Những ai có thể lọt vào bộ máy lãnh đạo của Tập Cận Bình?

Thủy Thu |

Đại hội XIX của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa thu 2017, nhưng ngay từ lúc này truyền thông đã chú ý đến những nhân vật có cơ hội "sát cánh" cùng ông Tập Cận Bình.

Tại kỳ họp “lưỡng hội” tháng 3 hàng năm, hai vấn đề nóng luôn được giới truyền thông để mắt chính là những biện pháp chính sách mới của chính phủ Trung Quốc và vấn đề điều chỉnh nhân sự.

Năm 2016 là năm cuối cùng của Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa XVIII.

Trong đó, điều chỉnh nhân sự Bộ chính trị là một vấn đề rất phức tạp và khó khăn.

Ảnh hưởng của điều chỉnh nhân sự đối với Đại hội ĐCSTQ khóa XIX (Đại hội 19) sắp diễn ra trong năm 2017 đặc biệt thu hút dư luận trong và ngoài Trung Quốc.


Quang cảnh Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa XVIII (2012) diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.

Quang cảnh Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa XVIII (2012) diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.

Trang Đa chiều đưa tin hôm 9/3, trước phiên khai mạc “lưỡng hội” 2016, nhân sự các địa phương đã được sắp xếp lại, hơn 80 quan chức cấp phó nhận chức vụ mới.

Do số lượng cán bộ địa phương đến tuổi về hưu trong kỳ “lưỡng hội” tương đối nhiều nên hiện tại có hơn 40 cương vị lãnh đạo chủ chốt cấp địa phương bị khuyết.

Bên cạnh đó, theo thông lệ, trong khoảng một năm trước phiên khai mạc Hội nghị Nhân đại toàn quốc, 7 thành viên Ủy ban thường vụ Bộ chính trị và Bộ chính trị Trung Quốc sẽ họp để thảo luận, nghiên cứu về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 19.

Bộ chính trị Trung Quốc sẽ bắt đầu tổ chuẩn bị đánh giá dân chủ Đại hội 19, nghĩa là Bắc Kinh sẽ tổ chức thanh kiểm tra cán bộ và đưa ra ý kiến đánh giá dựa trên những yếu tố nhất định. Thông thường cuộc thanh kiểm tra này sẽ do Tổ kiểm tra chủ trì.

Thông qua quá trình tiến cử, điều tra và đánh giá tổng hợp, Tổ kiểm tra sẽ lập danh sách, đề cử lên trung ương những đối tượng phù hợp.

Đa chiều cho rằng, trong năm nay và sang năm, Trung Quốc sẽ xuất hiện hiện tượng “thay máu nhân sự quy mô lớn” từ thấp đến cao.


7 ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa XVIII. Từ trái qua: Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Du Chính Thanh, Vương Kỳ Sơn. (Ảnh: Renminwang)

7 ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa XVIII. Từ trái qua: Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Du Chính Thanh, Vương Kỳ Sơn. (Ảnh: Renminwang)

Trong 7 Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc hiện nay, chỉ có Tổng bí thư Tập Cận Bình (sinh năm 1953) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (1955) còn đủ điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ chính trị khóa tới.

Còn lại, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trương Đức Giang (1946), Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh (1945), Bí thư Ban bí thư Lưu Vân Sơn (1947), Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn (1948) và Phó thủ tướng thường trực Trương Cao Lệ (1946) đều đến tuổi nghỉ hưu.

Trong năm thành viên này, ông Vương Kỳ Sơn tuy ít tuổi nhất nhưng cũng đã bước sang tuổi 69, quá tuổi nghỉ hưu theo "quy tắc bất thành văn" đối với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Song song với độ tuổi phù hợp, lý lịch và năng lực chính trị là ba nhân tố quan trọng để phục vụ đánh giá điều chỉnh nhân sự.

Những năm gần đây, dư luận trong và ngoài Trung Quốc đều dẫn nhiều thông tin trái chiều về việc điều chỉnh nhân sự.

"Người gác cửa" của Tập Cận Bình gây bất ngờ ở "lưỡng hội" 2016

Hãng Bloomberg (Mỹ) đã “để mắt” đến một vài cán bộ cấp cao Trung Quốc như Bí thư tỉnh ủy Quý Châu Trần Mẫn Nhĩ hay Phó chánh Văn phòng trung ương Đinh Tiết Tường.

Trong đó, Đinh Tiết Tường - cựu trợ lý của của ông Tập Cận Bình khi còn ở Thượng Hải - được trang này đánh giá là “điểm sáng nhất”.


Đinh Tiết Tường (bên trái, thứ nhất) trong cuộc họp phát triển kinh tế khu vực Trường Giang của chủ tịch Tập Cận Bình hôm 5/1. Ảnh: Đa chiều

Đinh Tiết Tường (bên trái, thứ nhất) trong cuộc họp phát triển kinh tế khu vực Trường Giang của chủ tịch Tập Cận Bình hôm 5/1. Ảnh: Đa chiều

Trước đó, tại lễ khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc hôm 3/3, Đinh Tiết Tường đã gây được sự chú ý với báo giới khi lần đầu được xếp ngồi ở hàng ghế ngay sau ông Tập.

Chiếc ghế ở phiên họp năm nay của Đinh Tiết Tường chính là vị trí mà năm ngoái Trần Thế Cự đã ngồi.

Trần từng là Chủ nhiệm Văn phòng của Hồ Cầm Đào. Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm 2014, ông này vẫn được xếp là Phó chủ nhiệm thứ nhất Văn phòng Trung ương.

Sau khi Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc, Đinh được đề bạt lên chức phó chủ nhiệm Thường vụ Văn phòng trung ương vào tháng 3/2015.

Theo tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP), phiên khai mạc kết thúc, khi ông Tập rời khỏi chỗ ngồi, tất cả những thành viên trong phiên họp đều chủ động bắt tay Đinh Tiết Tường.

Theo Đa chiều, trong tương lai, Đinh sẽ có ba sự lựa chọn. Một là, ông này sẽ kế nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng trung ương từ tay ông Lật Chiến Thư.

Hai là, giữ chức bí thư Ủy ban chính trị pháp luật hoặc trưởng ban Tổ chức trung ương Trung Quốc. Trước đó, Đinh Tiết Tường từng làm về công tác chính trị pháp luật và tổ chức.

Ba là, ông này sẽ được điều về nắm giữ chức vụ cấp cao ở những khu vực quan trọng như Thượng Hải, Quảng Đông hay Bắc Kinh. Sau đó, trực tiếp được bầu vào Bộ chính trị.

Từ khi Đinh Tiết Tường ngồi ở vị trí Phó chánh Văn phòng trung ương và Lật Chiến Thư lại nắm vai trò chủ chốt về ngoại giao có thể thấy, nhiều khả năng ông Đinh thế chỗ Lật trong Đại hội khóa tới của ĐCSTQ.

"Quân sư" số 1 của Tập Cận Bình

Đặc biệt, có bình luận cho rằng, thành viên thân cận của Tập Cận Bình, ủy viên Ủy ban thường vụ Bộ chính trị, Chánh văn phòng trung ương kiêm chủ nhiệm Ủy ban an ninh quốc gia Lật Chiến Thư sẽ có cơ hội nắm giữ vai trò và quyền lực quan trọng hơn nữa.


Ủy viên Bộ chính trị, Chánh văn phòng trung ương Trung Quốc Lật Chiến Thư. Ảnh: Phượng Hoàng

Ủy viên Bộ chính trị, Chánh văn phòng trung ương Trung Quốc Lật Chiến Thư. Ảnh: Phượng Hoàng

Năm 2015, dư luận đã từng chứng kiến một sự việc hy hữu, đó là ông Lật Chiến Thư với vai trò Chánh văn phòng trung ương Trung Quốc đã một mình “đi sứ” sang Moscow và có cuộc hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đầu năm 2016, ông này hai lần đi xuống địa bàn hai tỉnh Hà Nam, Thiểm Tây để kiểm tra công tác xóa đói giảm nghèo.

Trên lý thuyết, các lịch trình của ông Lật không khác hoạt động của các lãnh đạo cấp cao. "Quân sư" của Tập Cận Bình là người đầu tiên phá vỡ quy tắc này.

Cũng có bình luận cho rằng, ông này tuy không nắm giữ vị trí chuyên trách ngoại giao trong chính phủ nhưng sau khi được ông Tập bổ nhiệm làm chủ nhiệm văn phòng Ủy ban an ninh quốc gia, Lật Chiến Thư đã đóng vai trò quan trọng trong các chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Những "hạt giống" của Đại hội 19

Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Uông Dương cũng là nhân vật rất được dư luận quan tâm.

Uông Dương từng được coi là cốt cán của phái cải cách. Trước Đại hội 18 của ĐCSTQ (2012), ông này nhận được sự ủng hộ rất cao khi được bầu vào Bộ chính trị.

Theo đánh giá của chuyên gia nước ngoài, Uông khi đó chưa được bầu vào "nhóm 7 người quyền lực nhất" của Bộ chính trị có thể là do tuổi tác. Khi đó ông này mới 57 tuổi.

Nếu ông Uông tiếp tục trở thành Ủy viên trung ương tại Đại hội 19 ĐCSTQ, thì ông này được kỳ vọng có thể lọt vào 5 vị trí bỏ trống sau khi các Ủy viên thường vụ đương nhiệm về hưu, và ở trong nhóm lãnh đạo quyền lực nhất trong 3 khóa.

Tuy nhiên, theo Đa Chiều, điều này khó có thể xảy ra bởi Uông Dương không phải là một nhân vật được tiến cử bởi ông Tập Cận Bình hay ông Lý Khắc Cường.

Ngoài Uông Dương, Đinh Tiết Tường hay Lật Chiến Thư, theo trang Bloomberg News, Bí thư tỉnh ủy Quý Châu Trần Mẫn Nhĩ cũng sẽ là một trong những nhân vật tạo được sức hút trước thềm Đại hội 19.


Bí thư tỉnh ủy Quý Châu, Trung Quốc Trần Mẫn Nhĩ. Ảnh: Sohu

Bí thư tỉnh ủy Quý Châu, Trung Quốc Trần Mẫn Nhĩ. Ảnh: Sohu

Tư tưởng chính trị của Trần rất hợp ý với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Có bình luận đánh giá, ông này có hy vọng trở thành nhân vật tiềm năng nằm trong đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm sau kỳ Đại hội 20 vào năm 2022.

Thực ra, theo nhận xét của nhiều nhà phân tích, việc Trần được giới truyền thông quan tâm không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Bởi tại phiên họp báo của đơn vị đại biểu Quý Châu hôm 8/3, trong bài phát biểu kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 – 2020), Trần đã dùng điển tích “rượu Mao Đài” để thể hiện đạo lý “mạnh dạn dám làm, cơ hội mới đến”.

Do đó, không thể loại trừ khả năng ông này sẽ được bầu vào Bộ chính trị Trung Quốc khóa XIX.

Ngoài ra, một số nhân vật tiềm năng được dự đoán sẽ trở thành người đứng đầu của các cơ quan đảng bộ trung ương và địa phương của nước này sau kỳ Đại hội 19.

Trong đó có Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Trung Quốc Phương Tinh Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban phát triển và cải cách nhà nước Hà Lập Phong, Bộ trưởng Bộ công nghiệp và công nghệ thông tin Miêu Vu và Phó chủ nhiệm Ủy ban an toàn và công nghệ mạng Từ Lân.

Nhưng nếu xét từ lý lịch và kinh nghiệm công tác, cơ hội để cho những quan chức trên được bầu vào Bộ chính trị Trung Quốc khóa XIX lại không lớn. Tuy nhiên, việc này cũng không quá ảnh hưởng đến việc họ sẽ nắm giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu lãnh đạo của ông Tập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại