Cũng theo ông Michael, chính sách về Ukraine của ông Obama đang trở nên mù mịt khi phải đối mặt với quá nhiều khó khăn lớn.
Tính đến thời điểm hiện tại, ông Obama dường như chưa có được tiến bộ đáng kể nào trong việc đưa Ukraine thoát khỏi ảnh hưởng của Nga, một mục tiêu được xem là cốt lõi khi Mỹ và phương Tây hậu thuẫn các cuộc biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych năm 2014.
Hai năm sau các cuộc biểu tình ủng hộ phương Tây lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, chính sách của ông Obama tại đây gần như đang “chết mòn” bởi đấu đá trong nội bộ Kiev, những quyết tâm sắt đá của ông Putin, những phiền nhiễu từ Syria và IS, cũng như sự ủng hộ không đủ nhiệt tình từ các đồng minh phương tây.
Trang Politico dẫn lời Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker: "Tình hình Syria đã khiến phương tây sao nhãng Ukraine.
Tôi có cảm giác rằng châu Âu sẽ khó có thể tiếp tục đoàn kết và gây sức ép với Nga bằng các lệnh trừng phạt. Đang có một cuộc xung đột đóng băng mà lợi thế thuộc rất nhiều về Putin”.
Nhiều nhà phê bình như Corker nói rằng hành động của ông Obama đã không phục vụ cho việc giải quyết nỗi lo sợ của ông rằng sự hiện diện của Nga tại Ukraine là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu.
Thậm chí, ngay cả khi “bắt tay” với ông Putin về lệnh ngừng bắn ở Syria, ông Obama cũng không hề đả động gì đến tình hình ở miền Đông Ukraine.
Ông Corker nói: "Ông Putin không hề phải trả giá”.
Theo ông, những hành động của Mỹ như áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế hay tăng cường sự hiện diện quân sự ở sườn phía đông NATO không gây được áp lực đáng kể cho ông Putin.
Ông Ivo H. Daalder, cựu đại sứ của Mỹ tại NATO, hiện là Chủ tịch Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago cho rằng, không có dấu hiệu gì cho thấy rằng người Nga đang có ý định từ bỏ ảnh hưởng tại Ukraine.
Ông nói: “Syria đang trở thành một yếu tố gây xao nhãng bởi nó khiến chúng ta bắt tay với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng tại đó và bỏ qua những gì đang xảy ra ở Ukraine”.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng, mục tiêu cốt lõi trong chiến lược của họ ở Ukraine vẫn đang đi đúng hướng.
Đề cập đến thỏa thuận ngừng bắn Minsk được kí kết hồi tháng 2/2015 về Ukraine, một quan chức cấp cao của Mỹ nói: "Chúng tôi đang nỗ lực để Minsk được thực thi đầy đủ trước khi ngài tổng thống hết nhiệm kỳ”.
Thỏa thuận Minsk yêu cầu: Moscow phải rút quân khỏi miền đông Ukraine và ngừng hỗ trợ cho ly khai theo như cáo buộc của Mỹ và châu Âu; Kiev phải cho phép bầu cử và quyền tự chủ lớn hơn cho khu vực miền Đông thân Nga; Mỹ và châu Âu sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.
Tuy vậy, nội bộ Ukraine lại là vấn đề đáng lo nhất hiện nay. Các quan chức Mỹ và châu Âu lo ngại rằng, việc giới lãnh đạo Kiev đấu đá nội bộ sẽ làm hỏng những nỗ lực của phương tây nhằm ổn định đất nước này và giảm bớt những ảnh hưởng từ Nga.
Hồi tháng 12/2015, phát biểu trước quốc hội Ukraine, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục chính phủ tập trung xây dựng sự đoàn kết chính trị và đổi mới để ngăn chặn những ảnh hưởng của Nga.
Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau đó, Thủ tướng Arseniy Yatsenuk bị một nghị sĩ đảng đối lập kéo và nhấc bổng ra khỏi bục phát biểu trước quốc hội. Hàng chục nghị sĩ khác ập đến bảo vệ ông khiến cuộc ẩu đả lan rộng khắp phòng họp.
Không chỉ có thủ tướng đang có tỉ lệ ủng hộ thấp, Tổng thống Poroshenko cũng đang phải đối mặt với những chỉ trích rằng ông đã có quá ít hành động để chống nạn tham nhũng đang tràn lan hiện nay.
Từ Washington, ông Biden kiểm soát thường xuyên chính phủ Ukraine. Kể từ năm 2014, ông đã 4 lần tới Ukraine.
Ông cũng cho biết đã gọi điện tới hàng nghìn giờ cho các nhà lãnh đạo nước này. Tuy vậy, dường như những nỗ lực của ông không có kết quả gì.
Trong khi đó, theo ông Michael Crowley, những thất bại trên của ông Obama ở Ukraine cũng đồng nghĩa với việc Nga đang thắng thế.
Trang Politico đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak cho rằng, Moscow muốn Kiev phải có những bước đầu tiên trong việc sửa đổi hiến pháp để cấp quyền tự chủ hơn cho khu vực miền Đông.
Ngay cả một số quan chức phương Tây cũng phải thừa nhận rằng, Ukraine đang chậm trễ hơn Nga trong việc thực hiện thỏa thuận Minsk.
Theo Politico, một nhà ngoại giao châu Âu đã nói:"Việc thực hiện Minsk ít nhiều cũng đang bị đóng băng. Thật không may, Ukraine mới chính là phía gây ra sự tắc nghẽn nhiều hơn cho tiến trình này bởi cuộc khủng hoảng hiện nay tại Kiev”.
Không chỉ vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang phải đối mặt với những yêu cầu gỡ bỏ trừng phạt Moscow bởi các lệnh trừng phạt đó đang làm trì trệ chính nền kinh tế của các nước châu Âu.
Ông Andrew Weiss, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton nói: "Minsk hiện đang bị phá hủy.
Sự chú ý của phương Tây ở cấp cao nhất đã biến mất do cuộc khủng hoảng về dòng người tị nạn.
Các ưu tiên của chính quyền Obama đã di chuyển sang chỗ khác. Toàn bộ chính sách hiện nay thực sự lộn xộn”.