Quân đội Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài ra sao?

Chiêu Văn |

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định những thay đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản là cần thiết để đối phó với các thách thức quân sự mới như sự nổi lên của Trung Quốc.

Quốc hội Nhật Bản ngày 18-9 đã bỏ phiếu chấp thuận một dự luật mở đường cho quân đội nước này chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai 70 năm trước. Dự luật đã được thông qua với tỉ lệ 148-90.

Quyền phòng thủ tập thể là gì?

Hiến pháp hậu Thế chiến thứ hai của Nhật Bản cấm nước này sử dụng quân đội để giải quyết các xung đột quốc tế, trừ khi là để tự vệ.

Chính phủ của ông Abe đã thúc đẩy dự luật an ninh mới cho phép Nhật Bản điều quân ra nước ngoài với các điều kiện:

-  Khi Nhật Bản bị tấn công, hay khi một đồng minh thân cận bị tấn công và điều đó đe dọa tới sự sinh tồn của Nhật Bản và người dân Nhật Bản.

-  Khi không có phương tiện thích hợp nào khác để đáp trả các cuộc tấn công và bảo vệ cho người dân Nhật Bản.

-  Việc sử dụng vũ lực hạn chế ở một mức tối thiểu cần thiết.

Dù vậy, các quy định quản lý hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) vẫn sẽ hết sức chặt chẽ. Mọi chiến dịch ra quân sẽ đều cần sự phê chuẩn của quốc hội.

Chính phủ Nhật sẽ phải trình các bằng chứng và lập luận để chứng minh rằng việc triển khai lực lượng là cần thiết.

Những thay đổi lớn

Đạo luật mới đã gây ra những phản ứng dữ dội trong dư luận vài tháng qua.

Những thay đổi sẽ giải thích lại, chứ không thay đổi hoàn toàn hiến pháp. Nhưng những người chỉ trích nói điều này sẽ vi phạm hiến pháp hòa bình và có thể khiến Nhật Bản bị lôi kéo vào những cuộc chiến không cần thiết do Mỹ dẫn dắt ở nước ngoài.

Những người ủng hộ dự luật khẳng định dự luật này là rất quan trọng để bảo vệ Nhật Bản và các đồng minh trong khu vực, khi cho phép Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới.

Nhật Bản sẽ có thể cung cấp hậu cần cho Hàn Quốc nếu nổ ra một cuộc chiến tranh ở Triều Tiên, dù ông Abe đã nói đưa quân đội Nhật Bản sang chiến đấu ở Triều Tiên vẫn là vi hiến. 

Tuy nhiên sẽ là hợp pháp nếu Nhật Bản bắn hạ một tên lửa của Triều Tiên nhắm sang Mỹ.

Các hành động bảo vệ những tuyến hàng hải như dò mìn, thậm chí là trong một vùng đang xảy ra xung đột, có thể được phép chiến đấu nếu nó đe dọa sự sinh tồn của Nhật Bản. Nhưng những người phản đối đang đòi hỏi giải thích điều này một cách cụ thể hơn.

Luật cũng sẽ cho phép các nhiệm vụ giải cứu con tin có vũ trang ở nước ngoài. Hồi tháng 1-2013, 10 con tin người Nhật đã bị sát hại trong một vụ tấn công nhà máy khí đốt ở Algeria.

Các hạn chế với Nhật Bản trong việc hỗ trợ quân sự cho Mỹ và các lực lượng vũ trang nước ngoài cũng sẽ được loại bỏ.

Ví dụ, Nhật có thể đánh chặn tên lửa bay qua lãnh thổ nước này đến Mỹ. Trước đây Nhật chỉ được phép đánh chặn tên lửa nếu nó nhắm vào nước này.

Hoặc khi tàu chiến Mỹ bị tấn công trên Thái Bình Dương hoặc một khu vực nào khác, lực lượng Nhật được phép triển khai sức mạnh để bảo vệ đồng minh thân cận này.

Luật mới cũng tạo điều kiện cho Nhật tham gia tích cực hơn vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, bao gồm cung cấp hỗ trợ hậu cần cho quân đội các nước khác và triển khai lực lượng bảo vệ nhân viên dân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại