Nhật đáp trả Trung Quốc: 'Đừng mơ' nhượng bộ ở Senkaku/Điếu Ngư

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Tuyên bố này được xem là phản ứng đáp trả những phát biểu gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đòi Tokyo thừa nhận có tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 27/9, phát biểu trong cuộc họp báo sau kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở Mỹ, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói rằng ông sẵn đối thoại với Trung Quốc về các hòn đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và rằng ông không muốn bất đồng này ảnh hưởng tới mối quan hệ rộng lớn hơn giữa hai nước.

Tuy nhiên, là người theo trường phái bảo thủ và luôn muốn tăng cường sức mạnh quân sự cho Nhật Bản, ông Abe cũng thẳng thắn chỉ rõ: Đối với Nhật Bản, câu hỏi ai là người sở hữu các hòn đảo trên Biển Hoa Đông không phải là điều có thể thương lượng.

“Senkaku là một phần lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản dựa trên những sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế, các đảo đó thuộc quyền kiểm soát hợp lệ của Nhật Bản”, ông Abe nhấn mạnh.

“Tuy nhiên, thật đáng tiếc, các tàu của chính phủ Trung Quốc vẫn liên tục xâm phạm vùng lãnh hải của chúng tôi”.

Thủ tướng Abe cho biết, “Nhật Bản sẽ không nhượng bộ về chủ quyền lãnh thổ” những cũng nói rằng Tokyo “không có ý định làm leo thang vấn đề thêm nữa”.

 	Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Trung Quốc liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Trung Quốc liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Tuyên bố của ông Abe dường như là phản ứng đáp trả những phát biểu gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Tuần trước, tại Viện Brookings ở Washington, ông Vương nói rằng Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình nhưng yêu cầu trước tiên Nhật Bản phải thừa nhận quyền sở hữu các hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư là vấn đề còn đang tranh chấp.

Từ nhiều thập kỷ qua, quyền quản lý các hòn đảo không có người ở trên biển Hoa Đông thuộc về Nhật Bản nhưng Trung Quốc xem những tuyên bố chủ quyền của Nhật như một sự khơi dậy chủ nghĩa quân phiệt cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Nhật Bản phản bác lại rằng Trung Quốc đã không quan tâm đến các đảo này cho tới tận những thập niên gần đây sau khi có các báo cáo cho thấy dưới đáy biển có thể chứa trữ lượng lớn dầu và khí đốt.

Các quan chức Nhật Bản ngày càng tỏ ra quan ngại về những hành động quả quyết của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền đối với các đảo. Trong suốt nhiều tháng liền, các tàu tuần tra của hai nước đã chơi trò “mèo vờn chuột” tại đây. Vài tuần trước, ít nhất 7 tàu tuần tra của Trung Quốc đã đi vào vùng biển xung quanh các hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư và Nhật Bản phải điều máy bay chiến đấu xua đuổi một máy bay không người lái xuất hiện trong khu vực mà Tokyo cho rằng nó được phái đi bởi Trung Quốc .

Khi lên nắm quyền vào tháng 12/2012, Thủ tướng Abe từng tuyên bố ông có thể đưa quan chức chính phủ ra các hòn đảo, một hành động có thể làm leo thang hơn nữa cuộc đối đầu với Trung Quốc. Dù ông Abe không nhắc lại khả năng này trong phát biểu hôm thứ Sáu nhưng cách đây vài tuần, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đã nói với các phóng viên tại Nhật Bản rằng đó là một trong những lựa chọn đang được xem xét.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại