Nhân tố có thể xoay chuyển cục diện đối đầu Mỹ-Trung Quốc

Hải Võ |

Tạp chí The Week (Mỹ) mới đây đã đăng tải bài phân tích chỉ ra một hướng đi mà Washington và Bắc Kinh cần thực hiện nếu không muốn mâu thuẫn leo thang thành xung đột.

Truyền thông Mỹ đánh giá, mâu thuẫn hiện nay giữa siêu cường số 1 thế giới và Trung Quốc - quốc gia không ngừng trỗi dậy - khó có thể dung hòa được và va chạm là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Bài viết của tác giả Noah Millman đăng trên The Week hôm 12/11 nhận định, biện pháp tốt nhất để Mỹ-Trung tránh được chiến tranh chính là thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Theo đó, các siêu cường thường sẽ áp đặt các biện pháp kiềm chế sự đi lên của thế lực mới nổi, khiến cho sự va chạm giữa các thế lực cũ-mới trở thành xu thế tất yếu.

Quan điểm này giống với cách mà Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Belfer về khoa học và các vấn đề quốc tế thuộc Trường Kennedy của ĐH Harvard, đánh giá tình trạng đối đầu Mỹ-Trung như một "cái bẫy Thucydides".

Nhà báo Millan lấy ví dụ, việc Mỹ tăng cường hợp tác quan hệ với đồng minh Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác sẽ bị Bắc Kinh cáo buộc là "chiến lược bao vây Trung Quốc" và đưa ra hành động trả đũa.

Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nâng khái niệm "quan hệ nước lớn kiểu mới" lên thành trọng tâm chính sách ngoại giao của ông đối với Mỹ.

Ông Tập khi đó nói rằng đã đến lúc giải phóng quan hệ Mỹ-Trung khỏi "tư duy Chiến tranh Lạnh" và đối đầu chính trị kiểu Zero-sum (thuật ngữ chỉ bên thu được lợi ích thì bên kia sẽ bị thiệt hại tương đương và ngược lại).

Trong khi những tranh cãi nổ ra xoay quanh định nghĩa "lợi ích cốt lõi" của Mỹ và Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn tỏ ra hoan nghênh đề xuất này.

Tuy nhiên, khái niệm của ông Tập nhanh chóng bị nhấn chìm trong các cuộc nghị sự ở Mỹ rằng chính phủ "đã để thủng lưới trước Trung Quốc về chiến lược và đạo đức".

Cụm từ này sau đó đã "mất tích" trong các tuyên bố hay văn kiện của Washington.

(Theo Trung tâm Belfer)

"Trên thực tế, cơ hội tốt nhất để Trung Quốc và Mỹ tránh được chiến tranh nằm ở bán đảo Triều Tiên," Millan viết.

"Không thể loại trừ khả năng chiến tranh sẽ bùng nổ ở CHDCND Triều Tiên và ảnh hưởng đến vị thế cầm quyền của gia tộc họ Kim.

Như vậy, với sứ mệnh chủ nghĩa nhân đạo và gìn giữ an ninh, quân đội Mỹ sẽ phải can thiệp vào bán đảo Triều Tiên.

Cũng không loại trừ một Tổng thống Mỹ trong tương lai sẽ khởi động hành động quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng, giống như những gì Mỹ từng làm với Iraq hay trước đây là chiến tranh Triều Tiên," Noah Millan phân tích.

Trong bối cảnh hiện tại, Washington cho rằng nếu quân đội Mỹ can thiệp vào tình hình bán đảo Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ duy trì vị trí trung lập.

Điều này được lý giải rằng Bắc Kinh sẽ khó chấp nhận rủi ro và cái giá phải trả nếu tham chiến, trong khi nếu đối đầu đến cùng, Trung Quốc không thể ngăn cản được Mỹ.

Dù vậy, một cuộc xung đột như vậy, dù chỉ là nguy cơ tiềm ẩn, vẫn trở thành mối đe dọa vô cùng lớn đối với Trung Quốc và thậm chí khiến Bắc Kinh "manh động" hơn trong những hành động nhằm "đuổi" Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương.


Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Đàm phán Mỹ-Trung về bán đảo Triều Tiên?

"Thời điểm để xoa dịu nguy cơ tiềm ẩn trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc chính là lúc này, trước khi một cuộc khủng hoảng bùng phát," ông Millan phân tích.

Ông đặt giả thiết Mỹ-Trung triển khai các cuộc hội đàm song phương bí mật về tương lai của bán đảo Triều Tiên.

Sự bí mật cả một cuộc đàm phán như vậy được nhấn mạnh để tránh phản ứng tiêu cực từ Triều Tiên và Hàn Quốc khi những "người trong cuộc" này bị "bỏ rơi".

Noah Millan cho rằng, nếu bán đảo này đi đến thống nhất, các bên cần cam kết rõ ràng rằng Mỹ chấp nhận một bán đảo không hạt nhân và không có căn cứ quân sự Mỹ, trong khi Trung Quốc phải thừa nhận bán đảo Triều Tiên hòa bình và thống nhất "không phải là cơ sở để Mỹ bao vây Trung Quốc".

Nhà báo này cũng nhắc lại việc Mỹ can thiệp vào một số quốc gia Liên Xô cũ trong quá khứ sau khi Liên bang này tan rã là một lịch sử khiến Bắc Kinh không tin tưởng Washington.

Tuy vậy, việc triển khai đối thoại về tình hình Triều Tiên trong thời điểm này được cho là phù hợp bởi bán đảo này đang trong giai đoạn tương đối ổn định, cho phép Mỹ-Trung đạt được một số nhận thức chung.

Ngoại trưởng Hàn Quốc
Yun Byung-se
Quan hệ Mỹ-Trung sẽ có tầm ảnh hưởng đặc biệt quan trọng, bao gồm tất cả các yếu tố cạnh tranh và hợp tác và Hàn Quốc cần phải thoát khỏi những thành kiến hay tư tưởng Zero-sum.

Thêm vào đó, việc Thỏa thuận hạt nhân Iran được thông qua đã chứng minh Washington vẫn có thể đạt được các thỏa thuận ngoại giao bất chấp sức cản lớn từ trong nước.

Việc Trung Quốc tham dự đàm phán thỏa thuận hạt nhân này cũng nhằm tạo ra tiền lệ để 2 nước tiến hành đàm phán về các vấn đề hạt nhân quốc tế khác.

Theo Noah Millan: "Trong trường hợp tốt nhất, những cuộc đối thoại như thế sẽ giúp giải quyết những khúc mắc lớn trong chính sách ngoại giao.

Nhưng dù là tệ nhất thì các nhà hoạch định chính sách cấp cao nhất của song phương cũng có được cơ hội để hiểu rõ và đúng hơn về lợi ích cốt lõi của đối phương."

Tác giả kết luận: "Nếu chúng ta không thể đi đến kết quả mang tính xây dựng và thực tế trong một diễn đàn như vậy thì tình hình sẽ còn ra sao khi những lợi ích song phương phân cực sâu sắc hơn?"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại