Việc quân đội Myanmar chống bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống, do đảng Liên đoàn tự do vì dân chủ (NLD) của bà gợi ý có một cách để bà trở thành lãnh đạo kế tiếp của Myanmar.
Hiện bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống, vì bà có hai con trai trưởng thành mang quốc tịch Anh, mà một điều khoản trong Hiến pháp Myanmar cấm không cho làm lãnh đạo Myanmar đối với bất kỳ ai có người trong gia đình là công dân nước ngoài.
Hiện điều khoản này là nội dung đàm phán chính, trong việc thành lập chính phủ, sau khi NLD giành 390/664 ghế trong kỳ bầu cử quốc hội Myanmar hồi tháng 11.2015.
Sự hiện diện của NLD tại quốc hội là bước kế tiếp để dần chuyển giao quyền lực, sau hơn 50 năm chế độ quân sự kiểm soát Myanmar. Quân đội cũng từng quản thúc tại gia bà Aung San Suu Kyi suốt 15 năm.
Các nhà đàm phán của NLD đã gợi ý có thể tạm vận dụng điều khoản nói trên, mở đường cho bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống, không cần phải chọn một người nhân danh bà lãnh đạo Myanmar.
Tuy nhiên, nhóm lãnh đạo quân sự bác bỏ đề xuất này, theo các nguồn tin thân cận với quân đội cho WSJ biết. Nguồn tin nói quân đội “đã nêu rất rõ” quan điểm của họ.
Câu hỏi ai làm tổng thống làm tăng sự lo ngại quanh cuộc chuyển giao quyền lực, sau cuộc bầu cử quốc hội đầy tính lịch sử.
Cần phải có một tổng thống mới trước ngày 31.3, khi nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm Thein Sein sẽ kết thúc.
Tuy nhiên, sự thay đổi hiến pháp - để cho phép bà Aung San Suu Kyi kế nhiệm ông Thein Sein - vẫn cần có sự đồng ý của quân đội.
Hiện ¼ số ghế quốc hội vẫn dành cho các sĩ quan quân đội, và cần phải có sự ủng hộ của hơn 75% nghị sĩ thì mới có thể thay đổi hiến pháp, nên quân đội rõ ràng có quyền phủ quyết.
Quân đội Myanmar còn nắm giữ các quyền chính trị khác, gồm khả năng chỉ định các bộ trưởng nội vụ, quốc phòng và biên giới, có nghĩa NLD dù thắng lớn ở kỳ bầu cử, vẫn phải chia sẻ quyền lực với quân đội.
Ông Ko Ni, cố vấn pháp lý của NLD nói có thể có một cách “lách” lệnh cấm bà Aung San Suu Kyi làm tổng thống, là tạm ngưng vận dụng điều khoản nói trên.
Ông nói việc này chỉ cần sự ủng hộ của đa số trong quốc hội, và NLD đang nắm gần 60% số ghế.
Koni nói: “Việc tạm ngưng vận dụng phù hợp với các quy định của hiến pháp, vì nó không trực tiếp sửa đổi hiến pháp, nhưng chỉ tạm ngưng vận dụng điều khoản này.
Phía đa số ở đất nước chúng tôi sẽ giúp bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống, và việc bà làm tổng thống là vì quyền lợi của đất nước”.
Ông nói NLD sẽ nêu giải pháp tạm ngưng vận dụng điều khoản 59f trong các cuộc họp với quân đội, và tại quốc hội.
Nhưng quân đội có quan điểm khác. Một nguồn tin thân cận lãnh đạo lực lượng có liên quan cuộc đàm phán với NLD, cho biết:
“Nếu ai đó đề nghị tạm ngưng vận dụng điều khoản 59f ở quốc hội, làm sao chặn các nghị sĩ của đảng khác đề nghị tạm ngưng một điều khoản khác mà họ muốn thay đổi?
Quân đội đã nói rất rõ quan điểm của họ, và quân đội sẽ không chấp nhận tạm ngưng vận dụng điều khoản 59f, vào lúc này”.
Báo Myawaddy, cơ quan ngôn luận của quân đội Myanmar, cũng có bài xã luận đăng trang nhất, nêu bà Aung San Suu Kyi sẽ không bao giờ được phép trở thành tổng thống.
Báo này nêu “vĩnh viễn không được thay đổi điều khoản 59f” vì “quyền lợi quốc gia”. Báo nêu sự ảnh hưởng của nước ngoài có thể can thiệp vào chính phủ, nếu lãnh đạo Myanmar có người thân là công dân nước ngoài.
Một quan chức cấp cao giấu tên của chính phủ sắp mãn nhiệm, nói việc ngưng vận dụng hiến pháp sẽ “rất nguy hiểm, rất xấu cho đất nước và quân đội không chấp nhận.
Các nhà phân tích nói việc quân đội phản đối bà Aung San Suu Kyi làm tổng thống, là vì họ sợ bà có quá nhiều quyền lực, kiểm soát cả chính phủ lẫn quốc hội. Một số nhà quan sát cũng lưu ý NLD có cấu trúc thứ bậc cứng ngắc.
Bà Aung San Suu Kyi chưa bao giờ công khai ý tưởng tạm ngưng vận dụng hiến pháp. Bà từng nói sẽ chỉ định một tổng thống phù hợp với đảng của bà, nhưng bà sẽ đứng ở hậu trường để điều khiển, ra những quyết định chủ đạo.