Quan hệ Nga – Trung "chưa đủ sức" đối chọi phương Tây

MINH THU |

Bất đồng trong các khoản đầu tư chung vào những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm khiến mối quan hệ Nga - Trung lộ nhiều điểm hạn chế và chưa đủ sức đối chọi với phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện chuyến thăm tới Trung Quốc để ký kết hàng loạt thỏa thuận mới hôm 3/9, nhưng hai nước lại không thể thống nhất khoản đầu tư tài chính cho một số dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Theo tờ The Moscow Times, điều này cho thấy mối quan hệ Nga – Trung vẫn còn khá nhiều điểm hạn chế và chưa đủ sức đối chọi với phương Tây.

Bị phương Tây cô lập sau cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, điện Kremlin đã từng bước quay sang thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc nhằm tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ Bắc Kinh trong bối cảnh cả nền kinh tế và đồng rúp bị ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng giá dầu giảm.

Ngoài chương trình tới dự lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng thống Putin đã nhóm hợp với cả Thủ tướng và Chủ tịch Trung Quốc.

Điển hình, trong ngày 3/9, các nhà lãnh đạo Nga – Trung đã ký kết hàng loạt thỏa thuận mới liên quan tới lĩnh vực ngân hàng và truyền thông.

Theo ông Igor Sechin, một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, các thỏa thuận trên có tổng số vốn đầu tư chung khoảng 30 tỷ USD.

Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh đã không thể thống nhất khoản đầu tư cho các dự án trị giá khoảng 113 tỷ USD.

Theo Novatek, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hoạt động độc lập lớn nhất tại Nga do tỷ phú Gennady Timchenko điều hành, Bắc Kinh chưa chắc đầu tư 27 tỷ USD cho dự án Yamal LNG.

Tập đoàn Novatek đã không thể tiếp cận nguồn đầu tư tài chính từ phương Tây sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với ông Timchenko, một trong những đồng minh thân thiết của Tổng thống Putin.

Trước đó, ông Timchenko cho biết Trung Quốc sẽ cho dự án Yamal LNG vay 20 tỷ USD.

Ngay cả kế hoạch lôi kéo Bắc Kinh đầu tư vốn vào đường ống khí đốt kéo từ vùng Altai của Nga tới Trung Quốc cũng chỉ dậm chân tại chỗ.

Theo Giám đốc điều hành Gazprom, ông Alexei Miller, nhiều khả năng Nga – Trung sẽ tiến tới ký kết thỏa thuận liên quan tới dự án trên vào mùa xuân năm 2016.

Trong khi đó, giới phân tích nhận định tình trạng giá dầu giảm, đồng rúp rớt giá, nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn cùng chương trình chống tham nhũng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, sẽ khiến nhiều dự án hợp tác giữa Moscow – Bắc Kinh buộc phải hủy bỏ.

Hồi tháng Tám, Giám đốc quản lý mảng Đông Âu và Trung Á thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Ling Ji từng tuyên bố chính giá dầu giảm đã cản trở quá trình đàm phán dự án đường ống khí đốt Altai và việc đồng rúp rớt giá cũng đẩy quan hệ hợp tác Nga – Trung vào vòng nguy hiểm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại