"Cơ quan tình báo Lý Quang Diệu" và ấn tượng đặc biệt của một VIP

Đức Huy |

Những bài học đắt giá về công việc và cuộc sống mà Bộ trưởng Giáo dục Singapore Heng Swee Keat đã học được trong những năm làm thư kí cho ông Lý Quang Diệu.

Lần đầu tôi gặp ông Lý Quang Diệu là vào tháng 3/1997, khi ông phỏng vấn tôi trong đợt ứng tuyển vào vị trí Thư kí riêng.

Ông hỏi rất nhanh, và câu nào cũng rất sắc bén. Mỗi câu trả lời của tôi lại dẫn tới một loạt các câu hỏi khác. Đến khi kết thúc phỏng vấn, ông nói:

"Về học lại tiếng Hán đi rồi 3 tháng nữa nhận việc nhé. Chúng ta sắp có một dự án lớn với phía Trung Quốc".

Sau này, tôi nhận ra rằng có lẽ mình đã gây ấn tượng với ông bằng câu trả lời "Tôi không biết" cho một hai câu hỏi nào đó. Với Lý Quang Diệu, không biết cũng không sao. Nhưng không được phép giả vờ am hiểu nếu thực sự không biết.

Với ông, sự ngay thẳng là tất cả.

Bộ trưởng Giáo dục Singapore Heng Swee Keat (ngồi đầu tiên bên trái) trong lễ sinh nhật lần thứ 91 của ông Lý Quang Diệu (16/9/2014)

Bộ trưởng Giáo dục Singapore Heng Swee Keat (ngồi đầu tiên bên trái) trong lễ sinh nhật lần thứ 91 của ông Lý Quang Diệu (16/9/2014)

Tôi có vinh hạnh được làm trợ lý cho ông từ giữa năm 1997 đến đầu năm 2000. Đây cũng là khoảng thời gian châu Á lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính, và ông đang soạn thảo cuốn hồi kí của mình. Tôi đã học được rất nhiều từ ông trong khoảng thời gian này.

Qua những giao tiếp đời thường và trong công việc, tôi đã hiểu được cách ông nhìn nhận thế giới, cách ông đưa những ý tưởng vào thực tiễn, cũng như cách ông sống cuộc sống hàng ngày.

Ba quan điểm của Lý Quang Diệu về Singapore trên trường quốc tế

Lý Quang Diệu có một cái nhìn bao quát và nhất quán về thế giới. Tôi xin chia ra làm ba ý chính.

Thứ nhất, đó là vị thế của Singapore trong mắt ông trên trường quốc tế.

Bản thân ông đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đã thấu hiểu cuộc sống dưới ách thống trị của các thế lực bên ngoài, đã học hát 4 bài quốc ca khác nhau (tương ứng với 4 thời kỳ lịch sử của Singapore), và quan trọng hơn cả, đã đấu tranh vì độc lập cho Singapore.

Như lẽ tự nhiên, nỗi suy tư đau đáu trong lòng ông suốt cả cuộc đời luôn là làm thế nào để Singapore, một tiểu quốc thiếu thốn tài nguyên, có thể tồn tại ở một thế giới mà các cường quốc luôn cạnh tranh vị trí độc tôn.

Quan điểm của ông là một tiểu quốc như Singapore chỉ có thể tồn tại và phát triển tốt nhất ở một môi trường cạnh tranh lành mạnh, quyền lực cân bằng, không có nước nào thống trị, và luật pháp quốc tế được thực thi một cách nghiêm túc.

Theo ông, Singapore cần dang tay kết nối với tất cả các nước, đặc biệt là các cường quốc kinh tế. Để trở nên thịnh vượng, Singapore cần phải có chỗ đứng trên trường quốc tế. Singapore phải là một quốc gia "xuất chúng" (exceptional).

Singapore phải là một quốc gia xuất chúng

Lý Quang Diệu: Singapore phải là một quốc gia "xuất chúng"

Thứ hai là quan điểm của ông về con người, văn hóa và xã hội. Theo ông, một số tổ chức xã hội sở dĩ có thể thành công là nhờ cách tổ chức và sự thúc đẩy của các giá trị văn hóa.

Lý Quang Diệu cho rằng con người ai cũng có hai mặt: một ích kỉ, luôn tìm cách cạnh tranh để tối đa hóa cái lợi cho bản thân, gia đình, và bè phái. Mặt còn lại là vị tha, luôn cố gắng hợp tác, giúp đỡ người khác để đi đến cái lợi chung.

Một tổ chức xã hội sẽ mất đi khí lực nếu nó bỏ qua tính cạnh tranh và không tưởng thưởng sự xuất chúng. Mặt khác, một tổ chức xã hội cũng sẽ mất đi sự gắn kết nếu nó không để tâm đến những người thua thiệt bị bỏ lại đằng sau.

Ông Lý tin rằng mối liên hệ giữa cạnh tranh và đoàn kết, giữa âm với dương, là một mối liên hệ luôn cần được hiệu chỉnh để có thể đạt được sự cân bằng tối ưu nhất.

Cựu Thủ tướng Singapore
Lý Quang Diệu
Trong một tổ chức xã hội, ai đã thành đạt rồi thì phải biết đóng góp cho xã hội và giúp người khác đi lên. Chúng ta phải biết chia sẻ thành quả trong cố gắng chung của mình.

Thứ ba là quan điểm của Lý Quang Diệu về lãnh đạo và điều hành chính phủ. Xã hội là tập hợp của nhiều lực lượng phức tạp, và không thể tổ chức thành công trong một sớm một chiều.

Là một luật sư, ông có niềm tin sâu sắc về tầm quan trọng của một hệ thống luật pháp hợp lý trong việc xây dựng xã hội văn minh. Một tổ chức chỉ có thể thành công khi người điều hành nó có đầy đủ những tố chất cần thiết.

Để quản lý tốt phải cần lãnh đạo tốt, một lãnh đạo có tư tưởng đúng đắn, biết cống hiến và có trình độ. Điều quan trọng là lãnh đạo cần cùng với người dân vạch ra một tầm nhìn chiến lược cho tương lai và cùng nhau thực thi tầm nhìn đó.

Theo ông, trên tất cả, người lãnh đạo là người dẫn đường. Họ cũng cần biết đào tạo và nuôi dưỡng những tầng lớp lãnh đạo tương lai, để khi biết rằng đã đến lúc mình nên lui về hậu trường, những lãnh đạo trẻ này có thể đưa đất nước đến những tầm cao mới.

"Thì sao?"

Đây là câu hỏi ưa thích của ông Lý. Nếu bạn cập nhật thông tin gì cho ông, ông lập tức hỏi lại "Thì sao?". Sau khi nghe bạn trả lời, ông lại hỏi "Thì sao?". Cái "thì sao" này hướng bạn đến cái cốt lõi của vấn đề và rút ra hàm ý của mỗi thông tin nhận được.

Bản năng của Lý Quang Diệu là cắt bỏ đi những thứ rườm ra, khoan thẳng vào cốt lõi vấn đề, và xác định những ý cơ bản. Ông làm điều đó mà chẳng tốn nhiều công sức.

Tôi hiểu được tính này của ông từ một bài học đắt giá. Hôm đó, khi trả lời một câu hỏi của ông, tôi dùng ba đoạn văn. Tôi tưởng rằng như vậy sẽ chi tiết và khiến ông hài lòng. Nhưng ông đáp lại rằng:

"Tôi chỉ cần anh trả lời bằng một câu, sao anh lại cho tôi tận 3 khổ?"

"Cơ quan tình báo" Lý Quang Diệu

Tầm hiểu biết rộng rãi của ông Lý có được nhờ một bộ óc kỉ luật với sức chứa vô hạn. Ông nghe và đọc từ nhiều nguồn, nhưng ông làm vậy như một vị thám tử, chỉ nhặt ra và tìm mối liên hệ giữa những chi tiết đắt giá, đồng thời bỏ qua những thứ không liên quan.

Có một lần, ông hỏi tôi có nhớ một bài báo cũ nói về quan hệ Mỹ - Trung Quốc không. Tôi đã đọc bài báo này từ vài tháng trước nên không còn nhớ nữa. Nhưng một bài báo mới hôm đó đã kích hoạt bộ nhớ của ông, khiến ông nhớ lại chi tiết bài báo từ vài tháng trước.

Từ đó tôi nhận ra rằng, bên trong bộ óc của ông luôn tồn tại một tấm bản đồ thế giới. Như một chiếc radar, ông liên tục tìm kiếm sự thay đổi khắp mọi nơi và lắp ghép chúng vào tấm bản đồ này.

Những thông tin tưởng chừng vô nghĩa và không liên quan đối với phần đông chúng ta luôn được "cập nhật" trong bản đồ não bộ của ông. Chẳng thế mà một lãnh đạo cấp cao của Mỹ đã từng nói: "Chỉ riêng ông Lý Quang Diệu cũng như một cơ quan tình báo vậy".

Ăn Singapore, ngủ Singapore

Điểm đáng nói nhất trong cái "bản đồ" của ông Lý đó là mọi sự kết nối đều đi qua Singapore. Ở trên tôi có nhắc đến câu nói yêu thích của ông là "Thì sao?". Sau câu hỏi đó luôn là, "Vậy điều đó có ý nghĩa gì với Singapore?"

Thì sao?; Điều đó có ý nghĩa gì với Singapore? Ảnh: StraitsTimes
"Thì sao?"; "Điều đó có ý nghĩa gì với Singapore?" Ảnh: StraitsTimes

Lúc nào cũng vậy, trong tâm trí Lý Quang Diệu luôn có Singapore. Ông muốn đất nước phát triển dù ông không còn giữ chức Thủ tướng. Từ đầu những năm 60 của thế kỉ trước, ông đã tính đến chuyện tìm người nối nghiệp.

Trong những năm làm cố vấn cấp cao, ông luôn dành nhiều thời gian và công sức giúp đỡ Thủ tướng Singapore khi đó là Goh Chok Tong. Ông tránh không thăm Malaysia và Indonesia để tạo điều kiện cho ông Goh khẳng định mình trên cương vị Thủ tướng.

Thay vào đó, ông Lý đến Trung Quốc, Mỹ, và các nước châu Âu để thuyết phục lãnh đạo và nhà đầu tư quốc tế đặt niềm tin vào tài lãnh đạo của ông Goh, rằng dưới sự chèo lái của ông, Singapore sẽ đạt đến những thành công mới.

Lý Quang Diệu đời thường

Vậy ông Lý đời thường là người như thế nào? Trong công việc, ấn tượng của mọi người về ông là một người lãnh đạo thực dụng, nghiêm khắc. Nhưng sâu thẳm bên trong, ông quan tâm sâu sắc tới người dân Singapore, nhất là những số phận thiệt thòi.

Ông không thể hiện tình cảm này qua những ngôn từ bay bổng mang tính hình tượng, mà để chính những chính sách mình đặt ra thay cho những lời nói đó.

Ông luôn có niềm tin vững chắc vào một xã hội cân bằng và bình đẳng. Nhưng ông muốn tất cả mọi người, kể cả những người được hỗ trợ giúp đỡ, phải bỏ ra công sức xứng đáng.

Rất nhiều người coi Lý Quang Diệu là một người thực dụng, một người không ngại nói sự thật. Nhưng thực ra, ông cũng là một người có nhiều lý tưởng. Ông tin rằng mỗi người cần tiếp cận thế giới bằng một cái nhìn thực tế, thay vì qua lăng kính mà họ muốn.

Số phận đặt cho mỗi chúng ta một khởi đầu riêng biệt, nhưng để đến với cái đích thành công thì lại tùy vào công sức chúng ta bỏ ra. Nỗ lực, quyết tâm và ý tưởng sẽ tạo ra triển vọng. Con người không ai hoàn hảo cả, nhưng ai cũng có thể phấn đấu để trở nên hoàn hảo.

Tương tự, với ông, không xã hội nào hoàn hảo cả, nhưng một xã hội với sự gắn kết có thể phát huy tối đa nguồn lực của từng cá nhân và tạo ra tương lai tươi sáng cho cả tập thể. Trong mắt tôi, Lý Quang Diệu là một người thực dụng nhưng đầy lý tưởng.

Cuối cùng, cuộc đời và sự nghiệp của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu có thể được tóm gọn lại trong câu nói để đời này của ông:

cựu thủ tướng singapore
Lý Quang Diệu
Giờ đây khi nhìn lại, tôi có được gì? Một đất nước Singapore thịnh vượng. Thay vào đó tôi đã phải đánh đổi cái gì? Cuộc đời tôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại