Những trùng hợp và mối liên hệ không ngờ giữa QZ8501 với MH370

My Lan |

Sau khi chiếc QZ8501 của AirAsia mất tích, truyền thông và cư dân mạng thế giới đều thốt lên rằng: "Cầu mong không phải là một MH370 thứ hai trong năm!".

Cùng với những lời cầu nguyện này, giới chuyên gia và cư dân mạng đã chỉ ra những điểm tương đồng của sự việc chiếc máy bay AirAsia mang số hiệu QZ8501 với sự biến mất bí ẩn nhất của MH370.

Những sự trùng hợp

Cũng giống như MH370, chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia mang số hiệu QZ8501 đã bất ngờ mất liên lạc khỏi đài kiểm soát không lưu mà không hề để lại bất cứ một thông tin liên lạc nào, kể cả tín hiệu cấp cứu.

AP đưa tin, chiếc QZ8501 đã mất liên lạc với kiểm soát không lưu 42 phút sau khi cất cánh từ Surabaya (5 giờ 20 phút sáng 28/12).

Khoảng gần 1 tiếng đồng hồ cũng là thời gian từ khi chiếc MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur (0 giờ 41 phút sáng 8/3) tới lúc nó mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu Malaysia Airlines (1 giờ 30 phút).

Trong đồ hoạ của tờ News.au.com, có thể thấy, 2 chiếc máy bay mất tích trong cùng một khu vực và cách không quá xa nhau.

Theo tờ Telegraph (Anh), vị trí QZ8501 mất tích được cho là gần với căn cứ hải quân trên đảo Bangka Belitung.

Trong khi đó, cũng từng có giả thuyết cho rằng, chiếc MH370 đã hạ cánh xuống căn cứ quân sự lớn của Mỹ trên hòn đảo Diego Garcia tại Ấn Độ Dương. Dù vậy, các quan chức Mỹ đã phủ nhận thông tin này.

Mối liên hệ

Theo Telegraph, vào năm 2011, AirAsia và Malaysia Airlines đã ký kết hợp đồng hoán đổi cổ phiếu, nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tune Air, công ty mẹ của AirAsia, sẽ trao đổi 10% cổ phiếu với Malaysia Airlines System (MAS).

Hai hãng này cũng tuyên bố sẽ hợp tác trong việc mua máy bay và mở các tuyến đường mới.

Tuy nhiên, thoả thuận hoán đổi cổ phiếu chỉ tồn tại được 9 tháng, do áp lực từ công đoàn của MAS. Họ lo sợ rằng, sự hợp tác này giữa 2 hãng hàng không sẽ khiến nhiều người mất việc làm.

Năm 2014, AirAsia đã từng phải lên tiếng xin lỗi sau khi tố "lợi dụng" sự biến mất của MH370.

Cụ thể, cuốn tạp chí trên máy bay của AirAsia Travel 3Sixty đã tự hào giới thiệu rằng, phi công của hãng này đã được đào tạo tốt, đảm bảo không một máy bay nào bị mất tích.

Bức ảnh chụp đoạn thông tin này sau đó đã được lan truyền trên Twitter cùng lời chỉ trích rằng, nó ám chỉ sự cố MH370.

Bức ảnh trong cuốn tạp chí của AirAsia khiến dân mạng tức giận.

Ảnh chụp thông tin trong cuốn tạp chí của AirAsia. Thông tin này đã khiến dư luận bức xúc.

Ông Tony Fernandes, giám đốc điều hành AirAsia đã phải xin lỗi và giải thích rằng thông tin này được cựu phi công Lim Khoy Hing viết vài tháng trước khi xảy ra thảm hoạ MH370. Ông Lim Khoy Hing làm việc cho cả AirAsia và Malaysia Airlines.

Tờ tạp chí Travel 3Sixty sau đó cũng bị thu hồi.

Lời chia buồn

Khi chiếc MH370 gặp nạn ngày 8/3, nam tiếp viên Oscar Desano đã viết trên Twitter của mình rằng:

"Cầu nguyện cho chuyến bay Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 tới Bắc Kinh, hiện đã mất liên lạc...".

Nam tiếp viên Oscar Desano.

Nam tiếp viên Oscar Desano.

Trước sự cố ngày 17/7 của chiếc máy bay Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 mất tích, Desano đã viết: "Tôi rất tiếc vì sự ra đi của MH17, đã có 2 thảm họa lớn đối với hàng không Malaysia trong năm nay.

Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các hành khách, có thể tất cả đã thiệt mạng, xin hãy yên nghỉ".

Vài tháng sau đó, chính anh lại không may là người có mặt trên chiếc QZ8501 của AirAsia ngày hôm qua.

Ngày hôm qua, trên Twitter chính thức của mình, Malaysia Airlines cũng gửi lời động viên tới AirAsia:

"Hãy mạnh mẽ lên, AirAsia. Mọi suy nghĩ và những lời cầu nguyện của chúng tôi đều hướng về gia đình, bạn bè của những hành khách trên chuyến bay QZ8501".

"Chỉ thời tiết xấu không gây rơi máy bay"

Tờ News.Au.com dẫn lời chuyên gia hàng không Peter Stuart Smith nghi vấn, liệu QZ8501 có gặp nạn do thời tiết xấu hay không và vì sao nó không liên lạc với đài kiểm soát không lưu.

"Thậm chí, cứ giả sử rằng chiếc máy bay gặp điều kiện thời tiết vô cùng bất lợi khiến nó bị hỏng hóc trên không trung, hoặc điều kiện thời tiết khiến phi công mất kiểm soát, vẫn có hàng loạt các câu hỏi cần phải được trả lời".

"Rõ ràng, ưu tiên hàng đầu của các phi công là lái máy bay, song việc gửi đi một lời nhắn với Kiểm soát không lưu (ATC) để thông báo điều gì đang xảy ra thì chỉ cần ấn một nút duy nhất trên cột điều khiển và nói".

"Việc ấn nút Squawk 7700 (khẩn cấp) trên hộp SSR, nhằm thông báo với ATC rằng đang có vấn đề xảy ra chỉ mất có vài giây".

Ông Peter cho hay, thời tiết xấu là điều thường xuyên xảy ra ở Indonesia vào mùa này trong năm, nhưng gần như không có trường hợp một chiếc máy bay hiện đại nào bị hỏng hóc vì sự nhiễu loạn không khí khi lên cao.

"Sẽ khác nếu máy bay bay gần mặt đất, nhưng ở độ cao đó, ngay cả khi chiếc máy bay bị chết động cơ, phi hành đoàn vẫn có không gian để vượt qua tình huống đó và lấy lại sự kiểm soát".

"Có vẻ như chỉ thời tiết xấu không thôi thì không thể gây ra tai nạn máy bay".

Chuyên gia hàng không Neil Hansford cho biết, ngay cả khi "yếu tố con người" là nguyên nhân gây ra sự mất tích của QZ8501 thì cũng sẽ không mất thời gian để tìm kiếm nó, bởi không giống như MH370, chiếc máy bay của AirAsia vẫn ở trong không phận Indonesia.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại