Những khoảnh khắc "bất lực" của người quyền lực thứ hai thế giới

My Lan |

Là người quyền lực nhất nước Mỹ và quyền lực thứ hai thế giới, song Tổng thống Barack Obama cũng từng không ít lần phải cay đắng thừa nhận rằng khả năng của mình "chỉ có hạn".

"Tôi xin lỗi! Tôi cũng mệt mỏi!"

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 8/10/2013, Tổng thống Obama đã buộc phải lên tiếng xin lỗi người dân Mỹ sau khi chính phủ nước này phải đóng cửa một phần -  lần đầu tiên sau 17 năm. "Tôi biết việc chính phủ đóng cửa khiến người dân mệt mỏi. Tôi xin lỗi vì dường như mọi người buộc phải trải qua chuyện này cứ mỗi ba tháng. Có Chúa chứng giám, tôi cũng mệt mỏi vì chuyện này".

Trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới, do tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn hàng năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama xếp ở vị trí thứ hai, sau Tổng thống Nga Putin và trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó, năm 2012, Tổng thống Obama đã được tạp chí này bầu chọn là người quyền lực nhất thế giới.

Thượng viện Mỹ, khi đó còn do phe Dân chủ kiểm soát, muốn gia hạn kế hoạch ngân sách, nâng trần nợ công trong một năm, trong khi đó, Hạ viện, do phe Cộng hoà kiểm soát, lại khăng khăng việc trì hoãn bộ luật cải cách y tế của Tổng thống Obama (Obamacare) một năm và bác một loại thuế nhằm cung cấp tiền cho dự luật này. Chính những tranh cãi kéo dài nhiều năm và chưa thể "ngã ngũ" đã đẩy tình thế lên tới mức đỉnh điểm như vậy.

Người dân Mỹ tỏ ra giận dữ với hành động này của giới chức Mỹ, bởi những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới cuộc sống của họ và những hậu quả nó để lại cho kinh tế Mỹ.

Ngay cả bản thân ông Obama cũng thừa nhận, sự kiện này kéo dài có thể khiến thị trường nhiễu loạn, ảnh hưởng xấu đến các chính sách lương hưu và tăng lãi suất vay vốn của sinh viên.

Tổng thống Obama lặng lẽ rời khỏi phòng họp báo tại Nhà Trắng ngay trước khi lệnh đóng cửa chỉnh phủ có hiệu lực vào ngày 1/10.

Tổng thống Obama lặng lẽ rời khỏi phòng họp báo tại Nhà Trắng ngay trước khi lệnh đóng cửa chỉnh phủ có hiệu lực vào ngày 1/10.

Xin lỗi vì cương quyết thực hiện Obamacare

Không chỉ gây ra những căng thẳng về mặt chính trị trên chính trường Mỹ, đạo luật Obamacare mà Tổng thống Obama cương quyết thực hiện, cũng khiến uy tín của ông chủ Nhà Trắng bị sụt giảm.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 7/11/2013 với kênh NBC News, ông Obama đã buộc phải nhận lỗi: "Tôi xin lỗi những người đang phải đối mặt với vấn đề hiện này sau khi nhận sự đảm bảo từ tôi".

Lời xin lỗi của ông được đưa ra sau khi hàng trăm nghìn người dân bày tỏ sự lo lắng, thậm chí tức giận khi các chương trình chăm sóc sức khỏe của họ sẽ bị hủy bỏ - do không đáp ứng được đòi hỏi khắt khe theo Obamacare, còn trang web đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm mới lại liên tục trục trặc.

Trừng phạt Nga cứng rắn, "lăn tăn" về hiệu quả

Mặc dù quyết tâm áp đặt các lệnh trừng phạt đầy cứng rắn lên Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, song không lâu sau khi công bố chúng hồi tháng 4, Tổng thống Obama thú nhận: "Chúng tôi hiện vẫn chưa rõ liệu các biện pháp trừng phạt mới này có hiệu quả hay không".

Trước đó, ngày 25/3, phát biểu tại một cuộc họp ở Hà Lan, ông Obama cũng phải thẳng thắn thừa nhận không thể tách bán đảo Crimea ra khỏi Nga, và những chỉ trích của Mỹ cũng phương Tây nhằm vào Putin cũng gần như không có tác dụng.

Về phần mình, Nga đang phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt về kinh tế từ Mỹ và các nước phương Tây, do những cáo buộc kích động, gây bất ổn chính trị ở Ukraine, hậu thuẫn cho phe ly khai về binh lính và trang bị, vũ khí.

Nga đã bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời tự tin rằng, mình không "hề hấn gì" bởi những động thái từ phương Tây.

Tổng thống Obama đã không ít lần phải xin lỗi vì không thể giải quyết được những vấn đề xã hội ở nước này.

Tổng thống Obama đã không ít lần phải xin lỗi vì những tranh cãi chưa thể dung hòa trong nội bộ chính phủ ảnh hưởng tới cuộc sống và tính mạng của người dân.

Thất bại lớn nhất trên cương vị Tổng thống

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên internet hồi tháng 6/2014, Tổng thống Mỹ đã cay đắng thừa nhận rằng, chính phủ chưa thể làm gì để ngăn chặn tình trạng xả súng bừa bãi, và rằng việc không thể thuyết phục Quốc hội thông qua luật kiểm soát súng, vốn đã được đem ra bàn thảo, tranh luận nhiều lần, là thất bại lớn nhất của mình trên cương vị Tổng thống.

Tuyên bố này được đưa ra sau hàng loạt các vụ xả súng liên tiếp, gây chấn động nước Mỹ.

Ngày 6/6, một vụ xả súng tại Đại học Seattle Pacific đã khiến một người thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Tới trưa ngày 8/6, hai kẻ lạ mặt, một nam một nữ, đã bất ngờ ập vào một nhà hàng pizza ở Las Vegas và bắn chết 2 cảnh sát đang ngồi ăn trưa cùng một người dân thường ở lối vào.

Chỉ hai ngày sau đó, sáng ngày 10/6, một tay súng khác đã xả súng điên cuồng vào một lớp học tại trường trung học Reynolds (Oregon, Mỹ), cướp đi sinh mạng của một nam sinh.

"Chúng tôi chưa có chiến lược gì đối phó IS ở Syria"

Trước sự bành trướng mạnh mẽ của IS ở Iraq, Syria và các tội ác man rợ mà chúng gây ra, đặc biệt là sau vụ nhà báo Mỹ James Foley bị hành quyết, Tổng thống Obama đã quyết định điều máy bay Mỹ giám sát trên bầu trời Syra. Ông cũng yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng Liên quân Mỹ xem xét các lựa chọn đối đầu với IS.

Trong khi đó, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa và cả đảng Dân chủ, vốn khá ôn hòa, cũng đã nhắc tới phương án mở rộng các hoạt động quân sự nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố này ở Syria, sau khi liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành nhiều cuộc không kích chúng ở Iraq.

Áp lực từ sự giận dữ của công chúng, cũng như những động thái mới mẻ từ phía Mỹ đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về việc Mỹ sẽ tấn công quân sự nhằm vào lực lượng Hồi giáo cực đoan này ở Syria.

Tuy nhiên, khuya ngày 28/8, trong một cuộc họp báo ngắn ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã tuyên bố, "chúng tôi chưa có chiến lược nào" đối phó với IS.

Lời thừa nhận này của Tổng thống Mỹ dường như đã "dội nước lạnh" vào những hi vọng về năng lực của Mỹ cũng như của cá nhân ông Obama.

Cho tới nay, ông chủ Nhà Trắng vẫn kiên định với quan điểm không trực tiếp đưa quân tham chiến ở Iraq, mà chỉ tới với tư cách là cố vấn quân sự cho quân đội nước sở tại, bởi ông cho rằng, đây chỉ là biện pháp nhất thời, không giải quyết được tận gốc vấn đề.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại