Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, sau Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 (ASEAN 27), lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp toàn thể ASEAN 27.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và ba Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột với chủ đề “ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”, định hướng, tạo cơ sở và khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong 10 năm tới.
Các lãnh đạo ASEAN nhất trí cần tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Tổng thể về Kết nối và Sáng kiến Liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển để hỗ trợ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Các lãnh đạo cũng nhất trí cần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong lúc đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, nâng cao hiệu quả của các tiến trình hiện có, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các đối tác cũng như trong việc định hình cấu trúc khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu, thời gian tới, ASEAN cần phát huy xung lực mới cũng như các giá trị và phương cách ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ASEAN.
Xây đảo nhân tạo gây xói mòn lòng tin
Các vấn đề biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp ở biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Các nhà lãnh đạo kêu gọi các bên tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, nhất trí cần phát huy vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề này.
Ngay sau phiên họp toàn thể ASEAN 27 diễn ra Lễ ký kết Công ước ASEAN về chống buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Chiều qua, các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN+3 và ASEAN-Mỹ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu, việc bồi đắp, tôn tạo, xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa, xung đột trên biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.
Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN cũng như các nước trong và ngoài khu vực; thể hiện uy tín, vai trò trung tâm của ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực tế đòi hỏi ASEAN tiếp tục đoàn kết, thống nhất và thực hiện một số công việc.
Đó là kịp thời lên tiếng bày tỏ quan ngại chung về những diễn biến phức tạp, hành động đơn phương ở biển Đông.
Đồng thời thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột thông qua các cơ chế của ASEAN.
“Theo hướng đó, Việt Nam chúng tôi đề nghị ASEAN chúng ta cùng với Trung Quốc cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở biển Đông”, Thủ tướng phát biểu.
Ngoài ra, tăng cường trao đổi và thúc đẩy Trung Quốc thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, trước mắt tập trung cụ thể hóa Điều 5; trao đổi thực chất, sớm thông qua COC.
Tổng thống Mỹ kêu gọi không quân sự hóa
Ngày 21/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi không quân sự hóa ở biển Đông và ngừng mọi hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại các khu vực tranh chấp, Reuters đưa tin.
Bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế, Trung Quốc đang biến nhiều bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm cả sân bay trên đó.