Ngày 13-2, Thẩm phán Antonin Scalia, một trong chín thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ, qua đời được cho vì nguyên nhân tự nhiên ở tuổi 79.
Ông Antonin Scalia người Mỹ gốc Ý là một trong những thẩm phán có tư tưởng bảo thủ, có ảnh hưởng bậc nhất trong lịch sử Tòa Tối cao Mỹ.
Ông có thời gian phục vụ lâu nhất trong Tòa Tối cao với 30 năm làm việc với năm đời tổng thống Mỹ.
“Cuộc chiến” quanh ghế thẩm phán
Việc Thẩm phán Antonin Scalia qua đời trong năm bầu cử làm dấy lên một cuộc đấu chính trị ở Mỹ. Hiện ở Mỹ đang nổ ra bất đồng quanh hai khả năng: Tổng thống Obama nên bổ nhiệm người thay thế ngay, hay đợi đến khi Mỹ có tổng thống mới.
Tổng thống Obama ngay lập tức khẳng định chính ông sẽ bổ nhiệm thẩm phán Tòa Tối cao mới thay thế ông Antonin Scalia.
Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley của đảng Cộng hòa nêu quan điểm ông Obama chỉ còn 11 tháng tại nhiệm thì nên để việc này cho tổng thống mới.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Harry Reid thuộc đảng Dân chủ lại ủng hộ Tổng thống Obama ra quyết định bổ nhiệm.
Tòa án Tối cao Mỹ chưa từng có tiền lệ khuyết mất một thẩm phán trong vòng một năm. Các ứng viên tổng thống hai đảng cũng tranh cãi dữ dội.
Thực tế này khiến truyền thông Mỹ cho rằng vì sự qua đời của Thẩm phán Antonin Scalia, căng thẳng năm bầu cử 2016 của Mỹ sẽ không chỉ diễn ra ở hai nhánh Nhà Trắng và Quốc hội mà cả ở Tòa án Tối cao.
Thái độ của Thượng viện khiến tương lai bổ nhiệm người thay thế Thẩm phán Antonin Scalia của Tổng thống Obama trở nên gian nan.
Ông sẽ phải nỗ lực vận động để có được ít nhất 60 phiếu ủng hộ trong khi phe Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện với 54 ghế, phe Dân chủ chỉ có 46 ghế.
Thẩm phán gốc Việt là ứng cử viên sáng giá
Trong khi các chính trị gia tranh cãi có nên bổ nhiệm thẩm phán Tòa Tối cao mới ngay hay không, truyền thông Mỹ đã nhanh chóng đưa ra danh sách các ứng viên tiềm năng cho vị trí này.
Đáng chú ý trong danh sách của hãng tin Reuters (Mỹ) có bà Jacqueline Nguyen năm nay 51 tuổi, là người Mỹ gốc Việt, làm việc tại Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực số 9 trụ sở ở TP San Francisco (bang California), phụ trách chín bang miền Tây Mỹ, trong đó có California.
Bà Jacqueline Nguyen tên Việt Nam là Nguyễn Thị Hồng Ngọc, sinh ra ở TP Đà Lạt và rời Việt Nam sang Mỹ năm 1975 lúc 10 tuổi.
Gia đình bà mở một cửa hàng bánh tại TP Glendale thuộc quận Los Angeles và bà liên tục làm việc tại đây song song học trung học và đại học.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Occidental năm 1987 chuyên ngành Anh văn và tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa tại Viện Đại học UCLA năm 1991, bà Jacqueline Nguyen làm việc cho Công ty luật tư Musick, Peeler & Garrett trong bốn năm (1991-1995).
Công việc chính của bà Jacqueline Nguyen là xử lý các vụ kiện dân sự, chủ yếu tập trung vào các tranh chấp thương mại, các vụ kiện bản quyền và vi phạm xây dựng.
Từ năm 1995 đến 2002, bà Jacqueline Nguyen làm việc với tư cách một công tố viên tại Tòa án Địa phương California, chuyên về tham nhũng công và lừa đảo, xem xét các vụ kiện lừa đảo liên quan Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trong năm cuối cùng làm việc tại văn phòng công tố bà giữ vai trò đào tạo công tố viên mới cho Tòa án Địa phương California.
Tháng 8-2002, bà Jacqueline Nguyen được thống đốc California lúc đó là ông Gray Davis bổ nhiệm làm chánh án Tòa Thượng thẩm Los Angeles, trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên được đề đạt vào vị trí này.
Ngày 31-9-2009, bà Jacqueline Nguyen được Tổng thống Obama chỉ định vào làm chánh án Tòa án Địa phương Liên bang California phụ trách một phần bang California (các quận Los Angeles, Cam, San Bernardino, Riverside, Ventura, Santa Barbara, San Luis Obispo) với sự nhất trí tuyệt đối của Thượng viện Mỹ vào ngày 1-12-2009.
Bà Jacqueline Nguyen là phụ nữ Mỹ gốc Việt và gốc Á đầu tiên được đề đạt vị trí chánh án liên bang.
Ngày 22-9-2011, Tổng thống Obama chỉ định bà Jacqueline Nguyen vào Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực số 9 và Thượng viện thống nhất với tỉ lệ áp đảo 91 phiếu thuận/3 phiếu chống vào ngày 7-5-2012.
Bà Jacqueline Nguyen cũng là phụ nữ Mỹ gốc châu Á đầu tiên làm việc trong hệ thống Tòa Phúc thẩm Liên bang.
Tháng 8-2013, bà Jacqueline Nguyen từng được đồn đoán sẽ được bổ nhiệm vào Tòa Tối cao thay cho nữ Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg sắp về hưu để duy trì ba ghế nữ thẩm phán tại Tòa Tối cao.
Thẩm phán Mỹ gốc Ý Antonin Scalia có quan điểm bảo thủ và là cha của chín người con, được Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm năm 1986. (Ảnh: NEW YORK TIMES)
Luật sư Mỹ Sri Srinivasan gốc Ấn là người cực kỳ thông minh và làm việc rất hoàn hảo. (Ảnh: NEW YORK TIMES)
Ðường đi sẽ không dễ dàng
Con đường đến Tòa Tối cao của bà Jacqueline Nguyen chắc chắn sẽ không dễ dàng khi bà phải đối mặt với nhiều đối thủ nặng ký. Đầu tiên là ông Sri Srinivasan, cái tên đứng đầu danh sách hầu hết truyền thông Mỹ.
Ông Sri Srinivasan 48 tuổi, hiện là luật sư chính phủ thuộc Tòa Phúc thẩm Liên bang thủ đô Washington - tòa án quyền lực thứ hai ở Mỹ sau Tòa Tối cao.
Ông Sri Srinivasan không chỉ là người Mỹ gốc Ấn Độ mà còn là người gốc châu Á đầu tiên phục vụ tại Tòa Phúc thẩm Liên bang thủ đô Washington, được Tổng thống Obama chỉ định và được Thượng viện chấp nhận với tỉ lệ biểu quyết tuyệt đối vào tháng 5-2013.
Ông Sri Srinivasan tốt nghiệp ĐH Stanford, từng là thư ký của thẩm phán Tòa Tối cao đã về hưu Sandra Day O’Connor, từng là trợ lý nhóm cố vấn pháp luật của Tổng thống George W. Bush.
Ông Sri Srinivasan có quan hệ khá thân thiết với Tổng thống Obama vì từng là phó trưởng nhóm cố vấn pháp luật của Tổng thống Obama.
Bản thân Tòa Phúc thẩm Liên bang thủ đô Washington đã từng là bệ phóng của rất nhiều người vào Tòa Tối cao.
Đó là các thẩm phán Clarence Thomas, John Roberts, Ruth Bader Ginsburg và cả Thẩm phán Antonin Scalia.
Ngay khi ông Sri Srinivasan được bổ nhiệm vào làm tại Tòa Phúc thẩm Liên bang thủ đô Washington đã có đồn đoán ông rồi sẽ tiến đến vị trí thẩm phán tại Tòa Tối cao trước khi Tổng thống Obama hết nhiệm kỳ.
Một nhân vật được chú ý khác là bà Jane Kelly, tốt nghiệp ĐH luật Harvard - giống Tổng thống Obama.
Bà Jane Kelly được Tổng thống Obama chỉ định và được Thượng viện đồng lòng biểu quyết bà vào vị trí luật sư bào chữa tại Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực số 8 trụ sở ở bang Iowa.
Bà Jane Kelly nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Chuck Grassley.
Một ứng viên nữa là Thẩm phán Paul Watford, năm nay 48 tuổi, hiện làm việc tại Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực số 9.
Ông Paul Watford từng là thư ký cho thẩm phán Tòa Tối cao Ruth Bader Ginsburg, một trong những đồng nghiệp của thẩm phán quá cố Antonin Scalia.
Thẩm phán Tòa án Tối cao được chọn thế nào?
Tòa Tối cao Mỹ luôn có một chánh án và tám thẩm phán. Con số này được xác lập từ năm 1869. Việc bổ nhiệm xảy ra khi một thẩm phán qua đời, từ chức hay về hưu theo nguyện vọng.
Trung bình hai năm sẽ có một chỗ khuyết. Các ứng viên thường được chọn từ hệ thống tòa án của Mỹ, nhánh hành pháp, từ Quốc hội, giới trí thức luật.
Sau khi được tổng thống chỉ định, ứng viên phải ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, được Cục Điều tra Liên bang Mỹ kiểm tra nhân thân, được Hội Luật sư Mỹ gồm 15 thẩm phán liên bang thẩm định phẩm chất, năng lực.
Cuối cùng ứng viên phải được Thượng viện bỏ phiếu đồng ý.
Thời gian từ khi tổng thống chỉ định cho tới khi Thượng viện bỏ phiếu khoảng một tới vài tháng. Việc Thượng viện phong tỏa bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao ít khi xảy ra nhưng không phải là không.
Trong lịch sử, Thượng viện Mỹ có 12 lần phủ quyết chỉ định của tổng thống.
Thượng viện từng phong tỏa bổ nhiệm chánh án Tòa Tối cao của Tổng thống Lyndon Johnson cho Thẩm phán Abe Fortas thay thế chánh án Earl Warren năm 1968.
Ông Abe Fortas sau đó từ chức và Mỹ bị khuyết chánh án Tòa Tối cao một năm đến thời tổng thống kế nhiệm Richard M. Nixon.