Điều đó đang khiến hầu hết thế giới đều không nhận ra những bước đi mới của Nga ở khu vực Đông Âu, mà cuộc cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế ở Ukraine chỉ là một phần trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng của điện Kremlin lên toàn bộ Đông Âu, theo một cách thức khác: quyền lực mềm.
Cuộc xung đột ở Ukraine trên thực tế là một tín hiệu cảnh báo đối với điện Kremlin và các nhà lãnh đạo của nước Nga.
Càng ngày, tầm ảnh hưởng của phương Tây - ở đây là EU – càng được đẩy dần về phía Đông, sau Ba Lan, giờ đây đến lượt Ukraine tìm cách gia nhập vào Liên minh châu Âu, dù Nga đã sáp nhập Crimea và vẫn còn các nhà nước ly khai ở miền Đông Ukraine làm lá chắn thì cũng không thể phủ nhận được việc ảnh hưởng của phương Tây ngày càng tiến dần đến cửa ngõ nước Nga.
Vì thế, chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine mới chỉ là bước đầu của một kế hoạch dài hơi cần thiết để tái lập ảnh hưởng của nước Nga lên phần còn lại của Đông Âu để đối đầu với tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng của EU.
Và quyền lực mềm đang là thứ được tổng thống Vladimir Putin và các cộng sự lựa chọn trong chiến lược tăng cường ảnh hưởng của Nga đối với các nước Đông Âu khác.
Một lợi thế lớn của ông Putin và các cộng sự trong trường hợp này là việc ở hầu khắp các nước Đông Âu khác luôn có một số lượng người gốc Nga tương đối lớn luôn giữ sự ủng hộ đối với Moscow.
Cuộc bầu cử mới kết thúc ở Estonia là một ví dụ, đất nước Baltic hiện có khoảng 1,24 triệu người gốc Nga chiếm khoảng hơn 1/4 dân số nước này, và đảng đại diện của cộng đồng người gốc Nga này – đảng Trung Tả - đã chiếm 24,8% số phiếu bầu, trong khi đảng giành chiến thắng là đảng Cải Cách chỉ giành được 27,7% số phiếu bầu.
Một cộng đồng chỉ chiếm hơn 1/4 dân số lại có thể về đích sát nút với số phiếu bầu chênh lệch không đáng kể đang cho thấy sự đoàn kết của người gốc Nga ở Estonia và tầm ảnh hưởng cùng sự chi phối của Moscow lên các nước vùng Baltic đang ngày càng tăng.
Sở dĩ các nhà chính trị người Estonia lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng của quyền lực mềm của Nga lên nước này, là ở sự chênh lệch số phiếu bầu giữa các đảng phái Estonia với đảng Trung Tả đại diện cho dân gốc Nga đang ngày càng giảm đi.
Nếu như cuộc bầu cử lần trước diễn ra cách đây 4 năm, đảng Trung Tả chỉ giành được 23,3% số phiếu bầu trong khi đảng Cải Cách giành được tới 28,6% thì khoảng cách này giờ đây đã được thu hẹp, số phiếu bầu cho đảng Trung Tả tăng lên còn đảng Cải Cách lại đang giảm đi.
Đây được xem là kết quả của việc tăng cường ảnh hưởng quyền lực mềm của Nga lên Estonia, chủ yếu là thông qua con đường văn hóa.
Theo đó, sự mở rộng ảnh hưởng văn hóa của Nga lên Estonia đang tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Các kênh truyền hình tiếng Nga xuất hiện nhiều hơn ở Estonia và các sản phẩm văn hóa Nga như các ngôi sao nhạc Pop đang ngày càng được ưa chuộng hơn ở đất nước Baltic nhỏ bé này, kể cả đối với những người dân Estonia không nói tiếng Nga – một điều tương tự như những gì Hàn Quốc đã truyền bá văn hóa của mình ở các nước Châu Á.
Mức sống khá cao ở Estonia, thu nhập bình quân đầu người ở đây khoảng 931 USD/tháng và gấp đôi so với ở Nga, đang thu hút một lượng người nhập cư từ Nga vào nước này và đang khiến cộng đồng nói tiếng Nga ở Estonia đang có xu hướng tăng lên khá nhanh.
Với việc đảng Trung Tả đại diện cho cộng đồng người Nga ở Estonia giành được số phiếu bầu cao đang cho phép đảng này có nhiều thành viên hơn trong quốc hội, những yêu cầu về việc bảo tồn tiếng Nga như một ngôn ngữ chính thức ở Estonia đang ngày càng gia tăng.
Và thực tế là chỉ có kẻ ngốc mới nghĩ rằng các đại biểu quốc hội Estonia gốc Nga sẽ không ủng hộ hoặc ít nhất là có sự đồng cảm và chia sẻ với các quan điểm của tổng thống Putin và các cộng sự ở điện Kremlin của ông.
Số lượng các quan chức của Estonia và EU là người gốc Nga và có thiện cảm với các chính sách của ông Putin đang ngày càng tăng lên.
Yana Toom, một trong những nhà lãnh đạo của đảng Trung Tả và là thành viên nghị viện Châu Âu là một trong những người lớn tiếng phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế mà EU áp đặt lên Nga.
Một người khác, Edgar Savisaar là người sáng lập đảng Trung Tả và đang là thị trưởng của thủ đô Estonia là Tallinn trong năm ngoái đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý, theo đó việc Nga sáp nhập Crimea là hoàn toàn chính đáng.
Việc ảnh hưởng của Nga ở Estonia tăng lên thông qua con đường tăng cường quyền lực mềm đang được xem là điển hình cho cách thức mà điện Kremlin đang xem xét để gia tăng ảnh hưởng của mình lên phần còn lại của Đông Âu.
Quan điểm của Moscow ở thời điểm hiện tại là không nhất thiết cần phải có một nhà lãnh đạo thân Nga ở vị trí nắm quyền như Yanukovych ở Ukraine trong quá khứ, mà quan trọng hơn cả là việc gia tăng ảnh hưởng theo bề rộng lên chính trường và các chính đảng, thông qua mở rộng ảnh hưởng từ văn hóa và kinh tế. Điều đó sẽ có một tác dụng bền vững và lâu dài hơn là chỉ đầu tư vào một nhà lãnh đạo thân Nga như trước.