Lời hứa mà Thủ tướng David Cameron đưa ra 3 năm về trước để đối phó với sự trỗi dậy của đảng Độc lập Anh (UKIP) mang tư tưởng bài nhập cư vào châu Âu cùng một bộ phận nghị sỹ Bảo thủ, rốt cuộc đã đến lúc phải thực hiện.
Sau các cuộc thương lượng marathon với 27 nước thành viên khác tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ) để giành được "quy chế đặc biệt" cho Anh, giờ đây, ông Cameron đang đứng trước một thách thức khác lớn hơn rất nhiều là làm sao thuyết phục được cử tri Xứ sở Sương mù ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tới.
Phát biểu tại Brussels sau khi đạt được gói cải cách về quy chế của Anh trong EU, Thủ tướng Cameron tuyên bố giờ là lúc ông sẽ dành "cả trái tim và tinh thần" để vận động cử tri Anh ở lại liên minh này với niềm tin rằng nước Anh sẽ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn trong một EU cải cách.
Thế nhưng, không phải tất cả nội các của ông đều đồng lòng như vậy. Ngay sau cuộc họp nội các khẩn cấp sáng 20/2, sáu trong số 29 bộ trưởng nội các đã công bố ý định nói "không" với quyết định ở lại EU để giành lại quyền tự chủ của mình, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove vốn được xem là đồng minh rất thân cận của Thủ tướng Cameron.
Mới đây nhất, Thị trưởng London Boris Johnson cũng quyết định ủng hộ nhóm vận động rời khỏi EU bất chấp sự can ngăn "đừng lùi vào bóng tối" của ông Cameron.
Rõ ràng, sự tham gia của một loạt nhân vật cao cấp trong nội các, kéo theo sự ủng hộ của khoảng 100 nghị sỹ vào chiến dịch "Bỏ phiếu rời khỏi EU" có thể lôi kéo được một lượng đáng kể những cử tri đã chán ngán "ngôi nhà chung châu Âu."
Tuy vậy, xét tương quan lực lượng, phe ủng hộ ở lại EU đang mạnh hơn.
Người đứng đầu các "bộ sức mạnh" như Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ, Tài chính đều khẳng định đứng về phía Thủ tướng Cameron. Và cùng với họ là hầu hết nghị sỹ Công đảng, đảng Dân chủ Tự do (LibDem) và đảng Xanh.
Ông Cameron cũng có được sự hậu thuẫn chắc chắn của giới doanh nghiệp khi một nửa trong số 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London, trong đó có cả những tập đoàn đa quốc gia như BT, Shell và Vodafone, lên tiếng mạnh mẽ rằng việc làm và đầu tư của Anh phụ thuộc vào tư cách thành viên EU.
Trong sứ mệnh giữ nước Anh ở lại EU, ông Cameron đang khai thác triệt để vấn đề an ninh quốc gia như một lý do chính đáng để thuyết phục cử tri Anh không chọn rời bỏ "ngôi nhà chung châu Âu" vào lúc này.
Bởi trên thực tế, để ứng phó với những mối đe dọa và rủi ro mà nước Anh đang phải đối mặt cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ mà chỉ tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thôi thì chưa đủ.
Bên cạnh đó, Anh đang kiểm soát biên giới tại Calais với sự giúp đỡ của Pháp và cuộc chiến chống khủng bố phụ thuộc vào Trát bắt giữ châu Âu (EAW)... Chẳng phải ngẫu nhiên mà các đồng minh thân hữu nhất của Anh, đi đầu là Mỹ, đã lên tiếng kêu gọi nước Anh ở lại EU.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nhập cư mà châu Âu đang trầy trật tìm hướng giải quyết là một bất lợi cho nỗ lực của ông Cameron bởi phe vận động rời khỏi EU sẽ dựa vào lý do không thể kiểm soát lượng người nhập cư như một cái cớ để chia tay liên minh này.
Kết quả cuộc thăm dò mới nhất sau khi Thủ tướng Cameron công bố thời điểm trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU cho thấy tỷ lệ ủng hộ ở lại liên minh này cao hơn tỉ lệ muốn rời đi 15%.
Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ khá cao chưa quyết định và đây chính là nhóm có thể làm thay đổi kết quả cuộc trưng cầu ý dân.
Rõ ràng, Thủ tướng Cameron không còn cách nào khác là phải tận dụng từng giây từng phút để lôi kéo nhóm "chưa quyết định" này về phía mình nếu như không muốn gây ra một cơn địa chấn "Brexit" - một viễn cảnh không chỉ khiến nước Anh rời khỏi EU mà còn có thể "tan đàn xẻ nghé" sau đó bởi xứ Scotland - vì lý do ủng hộ EU- sẽ đòi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý nữa để tách khỏi Vương quốc Anh./.