Phô trương sức mạnh tại Syria, Nga gửi thông điệp cứng rắn tới châu Âu

Thái Dương |

Qua chiến dịch không kích tại Syria, Nga muốn châu Âu biết về khả năng phòng vệ và tấn công của mình và Nga sẽ có lợi thế khi thảo luận về vấn đề Ukraine.

Ngày 30/9, Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch không kích các vị trí của phiến quân IS tại Syria.

Đây là một quyết định nhanh chóng và quyết đoán của Nga, được triển khai ngay sau khi được Thượng viện thông qua và phía Mỹ chỉ được thông báo trước đó vài giờ.


Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tham gia không kích các mục tiêu IS tại Syria. (Ảnh Sputnik).

Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tham gia không kích các mục tiêu IS tại Syria. (Ảnh Sputnik).

Nga khẳng định chiến dịch được tiến hành phù hợp với luật quốc tế khi mang tính tự vệ trước mối đe dọa IS, được chính quyền hợp pháp Bashar al-Assad đề nghị.

Chỉ với hơn 10 ngày, nhưng chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã tác động mạnh mẽ đến tình hình Syria và khu vực, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.  

IS run sợ          

Những đợt oanh kích sấm sét và chính xác của không quân và tên lửa hành trình Nga vào trên 50 vị trí trọng yếu của IS trong hơn 10 ngày qua đã khiến tình hình Syria chuyển biến rõ rệt.

Phiến quân IS phải đồng loạt tháo chạy khỏi các khu vực quan trọng tại Idlib, Hama, Homs  hay Palmyra... nhường chỗ cho quân chính phủ. Hàng ngàn phần tử IS đang tìm cách vượt biên giới, tẩu thoát sang Jordani.


Hơn 10 ngày qua, IS đã nếm đòn và sợ hãi trước các cuộc không kích của Nga. (ảnh: AP).

Hơn 10 ngày qua, IS đã nếm đòn và sợ hãi trước các cuộc không kích của Nga. (ảnh: AP).

Điều làm nên tính hiệu quả của các cuộc tấn công của Nga vào các vị trí IS phải kể tới hệ thống vũ khí hiện đại với các máy bay Su-34, Su-25 và Su-24M cất cánh từ các căn cứ quân sự của Nga trên đất Syria là Latakia và Tartus, các tên lửa hành trình được phóng đi từ 4 tầu chiến của hạm đội Caspian cách xa 1.500 km; việc nắm rõ thông tin về các vị trí của IS; và điều hết sức quan trọng là sự đồng thuận của các nước trong "nhóm điều phối" gồm Chính phủ Syria đương nhiệm, Iran, Iraq, được thành lập trước khi diễn ra chiến dịch.         

Sau một thời gian dài ngang nhiên hành hoành và mở rộng lãnh địa trước sự yếu kém của lực lượng chính phủ Syria và Iraq, trước tính thiếu hiệu quả của các đợt không kích trước đó của Mỹ, và Pháp, 10 ngày qua, IS đã nếm đòn và sợ hãi trước các cú đánh của Nga.

Màn phô diễn hiệu quả, đầy tính thuyết phục của Nga khiến hình ảnh của Mỹ trong khu vực dường như mờ đi.

Nga tái khẳng định vị trí tại Trung Đông             

Sự can dự quân sự trực tiếp vào chiến trường Syria đánh dấu sự trở lại sân khấu Trung Đông của Nga mà thời gian qua yếu đi do vướng bận nhiều vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Động thái này khẳng định Nga là nhân tố không thể thiếu trong việc giải quyết tình hình Trung Đông. 

Sự can dự là lời khẳng định của Nga tiếp tục ủng hộ chính quyền al-Assad, khẳng định không thể loại nhân tố này ra khỏi đời sống chính trị Syria như mong muốn của Mỹ và đồng minh.   

Liên quan đến chiến dịch không kích của Nga là khả năng hình thành một liên minh đối lập với liên minh do Mỹ đứng đầu ở Trung Đông.

Đó là thỏa thuận sơ bộ giữa Nga và chính quyền Bashar al-Assad ở Syria, Iran, Iraq lập một "trung tâm điều phối" ở Baghdad phục vụ chống IS, trước hết là điều tiết những chuyến bay của không quân Nga qua không phận các nước này để đánh IS. 


Máy bay chiến đấu của Nga không kích trúng sở chỉ huy của IS tại tỉnh Raqqa, Syria ngày 9/10. (Ảnh: Reuters).

Máy bay chiến đấu của Nga không kích trúng sở chỉ huy của IS tại tỉnh Raqqa, Syria ngày 9/10. (Ảnh: Reuters).

Điều đáng lưu ý trong chiến dịch này là việc Iraq, đồng minh chủ chốt của Mỹ, đã ngầm tạo điều kiện để Nga đẩy nhanh hiện diện quân sự tại Syria. 

Động thái này được coi là một thành công tiếp theo của Tổng thống Putin trong vấn đề Syria, sau sáng kiến "hủy kho vũ khí hóa học" tháo ngòi một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào chính quyền Al Assad hồi cuối 2013.   

Syria có vị trí địa chiến lược quan trọng vì nằm ở trung tâm của khu vực Trung Đông và là cửa ngõ đi ra Địa Trung Hải.

Nơi đây luôn là điểm tranh chấp ảnh hưởng của các nước lớn. Nga từ lâu đã xác lập được vị trí tại đây và có quan hệ gắn bó với chính quyền al-Assad. 

Mỹ và phương Tây luôn muốn gạt Nga khỏi khu vực gắn liền với việc loại bỏ al-Assad. Do vậy, để duy trì sự hiện diện tại khu vực, Nga phải củng cố chính quyền Bashar al-Assad.

Đây là pháo đài cuối cùng của Nga ở Trung Đông, đảm bảo sự tiếp cận của Nga đối với các cảng vùng nước ấm của Địa Trung Hải. 

Trong bối cảnh hiện nay, Syria còn có ý nghĩa như một "con bài mặc cả" trong các thỏa thuận ở Ukraine. Giải quyết IS ở Syria còn để kiềm chế khả năng IS thâm nhập vào Nga. 

Cho đến nay, Tổng thống Putin vẫn tuyên bố không đưa lực lượng bộ binh tham chiến ở Syria. Quyết định này được cho là Nga lo ngại bài học từ cuộc chiến tranh thời Liên Xô tại Afghanistan. Chính phủ Nga hiểu rằng nguy cơ sa lầy là rất có thể.

Mặc dù ủng hộ chính quyền al-Assad, Nga cho biết sẵn sàng thiết lập liên lạc với nhóm "Quân đội Syria Tự do" do phương Tây hậu thuẫn, để thảo luận về chiến đấu chống IS và chuẩn bị nền tảng cho một giải pháp chính trị ở Syria.

Phản ứng của dư luận           

Ngay sau khi Nga tiến hành các cuộc không kích, Mỹ và các đồng minh như Pháp, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ... lập tức chỉ trích mục tiêu không phải nhằm vào IS mà vào các lực lượng đối lập do họ ủng hộ; tố cáo máy bay Nga vi phạm không phận, lên án "sự leo thang quân sự" của Nga, coi đây là hành động sai lầm và mạo hiểm...

NATO vội vã nhóm họp tìm biện pháp đối phó, nêu ý tưởng thiết lập một vùng cấm bay để khống chế không quân Nga. 


NATO vội vã nhóm họp tìm biện pháp đối phó, nêu ý tưởng thiết lập một vùng cấm bay để khống chế không quân Nga. (ảnh: Reuters).

NATO vội vã nhóm họp tìm biện pháp đối phó, nêu ý tưởng thiết lập một vùng cấm bay để khống chế không quân Nga. (ảnh: Reuters).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 6/10 tuyên bố các lực lượng liên minh chiến đấu chống IS ở Syria sẽ không hợp tác với Nga.

Sự manh nha hình thành 2 liên minh đối lập do Mỹ và Nga cầm đầu khiến nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc xung đột lớn một khi những va chạm giữa hai bên xuất hiện trên chiến trường.          

Mặc dù vậy, hiệu quả của chiến dịch tấn công của Nga buộc người ta phải nhìn nhận nước này có vai trò không thể thiếu trong cuộc chiến chung chống IS.

Và tuy bề ngoài vẫn không chấp nhận chính quyền al-Assad, nhưng trong thâm tâm nhiều nước phương Tây đã phải tính tới nhân tố này trong một chính phủ hòa hợp tương lai.

Bản thân Pháp, một nước luôn thể hiện thái độ cứng rắn trước vấn đề Syria cũng bộc lộ suy nghĩ này.

Một thông báo gần đây của Phủ Tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Một chính phủ quá độ của Syria là cần thiết, bao gồm "một số thành phần của chế độ Damas và đối lập ôn hòa".       

Cũng theo một số chuyên gia, việc Nga phô trương sức mạnh quân sự qua các cuộc không kích tại Syria cũng như gửi thông điệp đến châu Âu về khả năng phòng vệ và tấn công của mình.

Trong chiến lược tại Syria, Nga đã có những bước đi rất nhanh và hợp pháp khi Tổng thống Nga Putin có bài phát biểu chính thức tại Liên Hợp Quốc yêu cầu mở rộng liên minh chống IS tại Syria và sau đó là có đề nghị chính thức từ phía chính quyền Syria yêu cầu Nga hỗ trợ trong cuộc chiến chống IS. 

Và tiếp theo chiến dịch tấn công IS tại Syria, Nga sẽ ở thế cao hơn trong các cuộc thảo luận với châu Âu về vấn đề Ukraine./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại