"Chiến thuật" đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ của Bắc Kinh
Chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong ngày 16 và 17/5 là lần thứ 6 ông Kerry thăm Trung Quốc trong thời gian giữ chức.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Đại biểu Quốc hội Trung Quốc Dương Khiết Trì, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần lượt hội kiến ông Kerry.
Việc Ngoại trưởng Kerry được tiếp kiến bởi lãnh đạo Trung Quốc về cơ bản là giống với các lần công du trước của ông tới quốc gia này.
Tuy nhiên, so với việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew - đặc sứ của Tổng thống Mỹ Barack Obama - thăm Trung Quốc hồi tháng 3 và không được gặp ông Tập, thì ông Kerry có thể coi là được Bắc Kinh khá "trọng vọng".
Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long (phải) hội kiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 16/5.
Trang Đa Chiều (Duowei News) nhắc lại, ngay trước chuyến thăm này của ông John Kerry, Mỹ đã có sự thay đổi thái độ rõ rệt đối với vấn đề Biển Đông.
Nhiều tờ báo lớn ở Mỹ đã đưa tin, nước này sẽ điều máy bay và tàu chiến vào tuần tra tại các khu vực 12 hải lý của các đảo đá trên Biển Đông và tuyên bố Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc là để "làm căng" với Trung Quốc về vấn đề này.
Theo Duowei, việc các lãnh đạo Trung Quốc phá vỡ thái độ lạnh nhạt từng có hồi tháng 3 với ông Lew do vấn đề Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á (AIIB), mà "liên tục hội kiến" ông Kerry chính là để "hạ nhiệt tình trạng căng thẳng ở Biển Đông".
Từ việc ông Vương Nghị "phủ đầu" rằng, "ông Kerry không đến Trung Quốc để cãi nhau", hay ông Lý Khắc Cường ca ngợi đóng góp của ông Kerry đối với quan hệ Trung-Mỹ và gọi ông là "bạn tốt", có thể thấy Bắc Kinh đang cố gắng tạo ra cảm giác "Trung-Mỹ đang bàn chuyện hợp tác".
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất trong chuyến công du này của John Kerry chính là việc ông "bất ngờ" được hội kiến với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long - "quyền lực số 2" của quân đội Trung Quốc.
Duowei nhận định, việc ông Phạm hội kiến ông Kerry trước khi "đến lượt" ông Tập Cận Bình, thực tế chính là nhằm "giáng" trước một đòn vào Ngoại trưởng Mỹ.
Trong cuộc hội kiến, Phạm Trường Long không ngần ngại trắng trợn tuyên bố:
Vì sao John Kerry "được" gặp "quyền lực số 2" quân đội Trung Quốc?
Một mặt, Phạm Trường Long ngang nhiên đem quy định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) về giới hạn "12 hải lý" để đe dọa "nếu tàu chiến, máy bay Mỹ xâm nhập nghĩa là 'thách thức nghiêm trọng' chủ quyền của Trung Quốc".
Qua đó, ông này tuyên bố "sẽ bảo vệ chủ quyền", đồng nghĩa với khả năng xung đột quân sự Trung-Mỹ. Tất nhiên, phát ngôn nực cười của Phạm Trường Long chỉ đúng khi Trung Quốc bảo vệ chủ quyền của họ, chứ không phải các đảo đá mà Bắc Kinh xâm phạm trái phép trên Biển Đông.
Trước đó, hôm 07/5, Chuẩn đô đốc Philippines Alexander Lopez "tố" 7 máy bay tuần tra Philippines đã nhận được cảnh cáo của Trung Quốc trong khi thực hiện các chuyến bay từ đảo Thị Tứ và đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép).
Bộ ngoại giao Trung Quốc đã không thèm phủ nhận điều này. Đến 11/5, tàu tác chiến ven biển USS Fort Worth của Hải quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra gần quần đảo Trường Sa đã bị tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc đeo bám.
Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng không chối thông tin này và còn tuyên bố ngang ngược rằng, "Trung Quốc có quyền giám sát tình trạng vùng trời và vùng biển của mình để ngăn ngừa xảy ra các sự kiện gây nguy hại đến an ninh quốc gia."
Duowei cho hay, trước đây Mỹ cũng từng chứng kiến sự kiểm soát cao độ của Trung Quốc đối với các đảo đá mà nước này chiếm đoạt phi pháp trên Biển Đông, và tàu chiến của Mỹ cũng bị tàu Trung Quốc "bám đuôi" để ngăn chặn tiến vào khu vực "12 hải lý".
Mặt khác, trước chuyến công du của John Kerry, Mỹ đã tuyên bố ông này sẽ trực tiếp bàn về vấn đề Biển Đông với Tập Cận Bình.
Nhưng trong vai trò là lãnh đạo một quốc gia, ông Tập sẽ không nhắc đến một vấn đề cụ thể nào đó với quan chức không đồng cấp như ông Kerry. Theo Duowei, những thông tin rầm rộ từ truyền thông Mỹ chủ yếu chỉ nhằm gây sức ép lên Bắc Kinh.
Biết được điều này, Trung Quốc đã sắp xếp để ông Kerry gặp ông Tập cuối cùng, sau khi đã qua hết các "ải". Trong khi đó, hồi tháng 4/2013 và tháng 02/2014, khi đến Trung Quốc John Kerry đều được hội kiến ông Tập trước, rồi mới tới Vương Nghị, Dương Khiết Trì...
Trở lại việc John Kerry "được" tiếp kiến bởi Phạm Trường Long, Duowei bình luận, một lãnh đạo quân đội như ông Phạm là người thích hợp nhất để "trao đổi thẳng thừng" với Mỹ. Điều này sẽ không làm mất "hòa khí" của cuộc gặp Kerry-Tập Cận Bình sau đó.
Qua các cuộc hội đàm của các ông Vương Nghị, Phạm Trường Long với John Kerry đều liên quan tới vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã nắm rõ thái độ thực sự của Ngoại trưởng Mỹ đối với vấn đề này, tạo đà để ông Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ.
Và trong cuộc gặp ngày 17/5 với ông Kerry, Chủ tịch Trung Quốc chủ yếu nhấn mạnh "quan hệ song phương vẫn ổn định" và "hy vọng song phương giao lưu, trao đổi nhiều hơn".
>> "Hành động của Trung Quốc làm hỏng... Phong Thủy ở Biển Đông"
>> "Với Nga, Mỹ-NATO hãy quên đi chuyện ăn không, cướp không"