Cáo buộc được Tổng thống Putin đưa ra trong một bộ phim tài liệu nói về 15 năm cầm quyền của ông.
Đầu những năm 2000, ông Putin có một cuộc nói chuyện với Tổng thống Mỹ lúc đó là George W. Bush. Ông cho biết cơ quan tình báo Nga chặn được các cuộc gọi giữa tình báo Mỹ có trụ sở tại Azerbaijan và quân ly khai Bắc Caucasus.
Khi hai người đề cập đến vấn đề mật vụ Mỹ có mối liên hệ mờ ám với phiến quân Nga, thậm chí hỗ trợ phương tiện vận chuyển, ông Bush hứa sẽ “đá vào mông” các nhân viên tình báo Mỹ có liên quan.
Tuy nhiên, vài ngày sau, giám đốc Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) nhận được một lá thư từ đối tác Mỹ, trong đó cho biết “họ có quyền hỗ trợ lực lượng đối lập ở Nga”.
Ông Putin khẳng định: “Tình báo phương Tây có mặt ở đó. Họ suy nghĩ nếu gây bất ổn về địa chính trị cho đối thủ, theo chúng tôi hiểu thì đối thủ đó là Nga, điều này sẽ tốt cho họ”.
Ông chủ Điện Kremlin cho biết thêm ông cũng cảnh báo phương Tây có thể “gặp nguy hiểm” nếu hỗ trợ những kẻ khủng bố.
Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, Moscow vướng vào cuộc xung đột nảy lửa với phiến quân ly khai ở Bắc Caucasus và quân nổi dậy Hồi giáo ở Chechnya. Chính phủ Nga tiến hành chiến dịch chống khủng bố kéo dài đến tận năm 2009.
Bộ phim tài liệu “Tổng thống” phát trên kênh Rossiya 1 TV có đề cập tới giai đoạn bất ổn kể trên. Nhà lãnh đạo Nga kể lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong 15 cầm quyền, cả chính trị lẫn vấn đề cá nhân.
Ông Putin tỏ thái độ không mấy thiện cảm với phương Tây. Ông nói: “Đôi lúc tôi nghĩ rằng họ chỉ thích nước Nga khi Nga cần viện trợ nhân đạo, phá sản, đói nghèo và phải ngửa tay xin ăn”.
Trước đó, ông Putin từng chia sẻ 2 thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quyền của mình, đó là 2 cuộc khủng hoảng con tin, một ở trường học Beslan, miền nam Nga, và một tại nhà hát Dubrovka ở Moscow.
Ít nhất 130 con tin và 40 tay súng thiệt mạng sau khi các tay súng ly khai Chechnya chiếm giữ nhà hát Dubrovka vào tháng 10-2002 và ra yêu sách rút các lực lượng Nga khỏi Chechnya.
Còn vụ Beslan diễn ra vào tháng 9-2004 với 385 người thiệt mạng, gần một nửa là trẻ em. Những kẻ tấn công cũng là các tay súng đòi ly khai yêu sách công nhận Chechnya là nhà nước độc lập.
Khi được hỏi về vụ sáp nhập bán đảo Crimea, ông Putin chia sẻ đây là sự phục hồi lãnh thổ của Nga dựa trên việc sửa sai “yếu tố bất công trong lịch sử” và mong muốn của người dân trên bán đảo, không phải vì Crimea có địa thế chiến lược trên biển Đen.
Nhà lãnh đạo Nga còn nhắc lại thách thức mà ông phải đối mặt trong những ngày đầu tiên làm tổng thống: “Cuối những năm 1990, một nhóm đầu sỏ chính trị (được cho là đang thao túng nước Nga) đến văn phòng và ngồi ngay trước mặt tôi.
Họ nói tôi sẽ không bao giờ có thể trở thành một tổng thống thực sự. Tôi trả lời: Cứ chờ xem”.
Kể từ khi được bầu làm tổng thống ngày 26-3-2000, ông Putin giúp GDP của Nga tăng gấp đôi và thu nhập trung bình của người dân tăng gấp ba.
Lĩnh vực nhân khẩu học cũng được cải thiện đáng kể. Năm 1999, Nga mất gần một triệu người/năm, trong khi hiện nay dân số tăng trưởng tự nhiên trong 2 năm liên tiếp.
Một cuộc thăm dò mới nhất của tổ chức Levada cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Putin – người sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 3 vào năm 2018 – là một con số khổng lồ: 86%.