Theo RIA Novosti, trong buổi lễ kỷ niệm năm 2010, đã có 28 nhà lãnh đạo thế giới tới dự và trong năm nay, Nga đã gửi lời mời tới 68 quốc gia và tổ chức quốc tế.
Chánh văn phòng điện Kremlin Sergei Ivanov cho biết tới nay, ít nhất đại diện từ 25 quốc gia đã nhận lời tham gia. Theo dự kiến, danh sách toàn bộ các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm sẽ được công bố vào cuối tháng này.
Còn theo giới truyền thông Nga, lễ kỷ niệm trọng đại ở Quảng Trường Đỏ sẽ có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo đến từ châu Á, Trung Đông, các thành viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải SCO, khối BRICS, Trung Quốc, Nam Phi và một số nước trong liên minh châu Âu.
Hai trong số những vị khách danh dự được chú ý nhiều nhất trong sự kiện ngày 9/5 tới tại Moscow là nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân Chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sự xuất hiện của hai nhà lãnh đạo này cho thấy mối quan hệ của Nga với khu vực Đông Bắc Á đang ấm dần lên sau khi phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt với Moscow liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia mà phần lớn ở châu Âu đã từ chối không đến Nga trong dịp lễ này bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Bulgaria, Ba Lan, Phần Lan, Israel, Lithuania, Latvia và Estonia.
Song, điện Kremlin cũng đã lường trước được việc phương Tây sẽ tẩy chay buổi lễ kỷ niệm này bằng việc cáo bận và đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Trong cuộc đối thoại trên truyền hình hôm 16/4, khi được hỏi liệu nước Nga có cảm thấy bị xúc phạm khi nhiều lãnh đạo từ chối đến dự lễ kỷ niệm, Tổng thống Putin khẳng định: "Ai không muốn đến thì cứ để họ làm theo ý mình.
Đây là sự lựa chọn cá nhân của các nhà lãnh đạo, đồng thời là quyết định của cả đất nước mà họ đại diện. Một số người không sẵn lòng tới còn một số người muốn đi nhưng bị Washington ngăn cấm, nói rằng họ không nên tới Nga".
Trong đó, Ukraine là quốc gia có những hành động và tuyên bố tẩy chay mạnh mẽ nhất trước buổi lễ kỷ niệm tại Nga vào tháng Năm tới.
Thậm chí, "tuyệt giao" với truyền thống bao đời nay gắn liền với Liên Xô và Nga, chính phủ đã yêu cầu người dân nước này đeo hoa anh túc, một biểu tượng thời chiến của Anh, thay vì ruy băng để kỷ niệm 70 năm ngày giành chiến thắng Phát xít Đức.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk còn nhấn mạnh miêu tả hoa anh túc là "biểu tượng chiến thắng của Châu Âu".
Bước đi này cho thấy chính phủ Kiev đang nỗ lực đưa Ukraine hội nhập vào châu Âu sau cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych hồi tháng Hai năm ngoái.
Đáng nói, dù một số nước đã lên tiếng từ chối không tới dự buổi lễ kỷ niệm Chiến thắng Phát xít Đức tại Moscow vào đúng ngày 9/5 nhưng vẫn tham gia các sự kiện bên lề sự kiện này. Đây là cách xử lý khá khôn ngoan để vừa không mất lòng Mỹ và Nga.
Điển hình, Thủ tướng Đức Merkel ra tuyên bố không đến Moscow vào ngày 9/5 tới nhưng hôm 10/5, bà sẽ cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt vòng hoa tại khu mộ liệt sĩ vô danh.
Hôm 11/3, tờ DW dẫn lời phát ngôn viên của văn phòng Thủ tướng Đức Steffen Seibert cho hay "xem xét những hành động của Nga tại Crimea và đông Ukraine trong hơn một năm vừa qua, việc bà Merkel tới dự buối duyệt binh ngày 9/5 là không phù hợp".
Việc bà Merkel tránh tới dự ngày kỷ niệm Chiến thắng Phát xít Đức cho thấy nhà lãnh đạo Đức đang chịu sức ép mạnh mẽ tẩy chay Moscow từ Mỹ và các đồng minh trong Liên minh Châu Âu (EU). Nhưng để tránh làm tổn thương "người bạn thân" Nga, Đức đã có cách xử lý khéo léo.
Bởi lâu nay, Nga và Đức đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở châu Âu.
Xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử và địa lý, đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người đã giải phóng họ, cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo.
Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít. Ngoài ra, hai nước còn là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.
Trong khi đó, dù đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ với Nga, nhưng Nhật Bản cũng không muốn phải hy sinh mối quan hệ hợp tác kinh tế với Moscow.
Theo đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từ chối tham gia lễ kỷ niệm vào ngày 9/5 tới song lại cử một phái viên đến Nga để mời nhà lãnh đạo Putin tới thăm đất nước mặt trời mọc vào cuối năm nay.
Theo hãng tin Kyodo News, trong hoàn cảnh hiện nay, Tokyo "không có sự lựa chọn nào khác, phải bỏ lỡ sự kiện này".
Hủy bỏ chuyến đi đến Moscow, Thủ tướng Abe muốn khẳng định tầm quan trọng của người bạn Mỹ, nơi ông sẽ có chuyến thăm chính thức vào tuần tới.
Cũng theo Kyodo News, thay vì không đến Moscow, Thủ tướng Abe sẽ gửi một phái viên đến Moscow để mời nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tới thăm Nhật Bản vào cuối năm nay.
Ngoài ra, Tokyo sẽ cố gắng tổ chức một chuyến thăm của ông Abe tới Nga để giảm thiểu hậu quả của việc ông Abe từ chối tham gia lễ kỷ niệm tại Moscow vào tháng Năm tới.
Quyết định không tới Moscow vào tháng Năm tới của ông Abe cũng xuất phát từ việc Nhật Bản là một trong những quốc gia ủng hộ Mỹ và châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt Nga trước cáo buộc Moscow liên quan tới cuộc chiến tại miền đông Ukraine.
Tương tự như Nhật Bản, một đồng minh quân sự thân thiết khác của Mỹ ở châu Á là Hàn Quốc cũng đã từ chối tới Moscow vào tháng Năm.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc hôm 13/4 cho biết, Tổng thống Park Geun-hye sẽ không đến dự sự kiên trên.
Thay vào đó, một quan chức đảng Saenuri cầm quyền thuộc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đồng thời là trợ lý thân cận của bà Park, sẽ tham dự sự kiện với tư cách là phái viên của Tổng thống Hàn Quốc.
Trước đó, cựu đại sứ Nga tại Hàn Quốc, ông Konstantin Vnukov từng nhận định không như Nhật Bản, Hàn Quốc đã từ chối áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga bất chấp những áp lực từ bên ngoài.
Gần đây nhất, hôm 18/4, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ra thông báo về việc không thể tham dự buổi lễ kỷ niệm Đại thắng Phát xít tại Moscow vào ngày 9/5 tới với lý do ông sẽ tham dự lễ diễu hành tại Minsk.
Thay vào đó, ông Lukashenko sẽ tham dự các sự kiện kỷ niệm và đặt vòng hoa tại khu mộ liệt sĩ vô danh ở Moscow trong hai ngày từ 7 – 8/5.
Trong một tuyên bố ẩn ý ủng hộ Nga, ông Lukashenko nói: "Tôi không ủng hộ việc các chính trị gia từng hứa hẹn tới Moscow nhưng sau đó lại từ chối, trừ khi bận chuyện quốc gia".
Còn hiện nay, truyền thông thế giới đang đặc biệt quan tâm tới sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Moscow vào tháng Năm tới.
Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi giữ cương vị người đứng đầu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vào cuối năm 2011.
Hãng thông tấn quốc gia TASS cho biết, cùng với việc tham dự lễ kỷ niệm, hai nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên và Nga cũng sẽ có cuộc đối thoại song phương nhân dịp này.
Trước đó, thông tin về việc ông Kim Jong-un sang Nga dự kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Phát xít đã được hé lộ từ cuối tháng 12 năm ngoái trên truyền thông quốc gia Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hàng loạt khí tài quân sự mới của Nga sẽ được giới thiệu trong ngày kỷ niệm Chiến thắng Phát xít Đức.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, những trang thiết bị quân sự mới được Nga giới thiệu sẽ đánh dấu bước phát triển lớn của Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Do đó, sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil mới là mối quan tâm hàng đầu của Nga.
Bởi trong ngày lễ kỷ niệm sắp tới, các màn thị uy hoành tráng sẽ giúp Nga khoe khéo giàn vũ khí khủng mà nước này đang sở hữu và là một chiêu quảng bá đối với các thị trường tiềm năng. Còn các nước trong khối NATO vốn không phải bạn hàng mua vũ khí của Nga.