Kyodo News (Nhật Bản) hôm 24/8 cho biết, Nhật Bản đang hỗ trợ các quốc gia ở Đông Nam Á bằng các phương tiện, thiết bị phục vụ an ninh trên biển, trong nỗ lực của Tokyo nhằm chặn đứng sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.
Ngoài ra, các phương án được Nhật Bản áp dụng chủ yếu hiện nay là thông qua các diễn đàn đa phương để khẳng định tầm quan trọng của việc hành động theo luật pháp quốc tế; khởi động "cuộc chiến pháp luật" dựa trên cơ sở luật quốc tế.
Tokyo cũng thường xuyên phối hợp với Mỹ và các quốc gia liên quan trong khu vực tổ chức tập trận chung nhằm thị uy và gây ức ép về quân sự đối với Bắc Kinh.
Hiện tại, Nhật vẫn tiếp tục nỗ lực thực hiện các phương châm của mình. Hồi tháng 7 năm nay, Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ và Australia.
Mặt khác, trong khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa thường trực quốc tế (PCA) với cáo buộc "đường biên giới Trung Quốc vạch ra ở biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế", thì Tokyo cũng thông qua các cơ quan tư pháp quốc tế để củng cố quan hệ hợp tác với Manila.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực từ quốc tế, kết quả điều tra của Lầu Năm Góc cho thấy, tính đến tháng 6/2015, Trung Quốc đã san lấp và xây đảo nhân tạo (trái phép-PV) trên diện tích 11.7 km2 ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Kyodo News khẳng định, dã tâm của Trung Quốc xây dựng các cứ điểm quân sự trên biển Đông không hề thay đổi.
Bắc Kinh một mặt gây áp lực đối với các nước Đông Nam Á mâu thuẫn với mình, mặt khác lợi dụng quân bài "nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu", dùng các đòn tấn công kinh tế hòng chia tách cộng đồng ASEAN.
Tokyo đã lên tiếng tỏ ra quan ngại về động thái này: "Nếu ASEAN không đoàn kết như một thể thống nhất thì chính sách của khối này đối với Nhật Bản cũng có thể bị ảnh hưởng."
Bên cạnh những nỗ lực hiện tại, chính phủ Nhật vẫn coi dự luật an ninh mới là phương án tốt nhất để kiềm chế Trung Quốc bành trướng ở biển Đông.
Theo Kyodo, hiện Trung Quốc và Nhật Bản vẫn trong quá trình thỏa thuận để tổ chức cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa lãnh đạo song phương, nhưng lộ trình này đang gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được cho là sẽ kiên định giữ thái độ "các hành vi không dựa trên tiêu chuẩn luật pháp quốc tế (của Trung Quốc) sẽ không được xã hội quốc tế công nhận", trong khi khả năng Bắc Kinh chịu để ý kiến này xuất hiện trong hội đàm là rất nhỏ.
Trong bối cảnh các chính sách gìn giữ hòa bình của Nhật ở biển Đông chưa thực sự phát huy tác dụng thì dự luật an ninh của Nội các Thủ tướng Abe đang trải qua vòng thẩm định ở Thượng viện được xem là "cứu cánh" của Tokyo.
Tài liệu gửi Thượng viện Nhật hồi trung tuần tháng 8 cho thấy, chính phủ nước này đang nghiên cứu phương án huy động quân đội tiến hành nhiệm vụ tuần tra, giám sát ở biển Đông.
Động thái này của Nội các Nhật Bản được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như một dấu hiệu cho thấy "Tokyo bắt đầu chứng tỏ là một thế lực mạnh có thể kiềm chế Trung Quốc".
Kyodo dẫn lời một quan chức Bộ ngoại giao Nhật giải thích cho dự luật an ninh mới rằng: "Kết hợp nhiều đối sách đã cho thấy, ngoại trừ 'phong tỏa' Trung Quốc thì không còn biện pháp khác. Việc tiếp tục thúc đẩy dự luật an ninh là hết sức quan trọng."