Mạng tin tình báo “Stratfor” (Mỹ) ngày 14/10 có bài phân tích về triển vọng quan hệ Nga- Ukraine "tan băng". Dưới đây là chi tiết bài viết:
Quan hệ giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine đã leo thang căng thẳng trong 8 tháng đầu năm nay. Cả binh sĩ chính phủ lẫn quân ly khai đều thường xuyên vi phạm lệnh ngừng bắn được ký kết trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk đạt được hồi tháng 2.
Số binh sĩ thương vong liên tục tăng, lên tới gần 8.000 người kể từ khi bắt đầu giao tranh vào tháng 4/2014. Trong khi đó, Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tăng cường đảm bảo an ninh và tăng tốc độ tập trận quân sự dọc biên giới Nga- Ukraine.
Tuy nhiên, từ tháng 9 vừa qua, tình hình bắt đầu có sự thay đổi. Mở đầu là lệnh ngừng bắn 1 tuần trùng với thời điểm bắt đầu năm học mới. Thay vì 1 tuần như dự kiến, lệnh ngừng bắn này được duy trì trong 5 tuần, với việc hầu như không có vụ vi phạm hay vụ thương vong nào.
Sự yên ắng trên chiến trường đã tạo đà cho những nỗ lực thực thi thỏa thuận Minsk ở cấp độ chiến thuật, với hành động cụ thể là từ ngày 4/10 các lực lượng Ukraine rút vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến.
Đổi lại, lực lượng ly khai cũng bắt đầu rút vũ khí hạng nặng, và ngày 6/10 các đại diện của Donetsk và Luhansk tuyên bố sẽ lùi cuộc bầu cử địa phương tới năm 2016.
Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine cũng đạt tiến triển trong một số vấn đề. Ngày 26/9, hai nước đạt được thỏa thuận về việc Moskva nối lại nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine (bị cắt đứt kể từ tháng 6) từ ngày 12/10 cho tới hết mùa Đông.
Thỏa thuận này mang tính tạm thời, tương tự như thỏa thuận hồi năm ngoái, song là kết quả của sự thỏa hiệp của cả hai bên về vấn đề giá cả. Hai bên cũng đang tìm cách hóa giải một vấn đề gây tranh cãi khác: Khoản tiền 3 tỷ USD trong hợp đồng mà tháng 12 tới Ukraine sẽ phải thanh toán cho Nga.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 5/10 tuyên bố ông dự định gặp người đồng cấp Ukraine trong tuần này để bàn về phương thức thanh toán hợp đồng nêu trên. Đây sẽ là lần đầu tiên hai bên tiến hành một cuộc đàm phán chính thức như vậy.
Cho tới nay, phía Kiev vẫn khăng khăng rằng họ sẽ thanh toán khoản nợ này nếu nó không được cơ cấu lại tương tự như thỏa thuận giãn nợ hồi tháng 8 giữa Nga và những nước phương Tây nhập khẩu dầu qua hợp đồng này.
Tuy Nga vẫn từ chối yêu cầu trên, song các cuộc đàm phán trực tiếp về vấn đề này có thể mở đường cho một sự thỏa hiệp nào đó giữa Kiev và Moskva.
Những sự thỏa hiệp, những nỗ lực can dự kể trên đã làm rộ lên suy luận rằng đang diễn ra một cuộc mặc cả lớn giữa Nga, Ukraine và phương Tây. Sở dĩ Moskva chuyển sang thái độ hợp tác là do nền kinh tế Nga đang suy giảm nghiêm trọng.
Một số quốc gia châu Âu cũng muốn tháo ngòi nổ cho cuộc xung đột, nhất là những nền kinh tế đang bị ảnh hưởng xấu bởi các đòn trừng phạt “ăn miếng trả miếng” nhau giữa châu Âu và Nga.
Tuy nhiên, các bên khó có thể đạt được một thỏa thuận rộng rãi hơn trước khi kết thúc năm nay do một vài lý do sau:
Thứ nhất và cũng quan trọng nhất là con đường được vạch ra trong thỏa thuận Minsk có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.
Không có định nghĩa rõ ràng về cái gọi là “quy chế đặc biệt” dành cho quân ly khai. Phía quân ly khai nói rằng theo quy chế này, họ có quyền tự quyết lâu dài đối với những vấn đề như quốc phòng và đối ngoại trong khi phía Kiev khẳng định quy chế này chỉ có tính tạm thời và chỉ áp dụng đối với những lĩnh vực như chính sách ngân sách và các vấn đề văn hóa.
Thứ hai là vấn đề ân xá cho các tay súng ly khai. Phía dân quân đòi phải có một lệnh ân xá cho tất cả mọi người trong khi Chính phủ Ukraine khẳng định lệnh ân xá chỉ được xem xét dựa trên từng trường hợp.
Thứ ba là ngay cả khi Chính phủ Ukraine và lực lượng đòi ly khai có thể nhất trí được một lộ trình cho tương lai, thì tình hình nội bộ của Kiev cũng sẽ gây rắc rối.
Những tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đặc biệt là đảng Cánh hữu Ukraine và đảng Tự do (Svodoba), đang phản đối mọi sự thỏa hiệp với lực lượng đòi ly khai.
Cuộc mít tinh bạo lực nhằm phản đối việc sửa đổi hiến pháp diễn ra ở Kiev hồi tháng 9 vừa qua cho thấy những đảng cực hữu này có thể gây bất ổn chế độ chính trị. Điều này đẩy Kiev vào một tình thế khó khăn: ngả về phía nào cũng đều có thể dẫn đến phản ứng cực đoan từ phía còn lại.
Cuối cùng, Mỹ có thể cản trở việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng cho vấn đề Ukraine. Một số nước châu Âu, trong đó có Pháp và Đức, muốn tháo ngòi nổ cho cuộc xung đột, song Mỹ vẫn giữ quan điểm cứng rắn đối với Nga.
Washington đã tăng cường viện trợ tài chính, thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự và cân nhắc tăng cung cấp vũ khí phòng chủ cho Ukraine. Khác với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ gần như chẳng thiệt hại gì khi duy trì các lệnh trừng phạt chống Nga.
Những chướng ngại vật kể trên không thể cản trở những tiến triển trong đàm phán giữa Nga, Ukraine và phương Tây, và tất cả ắt sẽ phải thay đổi.
Song các cuộc đàm phán, để tạo điều kiện nhiều hơn cho sự thỏa hiệp trên một số vấn đề quân sự, chính trị và kinh tế nhất định và cuối cùng là một thỏa thuận toàn diện, sẽ vẫn khó có thể diễn ra trong tương lai gần.