Nửa số vũ khí Mỹ cung cấp cho lực lượng đối lập Syria rơi vào tay IS

Theo Sputnik/Reuters, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest ngày 19/2 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về những diễn biến gần đây ở Syria.

Trong điện đàm, ông Erdogan tuyên bố một nửa số vũ khí mà Mỹ cung cấp cho lực lượng đối lập Syria đã rơi vào tay nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD) vốn bị Ankara cáo buộc là tổ chức khủng bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm ông và người đồng cấp Mỹ cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống điều mà Ankara gọi là các nhóm khủng bố, trong đó có Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Trước đó cùng ngày, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ thảo luận với ông Obama về quan điểm của Mỹ đối với PYD.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng người Kurd ở Syria có những mối liên hệ với PKK, tổ chức đang chiến đấu vì sự độc lập của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện không quân Nga và Syria đang oanh kích các mục tiêu của quân nổi dậy ở Syria mà không hề bị cản trở.

Tuy nhiên, theo thông tin của báo Đức Tấm gương ngày 19/2, Saudi Arabia đang muốn trang bị tên lửa phòng không cho lực lượng nổi dậy ở Syria.

Theo báo Đức, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir muốn cung cấp tên lửa đất đối không cho các lực lượng đối lập ôn hoà ở Syria.

Ông Jubeir nói các tên lửa đất đối không sẽ giúp phe đối lập ôn hòa ngăn chặn các máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu của chính quyền Syria.

Việc này cũng sẽ giúp thay đổi cán cân quyền lực ở Syria, giống như tình hình ở Afghanistan.

Theo ông Jubeir, sự can thiệp của Nga về lâu dài sẽ không thể cứu được chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ông khẳng định, Tổng thống Assad phải từ chức để tạo thuận lợi cho tiến trình chính trị ở Syria.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia sẵn sàng triển khai lực lượng đặc nhiệm của mình để hỗ trợ chiến dịch của liên quân do Mỹ đứng đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Hiện nay, các máy bay tiêm kích của Nga và Syria hàng ngày vẫn tiến hành các vụ oanh kích vào các mục tiêu của quân nổi dậy, đặc biệt ở là khu vực Tây Bắc Syria và chiến trường Aleppo.

Sự vượt trội về sức mạnh quân sự sau khi Nga triển khai máy bay ném bom đến Syria khiến quân nổi dậy hầu như không thể phản kháng.

Cho tới trước các cuộc không kích của Nga, sự bế tắc nổi lên rõ giữa một bên là lực lượng nổi dậy ôn hoà và cấp tiến, một bên là các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại