Philippines kiện TQ: Luật pháp quốc tế và công lý đã được thực thi

TS Ngô Hữu Phước (Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế ĐH Luật TP.HCM) |

Ngày 29-10-2015, Tòa trọng tài thường trực (được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển - UNCLOS năm 1982) đã ra phán quyết đầu tiên về vụ Philippines kiện Trung Quốc ngày 22-1-2013 về “đường lưỡi bò chín đoạn” và các hành động của Trung Quốc trên biển Đông.

Bảy vấn đề tòa sẽ xem xét

Phán quyết khẳng định: Nội dung vụ kiện liên quan đến tranh chấp giữa hai nước về giải thích và áp dụng UNCLOS, vì vậy tòa có thẩm quyền giải quyết.

Đồng thời, Tòa trọng tài thường trực khẳng định việc Trung Quốc không tham gia vào quá trình tố tụng không ảnh hưởng đến thẩm quyền giải quyết của tòa.

Theo phán quyết, Tòa trọng tài thường trực sẽ xem xét 7/15 vấn đề mà Philippines đã nêu trong đơn khởi kiện ngày 22-1-2013 gồm:

1. Bãi cạn Scarborough không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

2. Các bãi Vành Khăn, Cỏ Mây và Xu Bi chỉ là các kết cấu nửa nổi nửa chìm, không có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

3. Bãi Ga Ven và Ken Nan (bao gồm bãi Hu Gơ) là những thực thể nửa nổi nửa chìm, không có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, song ranh giới của chúng khi mực nước ở mức thấp nhất có thể được sử dụng để quyết định đường cơ sở.

4. Các bãi Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

5. Với hành vi can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá truyền thống quanh bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã ngăn cản trái phép ngư dân Philippines kiếm sống.

6. Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ mà UNCLOS quy định về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại bãi Scarborough và bãi Cỏ Mây.

7. Bằng việc cho phép tàu của lực lượng hành pháp thực hiện các hành vi nguy hiểm, gây nguy cơ đụng độ để cản trở các phương tiện của Philippines gần bãi Scarborough, Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ Trung Quốc theo quy định của UNCLOS.

Hai ý nghĩa về pháp lý và chính trị

Về phương diện pháp lý và chính trị quốc tế, phán quyết này có hai ý nghĩa đặc biệt quan trọng sau đây:

- Một là, phán quyết này là minh chứng mạnh mẽ để khẳng định luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, đã được tôn trọng và thực thi.

Mặc dù phán quyết mới là bước khởi đầu nhưng có ý nghĩa pháp lý đặc biệt quan trọng, là cơ sở để tòa tiếp tục giải quyết vụ kiện.

Với phán quyết này, tòa đã chính thức bác bỏ quan điểm và lập luận của Trung Quốc cho rằng nội dung đơn kiện của Phillippines liên quan đến chủ quyền và các nội dung này đã bị Trung Quốc loại trừ theo tuyên bố Trung Quốc đưa ra ngày 25-8-2006.

Theo đó, phán quyết khẳng định: Qua xem xét đơn kiện của Philippines, tòa bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng vụ tranh chấp trên thực tế là về vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo ở biển Đông...

Ngoài ra, tòa cũng đã bác bỏ luận điểm của Trung Quốc cho rằng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 tạo thành một thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua phương thức duy nhất là đàm phán.

- Hai là, phán quyết của tòa là minh chứng khẳng định rằng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS là công cụ pháp lý quan trọng để các quốc gia nhỏ, yếu có thể “chống lại” các quốc gia lớn mạnh trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền và bình đẳng trước luật pháp quốc tế.

Luật pháp quốc tế sẽ thắng vũ lực và cường quyền, quan điểm sai trái “công lý và luật pháp thuộc về kẻ mạnh” bị bác bỏ.

Đúng như nhận định của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, “vụ kiện này không chỉ quan trọng đối với Philippines mà còn với pháp trị trong quan hệ quốc tế nói chung, đặc biệt là việc thực thi UNCLOS”.

Chính vì vậy, phán quyết này không chỉ là thắng lợi to lớn của Philippines trên mặt trận ngoại giao và pháp lý mà còn là thắng lợi, là khích lệ to lớn đối với Việt Nam, các quốc gia trong khu vực và các quốc gia trên thế giới thêm ý chí, sức mạnh và quyết tâm tìm công lý bằng luật pháp.

Phán quyết này đã chứng minh rằng trong thế giới văn minh này, các quốc gia phải hành xử trên tinh thần thượng tôn pháp luật và công lý.

Hy vọng và tin tưởng rằng kết quả cuối cùng của vụ kiện này công lý và luật pháp sẽ thắng cường quyền và bạo lực.

Tuyên bố của Trung Quốc đưa ra ngày 25-8-2006 khẳng định: “Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chấp nhận bất kỳ thủ tục quy định tại Mục 2 Phần XV của Công ước đối với tất cả loại tranh chấp quy định tại khoản 1 (a) (b) và (c) của Điều 298 của Công ước”.

Có nghĩa là Trung Quốc sẽ không giải quyết tại Tòa án công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về Luật Biển, Tòa trọng tài và Tòa trọng tài đặc biệt các tranh chấp liên quan đến hoạch định ranh giới các vùng biển hay các vụ tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử; các tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự và các vụ tranh chấp mà Hội đồng Bảo an LHQ, trong khi thi hành các chức năng của mình do Hiến chương LHQ giao phó, có trách nhiệm giải quyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại