Sau thảm họa: Nhật 2 ngày dọn xong, Philippines 10 ngày vẫn đói

My Lan |

(Soha.vn) - Có mặt tại Philippines những ngày này, phóng viên CNN đã nhận thấy rõ nét sự khác biệt giữa chiến dịch cứu trợ ở đây và Nhật Bản sau thảm họa kép năm 2011.

Philippines: Có nơi 10 ngày mới được cứu trợ

Tận mắt chứng kiến cuộc sống vạ vật, thiếu thốn đủ đường của người dân Tacloban những ngày sau khi thành phố này bị siêu bão Haiyan tàn phá, phóng viên Anderson Cooper của hãng CNN khẳng định rằng “không có bằng chứng nào chứng tỏ sự tồn tại của một chiến dịch cứu trợ có tổ chức”.

Ông Cooper nói rằng đã 5 ngày trôi qua, song ông vẫn không biết ai là người phụ trách chiến dịch cứu trợ của thành phố này, không có trung tâm cứu trợ nào được lập nên để cung cấp thực phẩm cho những người sống sót. Và trong khi thi thể những người thiệt mạng vẫn đang nằm la liệt trên đường và bắt đầu phân hủy thì một kế hoạch chi tiết tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân vẫn chưa được công bố.

Theo số liệu thống kê chính thức mà Reuters có được, trong 6 ngày đầu tiên, mới chỉ có 50.000 túi thức ăn mỗi ngày, mỗi túi chứa 6 kg và thức ăn đóng hộp, được phân phát cho chỉ 3% trên tổng số 1,73 triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng, mặc dù vào thời điểm đó, các tổ chức nhân đạo, tổ chức phi chính phủ thế giới đã cử nhân viên cứu hộ tới Philippines và hàng cứu trợ cũng chất đầy kho hàng.


	Người dân Tacloban kéo tới sân bay, tuyệt vọng chờ đợi sự giúp đỡ của chính phủ.

Người dân Tacloban kéo tới sân bay, tuyệt vọng chờ đợi sự giúp đỡ của chính phủ.

Nguyên nhân chủ yếu khiến cho hàng cứu trợ nhân đạo từ nước ngoài chậm tới với người dân là bởi chính phủ đã chậm chạp trong việc giải phóng giao thông, mở đường cho hàng cứu trợ.

Đội tình nguyện viên cùng hàng cứu trợ của tổ chức Bác sĩ Không biên giới đã có mặt tại Cebu từ ngày 12/11, song 4 ngày sau đó, họ vẫn không thể tìm được cách bay tới Tacloban, bởi sân bay tại đó vẫn chỉ dành riêng cho quân đội Philippines sử dụng.

Tại cảng của thị trấn Matnog, tỉnh Sorsogon, con đường duy nhất dẫn vào Visagas, các đoàn xe cứu trợ đã bị tắc nghẽn, có lúc kéo dài tới 6 km chỉ bởi vì không có đủ tàu chở hàng tới các vùng bị tàn phá. Bộ giao thông và Cơ quan quản lý hàng hải nước này đã hứa sẽ bố trí thêm 2 tàu tới đây, nhưng phải tới ngày 18/11, chúng mới có mặt.

Tờ Dailymail dẫn lời một nhân viên cứu trợ cho biết, những người dân Tacloban nói rằng, hàng cứu trợ được phân phát không đồng đều giữa những người dân. Theo họ, những gia đình nào được các nhà chức trách địa phương quý mến và nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu cho họ trong các cuộc bầu cử ở địa phương mới là đối tượng được ưu tiên nhận trước và nhận nhiều thực phẩm hơn.

Không thể kiểm chứng được những lời đồn trong dân này có đúng hay không, song nó phần nào đã khắc họa được sự chậm trễ của chính phủ trong việc cứu trợ kịp thời và đầy đủ cho người dân ngay cả ở thành phố được coi là tâm điểm cứu trợ của chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế.

Trong khi đó, tại khu vực xa xôi hẻo lánh, không có bất cứ hoạt động cứu trợ nào diễn ra, thậm chí không có nhân viên chính phủ nào tới đó. Đến ngày 17/11, tức là 10 ngày sau khi cơn bão đổ bộ vào Philippines, hàng cứu trợ mới lần đầu tiên được đưa tới ngôi làng hẻo lánh Cabungaan (Leyte).

Nhật Bản: 2 ngày đã dọn xong hiện trường

Cũng theo phóng viên Cooper, sự chậm chạp này của chính phủ Philippines hoàn toàn khác với thái độ tập trung, khẩn trương của chính phủ Nhật Bản trong thảm họa kép động đất, sóng thần tại nước này hồi tháng 3/2011, khi mà một kế hoạch chi tiết nhằm cứu trợ và đề phòng những vấn đề phát sinh.

Ngay trong chiều ngày 11/3, khi sóng thần ập tới nước này, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Naoto Kan đã triệu tập họp khẩn, chỉ đạo các bộ trưởng tìm cách đảm bảo an toàn, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu như điện, nước cho người dân, đồng thời thông tin tới họ mọi tin tức chính xác nhất.

Có tổng cộng 120.000 người thuộc các lực lượng phòng vệ, cảnh sát và cứu hỏa đã được huy động làm công tác cứu hộ, chỉ sau 2 ngày, các thi thể trên đường phố đã được dọn sạch, hàng cứu trợ lần lượt được đưa tới những khu vực bị ảnh hưởng một cách trật tự và quy củ. 


	Người dân Fukushima được kiểm tra mức phóng xạ trước khi được đưa tới trung tâm cách ly

Người dân Fukushima được kiểm tra mức phóng xạ để quyết định xem liệu họ có bị cách ly hay không

Một ngày sau khi sóng thần xảy ra, khi nhận thấy hiện tượng rò rỉ tại các lò phản ứng hạt nhân ở những nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima, chính phủ đã ban lệnh sơ tán người dân trong phạm vi bán kính 20km.

Kết quả là, sau vụ nổ lò phản ứng tại hạt nhân tại nhà máy Fukushima ngày 12/3, chính phủ Nhật Bản sơ tán thành công hơn 500.000 thường dân và triển khai 100.000 binh sĩ, 190 máy bay, 45 tàu chỉ trong vòng 2 ngày. Hơn 1.000 người bị nghi nhiễm xạ đã được kiểm tra và cách ly.

Khoảng 2 tuần sau đó, nghị viện châu Âu đã từng gửi thông điệp bày tỏ “ngưỡng mộ trước lòng dũng cảm và quyết tâm của nhân dân và chính quyền Nhật Bản trong xử lý tình hình".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại