Do đó Al-Shabab chuyển hướng sang tấn công khủng bố tại Kenya, chủ yếu nhắm vào người Thiên Chúa giáo.

Tại cuộc tấn công siêu thị Westgate ở Nairobi, các tay súng Al-Shabab đã tha cho người Hồi giáo và thảm sát người không theo đạo Hồi.

Chiến thuật tương tự cũng được áp dụng trong vụ tấn công Trường ĐH Garissa.

Chuyên gia Bronwyn Bruton thuộc Trung tâm châu Phi của Hội đồng Thái Bình Dương cũng đánh giá Al-Shabab tìm cách lợi dụng sự chia rẽ trong xã hội Kenya, nơi nhiều thanh niên Hồi giáo đang sống bất đắc chí vì thiếu cơ hội vươn lên.

Al-Shabab lựa chọn rất kỹ các mục tiêu tấn công. Trung tâm mua sắm Westgate là biểu tượng của sự giàu sang tại Nairobi. Trường ĐH Garissa là nơi tập trung rất nhiều sinh viên không theo đạo Hồi, con nhà khá giả.

Chuyên gia Bruton nhận định Al-Shabab cũng tập trung tàn sát thường dân một cách tàn bạo để tăng uy tín nhằm thu hút các thanh niên cực đoan, tương tự như chiến thuật của IS.

Các nhà quan sát cho biết với chiến lược này, Al-Shabab đang thu hút được nhiều phần tử cực đoan ở Kenya, Tanzania, Uganda và Djibouti.

Nhiều kẻ gia nhập Al-Shabab không phải chỉ là thanh niên Hồi giáo nghèo, mà là con nhà ăn học đàng hoàng. Ví dụ điển hình nhất là một trong bốn tay súng tấn công ĐH Garissa. Đó là một sinh viên luật, con một quan chức địa phương ở Kenya.

Các nhà quan sát cho rằng chỉ dùng sức mạnh quân sự sẽ không thể tiêu diệt hoàn toàn được Al-Shabab.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại