John Feffer, Giám đốc tạp chí Foreign Policy in Focus, trong bài viết mới đây trên tờ Huffingtonpost nhận định thật khó có thể tin rằng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014, chính quyền Obama có thể đạt được thêm bất kỳ thành công nào trong hai năm còn lại trước khi bầu cử 2016 diễn ra.
Sự thất bại chấn động nhất chính là việc ông chủ Nhà Trắng đã để đảng Cộng hòa nắm ưu thế kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện ở Quốc hội. Tỉ lệ tín nhiệm, hài lòng của dân Mỹ với Obama năm 2014 rớt thê thảm, xuống mức dưới 50%.
Tuy nhiên, sự thật là cho đến lúc này Obama đã liên tiếp tạo ra được những chiến thắng “lịch sử”.
Cách ly đối thủ, đồng thuận lòng dân
Trong bài phát biểu năm 2004 trước đảng Dân chủ, Obama bác bỏ những quan điểm cho rằng nước Mỹ dễ dàng bị “cắt lát” thành những mảng màu đỏ (phe bảo thủ) và các mảng màu xanh dương (phe tự do).
Thế nên Obama từng đưa ra khái niệm “purple America” (sự hòa quyện giữa màu đỏ và màu xanh dương. Ở đây ý Obama muốn nói về một nước Mỹ hòa hợp lưỡng đảng).
Vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ bước vào Nhà Trắng trong tâm thế tin rằng ông ấy có thể làm sống lại lưỡng đảng, xây dựng sự hòa hợp lâu dài để phục vụ những chính sách kinh tế, chính trị và đối ngoại của mình.
Theo John Feffer, đó là dấu hiệu cho thấy Obama sẽ thất bại trong vai trò một chính trị gia mà còn là người đứng đầu của một bá chủ thế giới.
Obama đã không thể vận động được bất kỳ sự ủng hộ nào từ phe đối lập phục vụ cho những chính sách đối nội của mình, điển hình như “Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền” (hay gọi tắt là Obama Care) nhận hầu hết sự phản đối quyết liệt từ đảng Cộng hòa.
Ông ấy vẫn tiếp tục theo đuổi những chính sách đối ngoại của mình mặc dù thường xuyên vấp phải sự phản đối quyết liệt của đảng Cộng hòa (và một số thành phần Dân chủ diều hâu).
Với thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, người ta có quyền cho rằng Obama sẽ trải qua hai năm còn lại rất ảm đạm trong Nhà Trắng với sự lấn lướt của phe bảo thủ thống trị Điện Capitol.
Tuy nhiên, sau tất cả những gì đã xảy ra, niềm tin về một “purple America” đã dạy cho vị tổng thống với khẩu hiệu “hy vọng” một bài học vô cùng quan trọng.
Đó chính là ông ấy có thể chiến thắng những “ván cờ quan trọng” khi và chỉ khi dư luận Mỹ cùng đi theo con đường do ông tạo ra. Các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy đa số người dân Mỹ ủng hộ Obama Care, hôn nhân đồng giới, “rút ngắn khoảng cách” với Cuba và Iran...
Thế nên phải nhấn mạnh rằng Obama giành nhiều chiến thắng không phải bằng cách hòa hợp với phe đối lập mà chính bằng nước cờ “cách ly” đối thủ.
Tính từ tháng 5-2013, lần đầu tiên Tổng thống Obama không phải đăm chiêu vì chỉ số tín nhiệm của người dân Mỹ, khi hơn 50% người dân xứ cờ hoa đã “bỏ phiếu niềm tin” với vị tổng thống da màu tài ba và đầy nghị lực.
Những “cú hích” mạnh trong lòng nước Mỹ
Obama khiêm tốn so sánh lịch sử đất nước Mỹ như một câu chuyện dài và ông cũng chỉ “cố viết cho thật đúng một đoạn nhỏ” của mình. Thế nhưng theo một bài viết đăng trên trang bình luận chính trị Politico, Obama đang đặt ra những nền tảng mang tính lịch sử cho nước Mỹ trong tương lai.
Chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 24-6 vừa qua, cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ đã lần lượt bỏ phiếu lần cuối thông qua dự luật về quyền thúc đẩy thương mại (TPA) hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh.
Dự luật này có ý nghĩa then chốt đối với nỗ lực của chính quyền Obama nhằm tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại với các nước châu Á trong chiến lược “tái cân bằng” tại châu Á-Thái Bình Dương mà nổi bật là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Sau đó chỉ một ngày (25-6), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bảo vệ thành công Obama Care. Theo trang thông tin của chương trình Obama Care, có hơn 105 triệu người được tiếp cận với các dịch vụ y tế hoàn toàn miễn phí, những dịch vụ mà trước đó họ không tài nào mơ đến được do không có đủ tiền.
Trang Washington Post còn bình luận phán quyết còn giáng một “đòn đau” vào những nhóm bảo thủ nào có ý định dùng tòa án tư pháp để “đảo ngược” những gì mà ông Obama và phe Dân chủ đã làm được.
Một ngày sau đó, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ lại tiếp tục bảo vệ thành công quyền được kết hôn đồng giới trên toàn nước Mỹ.
Phán quyết này không chỉ bảo vệ quyền bình đẳng về hôn nhân mà những người đồng giới mong ước từ rất lâu mà còn tạo nên cả một làn sóng thách thức những giá trị bảo thủ lâu đời tại nước Mỹ.
Tuần lễ lịch sử đó của ông Obama đã kết lại với một bài phát biểu “hoàn hảo” và cả một màn hát thánh ca tại nhà thờ Charleston nơi đã diễn ra vụ xả súng đẫm máu làm thiệt mạng chín người da màu.
Bài phát biểu đó được đánh giá là có tính lên án kỳ thị sắc tộc mạnh mẽ nhất từ trước đến nay mà ông Obama từng phát biểu, giúp lấy lại sự ủng hộ rất lớn của những cử tri da màu.
Những bước đi ngoại giao lịch sử
Giai đoạn cuối năm 2014 cho đến nay cũng đánh dấu những thành công to lớn trong quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia “cựu thù địch” theo thể chế xã hội chủ nghĩa.
Những thành công này của Obama được giới truyền thông cũng như rất nhiều chuyên gia của Mỹ và thế giới mô tả ngắn gọn bằng hai chữ “lịch sử”. Trong đó phải kể đến sự “xích lại gần nhau” giữa Mỹ và Cuba.
Chính phủ Obama đẩy mạnh tiến độ chuyển hóa quan hệ ngoại giao hai nước trong vòng chỉ vài tháng vừa qua. Hai nước từng “không đội trời chung” lần đầu tiên, trong hơn 50 năm “thù địch” đã quyết định trao đổi đại sứ.
Các cầu nối giữa hai quốc gia hiện bắt đầu được khởi động và sớm kết nối hai quốc gia bền chặt hơn. Thậm chí du lịch Mỹ đã được phép mở đường đến Cuba.
Bên cạnh đó không thể bỏ qua “cuộc gặp mặt lịch sử” giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Obama tại Phòng Bầu dục.
Chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt bởi lần đầu tiên, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện một chuyến thăm chính thức đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Vinod Anand, chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu quốc tế Vivekananda (VIF), nhận định trên tạp chí Political Events rằng “quan hệ Việt Nam-Mỹ đang bước vào một thời kỳ mới.
Với chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mối quan hệ song phương Việt Nam-Mỹ được kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh trong khu vực và thế giới”.
Gần đây nhất, Obama tiếp tục ghi tên mình vào lịch sử khi đàm phán thành công một thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân Iran vốn gặp tranh cãi suốt nhiều năm.
Chính quyền Tehran đã đồng ý cắt giảm 98% lượng urani làm giàu và không sản xuất plutoni trong vòng 15 năm. Số lượng máy ly tâm của Iran cũng được giảm 2/3, không làm giàu urani quá 3,67% và giảm kho nhiên liệu làm giàu của mình từ 10 tấn xuống còn 300 kg.
Sau gần một thập niên đối đầu và cấm vận, thỏa thuận này vừa cho phép cộng đồng quốc tế tiến hành giám sát chương trình hạt nhân của Iran, vừa chặn mọi con đường sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran.
Các tổng thống Mỹ kế tiếp phải “học” gì từ Obama?
Bầu cử Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối năm 2016. Tổng thống Mỹ mới có thể sẽ giành chiến thắng dựa vào một số vấn đề hiện nay đang khiến giới bảo thủ giận dữ.
Tuy nhiên, để có sức hấp dẫn một cách rộng rãi, họ cần phải giải quyết nghiêm túc vấn đề biến đổi khí hậu, hạn chế chi tiêu quân sự, ban hành cải cách nhập cư, ổn định an sinh xã hội và đảm bảo một mức lương đủ sống cho người lao động trên toàn nước Mỹ.
Nhưng không cần phải chờ đợi tới năm 2016, Obama thậm chí có thể sẽ đạt thêm rất nhiều “cú hích” khác trong thời gian còn lại.