Báo chí nhà nước phải thề trung thành với ông Tập
Trong các chuyến thăm này, ông Tập cũng yêu cầu các cơ quan báo chí phải trung thành với ông, điều khiến các học giả cho rằng ông Tập cảm thấy bất an khi chưa thể kiểm soát trọn vẹn giới truyền thông nhà nước TQ.
Tờ báo Mỹ New York Times ngày 22.2 nói chuyện ông Tập Cận Bình được tung hô như vị bán thần, kể từ hôm 19.2, trang nhất các báo TQ đều đưa tin Chủ tịch Tập thăm 3 cơ quan chủ đạo của Đảng Cộng sản TQ (CPC) và các cơ quan báo chí nhà nước.
Các ảnh chụp cho thấy những nhà báo hớn hở, vây quanh ông Tập đang ngồi ở bàn dẫn chương trình của một đài truyền hình nhà nước, trong khi một quan chức ngành truyền thông xướng bài thơ ca ngợi ông Tập.
Những hình ảnh này phản ánh một chủ trương về truyền thông mà ông Tập đã nói rõ trong các chuyến thăm và làm việc này là giới truyền thông TQ phải là một công cụ tuyên truyền của đảng và phải trung thành với ông.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập phát biểu chỉ đạo trước các quan chức ngành truyền thông hôm 19.2: “Tất cả các cơ quan báo chí do đảng điều hành phải làm việc để nói lên ý chí cùng các mục tiêu của đảng”.
Theo NYT, các chuyến thăm, làm việc của ông Tập lại là một nỗ lực lớn khác trong chiến dịch xây dựng một sự tôn sùng cá nhân, đặt ông ngang hàng với sự tồn vong của CPC và của TQ.
Việc thủ trưởng các cơ quan báo chí thề trung thành với ông Tập, là một hành động mà ông Tập đã yêu cầu các lãnh đạo quân sự cùng những nhân vật quan trọng khác thực hiện hồi năm 2015.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng việc ông Tập cố áp đặt quyền tổng kiểm soát giới truyền thông, đã nói lên sự bất an của riêng ông, dù giới truyền thông thực hiện đầy đủ các quan điểm, tư tưởng của ông.
Nhà sử học Trương Lập Phàm nói: “Điều quan trọng nhất là ông ấy công bố quyền lực tuyệt đối. Ông ấy không cảm thấy đủ tự tin khi xử lý các vấn nạn”. Ông Trương còn nói thêm: “Ông Tập lo sợ CPC sẽ mất quyền lực chính trị và lo ngại các đồng chí sẽ lật đổ ông ấy khỏi vai trò lãnh đạo”.
Học giả Tiêu Cường ở Đại học Berkeley (Mỹ) chuyên nghiên cứu sự kiểm soát thông tin của CPC nói rằng chủ trương của ông Tập vì “bất chấp nỗ lực siết kiểm soát giới truyền thông trong 3 năm qua, ông Tập chưa thể an tâm rằng giới truyền thông nhà nước, trong đbao gồm các kênh trung ương như Tân Hoa Xã, Đài truyền hình trung ương CCTV cũng chưa thật sự dưới quyền của ông ấy”.
David Bandurski, chủ nhiệm Dự án truyền thông TQ thuộc Đại học Hồng Kông nói: “Thời ông Tập, mỗi đơn vị báo chí đều phải chú trọng tính tập quyền của đảng.
Tôi cho rằng đường lối này là “tôi làm chủ anh, điều khiển anh, chỉ bảo anh làm việc thế nào. Đảng là trung tâm và anh phục vụ cương lĩnh của chúng tôi”.
Viết blog chống đảng, "trùm nhà đất" liền bị phê bình
Từ khi ông Tập trở thành Tổng bí thư CPC hồi tháng 12.2012, CPC đã siết chặt sự kiểm soát giới truyền thông TQ. Chủ trương nêu trên loại bỏ bất kỳ sự nghi ngờ nào về quan điểm, tư tưởng của ông Tập và giới truyền thông trên hết phải là cơ quan ngôn luận của đảng.
Ngày 22.2, có một ví dụ về việc các cán bộ đảng viên “ôm” lấy chủ trương mới của ông Tập.
Theo đó, trang web của một cơ quan tuyên truyền ở Bắc Kinh đã phê bình "trùm nhà đất" Nhậm Chí Cường, một đảng viên CPC, đã “đánh mất lý tưởng đảng và chống đảng”.
Nguyên nhân là do Nhậm đã chỉ trích phát biểu chỉ đạo hôm 19.2 của ông Tập trong một bài viết trên blog cá nhân, và kêu gọi giới truyền thông TQ phải phục vụ nhân dân chứ không phục vụ đảng. Sau đó, đoạn blog của Nhậm đã bị xóa.
Việc siết chặt quyền kiểm soát giới truyền thông vì ông Tập đang đối mặt sức ép từ kinh tế TQ giảm tốc, nạn tham nhũng tràn lan trong đảng, sự thất vọng của người dân về nạn ô nhiễm và môi trường xuống cấp.
Ngày 22.2, một bài xã luận đăng trên nhật báo China Daily đưa ra một cách giải thích về việc ông Tập công bố chính sách của ông: “Giới truyền thông cần giúp phục hồi niềm tin của nhân dân vào đảng, nhất là lúc nền kinh tế quốc gia đi vào một giai đoạn bình thường mới, cùng các ám chỉ rằng kinh tế TQ đang đi xuống, kéo nền kinh tế toàn cầu xuống theo.
Giới truyền thông toàn quốc là công cụ cần thiết để ổn định chính trị và lãnh đạo không thể chờ họ đuổi kịp thời đại”.
Hiện các cơ quan báo chí nhà nước đã mở rộng, có cả chi bộ đảng, đến nhiều nước, cả ở Mỹ.
Các chỉ đạo của ông Tập sẽ khiến các chính phủ nước ngoài khó phân biệt nhà báo TQ nào làm việc ở nước họ: ai là người lấy thông tin chính thức, ai là người phục vụ hoạt động tuyên truyền, thu thập tình báo hoặc nắm bắt các quyền lợi chính thức khác.
Giới truyền thông nước ngoài bị cấm đưa nội dung lên trang tin điện tử ở TQ
Dưới thời ông Tập, đã có nhiều chỉ đạo nhằm siết chặt kiểm soát từng lĩnh vực truyền thông, gồm các trang mạng xã hội, phim ảnh và sách.
Ông Tập cũng muốn giảm sự hiện diện của các công ty truyền thông nước ngoài.
Tuần trước, 2 cơ quan chức năng công bố một quy định, qua đó kể từ ngày 10.3, các công ty nước ngoài kể cả công ty liên doanh với các đối tác TQ, không được in ấn, phát hành các nội dung báo điện tử tại TQ.
Nhiều nhà xuất bản nước ngoài và nhà sản xuất thông tin mạng nhắm vào người dân TQ đều đặt trụ sở ở nước ngoài, nhưng một số hoạt động đáng kể hoặc liên doanh ở TQ có thể bị ảnh hưởng gồm Microsoft, Apple và Amazon.
Các bài báo về chủ trương mới của ông Tập còn nói rằng ông yêu cầu các nhà báo, các cơ quan báo chí “nghiêm túc tuân thủ các quan điểm báo chí của chủ nghĩa Marx” và “giương cao ngọn cờ”, là những câu mang ý phục vụ quyền lợi của đảng.
Theo các học giả, ông Tập muốn phát thông điệp này đến toàn quốc và quốc tế, thông qua các diễn đàn truyền thông, gồm cả giải trí và quảng cáo, tức là ngược với vị tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh cơ quan truyền thông nhà nước cần nhanh nhạy hơn với một môi trường truyền thông kỹ thuật số hiện đại, nhằm định hướng dư luận.
Chủ trương của ông Tập được xây dựng dần. Năm 2013, chính phủ bắt đầu yêu cầu các nhà báo TQ phải thi kiểm tra, nhằm được gia hạn thẻ báo chí.
Mục tiêu cuộc thi là để các nhà báo học tập kỹ càng các tư tưởng làm báo theo chủ nghĩa Marx”.
Năm đó, cơ quan pháp lý tối cao TQ nói có thể áp tội hình sự “gây tranh cãi, gây rối” trong các nội dung đăng trên các mạng xã hội. Từ đó, chính quyền sử dụng công cụ này để “dập tắt” ý kiến chống đối trên mạng internet.
Trong nhiều trường hợp cụ thể, các cán bộ truy vấn những nhà báo về mọi điều, từ chia sẻ thông tin với người nước ngoài, cho đến “loan tin đồn” liên quan thị trường chứng khoán và nền kinh tế TQ.
Các cơ quan báo chí TQ, gồm những báo “thích phiêu lưu” và mang tính thương mại như Phương Nam tuần san, đều đã phải tuân thủ quy định.
Trong khi đó, tờ Nhân dân nhật báo trở thành công cụ tuyên dương ông Tập. Chỉ trong một ngày hồi tháng 12.2015, tên của ông xuất hiện trên 11/12 tít tựa trang nhất của tờ báo này.