Theo Japan Times, hôm 8/6, giới lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Pháp, Canada và Italy đã ra một tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra tại Bavaria, Đức.
Tuyên bố này nhấn mạnh “phản đối mạnh mẽ” hành động lấp biển và xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn một cách phi pháp tại các khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Đồng thời, G7 kêu gọi các bên tham chiến tại miền đông Ukraine tôn trọng thực thi thỏa thuận ngừng bắn.
“Chúng tôi chú trọng tới tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp trong hòa bình cũng như quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế.
Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc cưỡng ép hay dùng bạo lực và đơn phương thay đổi hiện trạng như xây dựng các hòn đảo nhân tạo quy mô lớn" - Tuyên bố chung có đoạn.
Như vậy, Trung Quốc đã bị chỉ trích "không đích danh" trong tuyên bố chung của G7, đúng như nhiều tờ báo đã dự đoán sau khi phân tích việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết đưa vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự ở hội nghị này.
Trước đó, đài NHK (Nhật Bản) ngày 8/6 đưa tin, tại hội nghị thượng đỉnh G7, lãnh đạo các nước thành viên đều bày tỏ quan ngại đối với việc Bắc Kinh ngoan cố tiếp tục hành động xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
Đặc biệt, theo NHK, G7 đã đưa ra đề nghị chung "mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc lập tức dừng tất cả mọi hành vi xây dựng liên quan".
Đài truyền hình của Nhật Bản cho hay, đề nghị chung này được nêu ra vào tối ngày 7/6 (giờ địa phương).
Khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nêu ra vấn đề, sau đó Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tuyên bố hành động của Trung Quốc chính là "căn nguyên của tình trạng căng thẳng trong khu vực" và kêu gọi quốc tế "không thể khoanh tay đứng nhìn".
Các lãnh đạo G7 khác đã tán đồng quan điểm của ông Abe, với tiền đề quan trọng là tài nguyên biển được sử dụng một cách hòa bình, tự do hàng hải và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương được bảo vệ.
Cũng tại hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Nhật đã bày tỏ hy vọng vấn đề Biển Đông nhận được sự quan tâm đúng mức từ cộng đồng quốc tế. Tại lễ khai mạc tối 7/6, ông cũng nhấn mạnh lại các hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Đề nghị kiềm chế Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhận được sự đồng thuận của các lãnh đạo G7. Ông Abe hy vọng điều này sẽ được đưa vào tuyên bố chung của hội nghị. Ảnh: Cankaoxiaoxi.
Hãng Kyodo News (Nhật Bản) nhận xét, kể từ khi Mỹ-Nhật thắt chặt quan hệ đồng minh quân sự hồi tháng 4, ông Shinzo Abe ngày càng tỏ rõ thái độ muốn chế ngự Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh chỉ trích Trung Quốc làm tăng thêm tình trạng căng thẳng khu vực, ông Abe cũng quan ngại việc nhiều nước G7 tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và nhắc nhở Anh, Pháp, Đức, Italy "bảo đảm Trung Quốc vận hành AIIB công bằng và minh bạch".
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nhật Bản Yasuhisa Kawamura thậm chí còn tuyên bố thẳng thừng tại cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị G7 rằng, trước khi Bắc Kinh xem trọng các vấn đề nợ nần, môi trường hoạt động và quản lý chính phủ thì Tokyo sẽ không gia nhập AIIB.
Theo ông Kawamura, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng vô cùng quan tâm tới việc Trung Quốc đối phó với tệ nạn tham nhũng.
Trước đó, vấn đề phòng thủ đảo đã được Nhật Bản đưa vào khuôn khổ hợp tác phòng thủ Nhật-Mỹ, được đánh giá là động thái đề phòng trước Bắc Kinh. Gần đây, Tokyo tiếp tục đề ra dự luật được cho là "nhằm thẳng vào Trung Quốc".
Tờ Nikkei cho biết, đảng Tự do dân chủ cầm quyền hôm 6/5 đã tổng kết nội dung đề cương về dự luật mới nhằm bảo vệ các đảo có người ở khu vực biên giới.
Nhằm ngăn chặn tình trạng các đảo không có người ở, dự luật yêu cầu chính phủ Nhật quốc hữu hóa các đảo này hoặc cung cấp tài chính hỗ trợ người dân trên đảo.
Theo Nikkei, người Trung Quốc cũng đã bắt đầu tìm cách mua đất ở các đảo ngoài khơi Nhật Bản, vì vậy dự luật này đưa ra nằm đặt quy định tạo thuận lợi cho việc chính phủ Nhật quốc hữu hóa các đảo này.
Dự luật này chỉ ra Nhật Bản cần phải đẩy mạnh xây dựng các cảng vịnh phục vụ hoạt động của Lực lượng phòng vệ ở biển, đồng thời chính phủ Nhật phải tích cực tham gia hoạt động bảo vệ vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của nước này.