Putin dọn sẵn đường trước khi đến, Obama chỉ còn 1 việc phải làm

My Lan |

Tổng thống Nga Putin đã chuẩn bị trong suốt nhiều tuần, về cả ngoại giao và quân sự - cho bài phát biểu tại LHQ cũng như cuộc hội đàm giữa ông với người đồng cấp Mỹ.

Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga, Mỹ được cho là sẽ chỉ diễn ra trong vòng 60 phút, sau khi ông Putin có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 28/9 tại New York, Mỹ.

Lần cuối cùng Putin và Obama chính thức ngồi xuống cùng nói chuyện là cách đây 2 năm, vào tháng 6/2013, tại hội nghị thượng đỉnh G8 ở Bắc Ireland. Khi đó, nội chiến ở Syria cũng là vấn đề khiến 2 nhà lãnh đạo tranh cãi.

Theo nhận định của tạp chí TIME (Mỹ), trong bài phát biểu lần đầu tiên tại Đại hội đồng LHQ sau đúng 10 năm hôm nay, ông Putin sẽ đề xuất giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria theo 2 hướng song song.

Thứ nhất, ông muốn LHQ ủng hộ kế hoạch tăng cường quân sự ở Syria. Hướng tiếp cận này cho phép Putin kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế chống IS, có thể bao gồm Nga, Mỹ, Iran....

Thứ hai, nhà lãnh đạo Nga muốn chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad cùng chung tay thực hiện nỗ lực này và sau đó tiếp tục duy trì ít nhất là cho tới khi Syria đủ ổn định cho sự thay đổi - tất nhiên là đã qua đàm phán - về cơ cấu lãnh đạo.

Tuy nhiên, điều này có thể gây ra những tranh cãi với Mỹ và các đồng minh của họ.


Tổng thống Putin được cho là sẽ tích cực thúc đẩy các nước phương tây ủng hộ giải pháp của mình ở Syria.

Tổng thống Putin được cho là sẽ tích cực thúc đẩy các nước phương tây ủng hộ giải pháp của mình ở Syria.

"Sự đã rồi"

Suốt vài tuần qua, ngay trước khi Putin ấn định ngày hội đàm với người đồng cấp Mỹ, ông Putin đã gấp rút đặt nền tảng đầu tiên, đưa kế hoạch của mình vào thực tế.

Quân đội Nga đã tăng cường triển khai vũ khí, máy bay chiến đấu và binh sĩ quanh tại Syria, bất chấp những quan ngại từ phương Tây.

Về động thái này Nga khẳng định đó là điều không mới, hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như thoả thuận giữa 2 nước, với mục đích là hỗ trợ lực lượng quân đội của ông Assad chống IS.

Như vậy, TIME nhận định, Putin có thể nêu lên đề xuất của mình về Syria trong thế “sự đã rồi”: Mỹ hay LHQ không ủng hộ, thì Nga cũng đã xây dựng lực lượng ở Syria để giải cứu cho Assad và giúp ông này chống lại phiến quân.

Việc còn lại sẽ nằm ở quyết định của Obama xem, liệu Washington có sẵn sàng hợp tác với Moscow hay không, và nếu có, thì điều kiện thế nào.

Tạp chí Mỹ
Time
Viễn cảnh khó khăn nhất với ông Obama có thể sẽ là hỗ trợ cho Assad. Thế nhưng, trong vào tuần trở lại đây, ngay cả những cựu trợ lý và các đồng minh thân cận nhất của ông Obama cũng đã bóng gió bày tỏ quan điểm rằng các lực lượng của ông Assad sẽ là không thể thiếu được cho bất cứ nghị quyết nào về cuộc xung đột ở Syria.

"Chinh phục" đối thủ

Về mặt ngoại giao, Putin cũng đã vô cùng tích cực thuyết phục các đối thủ phản đối ông Assad mạnh mẽ nhất trong khu vực tin vào quan điểm của mình.

Kết quả là, ngày 24/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lần đầu tiên công nhận ông Asad có thể đóng một vai trò nhất định trong "quá trình quá độ" ở Syria.

Sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có chuyến thăm Nga 3 ngày, quân đội nước này cũng tuyên bố có thể phối hợp với các lực lượng của Nga hoạt động tại Syria.

Trong khi đó, đối mặt với làn sóng người tị nạn từ Syria, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã tha thiết mong mỏi một kế hoạch khả thi để chấm dứt cuộc xung đột và dường như đã chấp nhận vai trò của ông Assad.

Giờ đây, nếu ông Putin có thể thuyết phục người đồng cấp Mỹ cùng thực hiện đề xuất của mình, thì đó sẽ là một trong những chiến thắng lớn nhất về ngoại giao của ông chủ Điện Kremlin.

Khi đó, vai trò người quyết định của Nga trong các vấn đề ở Trung Đông sẽ trở nên rõ rệt nhất kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Tạp chí Mỹ
TIME
Nếu quân đội Nga, Mỹ cùng tham gia liên minh ở Syria, thì nó sẽ trở thành một đòn bẩy lớn hơn để phương Tây dỡ bỏ trừng phạt với Nga sau các sự kiện ở Ukraine.

Hôm thứ Sáu, các quan chức Nga, Ukraine và EU đã đạt được thoả thuận đảm bảo nguồn cung khí tự nhiên mùa đông này, giải quyết xong một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong mối quan hệ đa phương.

Nga cũng thả tự do cho sĩ quan an ninh người Estonia Eston Kohver - người bị bắt và bị xét xử hồi năm ngoái tại Moscow vì cáo buộc gián điệp, kết thúc một vấn đề từng gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với phương Tây.

Thêm vào đó, nhà lãnh đạo Nga đã bất ngờ gọi điện thoại cho Elton John, chủ động đề nghị thảo luận về vấn đề nhạy cảm trong chính sách của Moscow, từng chịu nhiều chỉ trích từ nhiều quốc gia trên thế giới và cộng đồng LGBT.

“Với những lợi ích đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Putin có những động thái hoà giải với phương Tây nhằm tạo ra một môi trường thân thiện cho nhưng cuộc trò chuyện ở New York”.

Theo TIME, “dù điều đó không đủ để Putin có thể đảo ngược lại sự đối kháng giữa Nga - Mỹ trong 2 năm qua, nhưng sẽ khiến ông Obama khó có thể bác bỏ hoàn toàn đề nghị của Putin về Syria".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại