Ông Trump nói: “Họ (Trung Quốc) sẽ còn đi vào biển Đông và xây dựng một pháo đài quân sự cứ như thế giới không nhìn thấy”. “Họ làm điều đó theo ý riêng vì không có sự tôn trọng đối với tổng thống của chúng tôi và họ không tôn trọng đất nước của chúng tôi” – ông Trump nói thêm.
Tương tự, trước những động thái leo thang trên biển Đông, ông Larry Wortzel – một thành viên của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung – tỏ ra quan ngại khi những hoạt động xây dựng phi pháp trên vùng biển này trong thời gian này cải thiện đáng kể về mặt kỹ thuật, phạm vi cũng như tính hiện đại.
Thời gian qua, nhiều phương tiện truyền thông gọi những đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấn trái phép là “pháo đài” song dường như nói như thế còn quá sớm, theo trang Politi Fact.
Trang này dẫn bình luận của bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng “có vẻ hơi sớm để nói rằng Trung Quốc đang xây dựng một pháo đài quân sự”.
Bởi theo lập luận của nữ chuyên gia này, dẫu Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng các đảo cho các mục đích quân sự song ý định chưa rõ ràng.
Ông Patrick Cronin, Giám đốc của Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung Tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), cho rằng đến nay, những tiền đồn mới chỉ có radar và thiết bị được thiết kế hay phù hợp với cả mục đích dân sự và quân sự.
Hơn nữa, cơ sở hạ tầng quân sự Trung Quốc đã xây dựng trên thực tế khá dễ bị tấn công. “Các cơ sở này khá hạn chế.
Mặc dù chúng khiến các nước “nhức đầu” trong thời bình nhưng sẽ không phải là một mối đe dọa lớn đối với Mỹ hoặc đồng minh một khi xảy ra một cuộc xung đột” - ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), khẳng định.
Bên cạnh đó, chuyên gia Cronin lưu ý rằng một số nhà phân tích dự đoán Trung Quốc có thể tìm cách hình thành một tam giác các căn cứ để củng cố vị thế của mình. Thế nhưng, theo ông này, đây là một ý tưởng lâu dài hơi.