Nhà sử học Pháp: Vĩnh biệt "đồng chí Văn" bằng Bình Ngô đại cáo

Phương Thu |

(Soha.vn) - Nếu để nói vắn tắt một câu về cuộc đời và nhân cách của Võ Nguyên Giáp, thì người ta có thể nói rằng: con người này không thích dùng ngôi "tôi ".

Alain Ruscio, nhà sử học, giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu về Việt Nam đã có một bài viết đầy xúc động khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông để tưởng nhớ một người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

"Nếu để nói vắn tắt một câu về cuộc đời và nhân cách của Võ Nguyên Giáp, thì người ta có thể nói rằng: con người này không thích dùng ngôi "tôi ". Thậm chí, ông đã cười rất nhiều khi đọc những gì các nhà quan sát phương tây miêu tả ông rằng đây là "Người chiến thắng Điện Biên Phủ", là "Kẻ thù nguy hiểm nhất của người Pháp và người Mỹ”.

Giống như bao người Việt Nam và bao người cộng sản, ông Giáp không bao giờ đề cao vai trò cá nhân trong các sự kiện. Đó không phải là một sự khiêm tốn giả tạo khi ông nói rằng "chính số đông" là người "làm nên lịch sử", mà là ông tin vào những gì ông nói. Phải chăng ông không phải là "cha đẻ của quân đội nhân dân Việt Nam"?, ông không phải là "người chiến thắng Điện Biên Phủ"?, ông không phải là " nhà chiến lược của cuộc chiến tranh chống Mỹ? Hiển nhiên như vậy rồi, nhưng dường như vẫn còn một điều gì đó….

Nắm vững chủ nghĩa Mác, Tướng Giáp lẽ ra đã phải công nhận rằng những thay đổi lớn trong lịch sử thế giới chính là nhờ sự kết hợp giữa “khách quan “ và “khả năng nắm bắt tình huống của những bậc anh tài’. Nhưng, như tôi đã nói, sự khiêm tốn của ông và “tư tưởng Hồ Chí Minh" trong ông đã không cho phép ông công nhận điều đó.

	Sử gia Alain Ruscio trong một cuộc trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sử gia Alain Ruscio trong một cuộc trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tôi đã có vinh dự được gặp ông mười, hai mươi, ba mươi lần trong suốt ba thập kỷ qua và tôi dám nói rằng tôi đã trở thành người thân thiết với ông. Lần đầu tiên là vào tháng 3 năm 1979 tại Hà Nội.

Lúc đó, Việt Nam đang trải qua một trong những giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử của mình. Nền kinh tế sa sút, các quan hệ quốc tế trở nên xấu đi (sự phong tỏa của Mỹ, sự thù địch dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc và Khmer Đỏ), nuớc Pháp dưới thời Giscard d’Estaing chỉ trích mạnh mẽ thuộc địa cũ của mình, Việt Nam rơi vào thế đối đầu mà họ luôn muốn tránh với Liên Xô và khối Comecon – lúc đó, đang suy yếu và bắt đầu những thập kỷ tồn tại cuối cùng của họ. Và con người này, người chưa bao giờ hoài nghi, không hoài nghi, đã chuyển tải đi sự tự tin của bản thân mình.

Võ Nguyên Giáp, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, đã cống hiến một thế kỷ cuộc đời mình vì hai lý tưởng: độc lập cho nhân dân của ông và chủ nghĩa cộng sản. Cố để tách biệt làm hai giữa một người con yêu nước và một "Đồng chí Văn" (tên của ông trong kháng chiến), như đôi khi người ta vẫn làm như vậy ở phương Tây, dường như là không có kết quả.

Sinh ra ở miền Trung, gần vĩ tuyến 17 nơi đã chia cắt đất nước của ông trong một thời gian rất dài và là mảnh đất có truyền thống đấu tranh, từ rất sớm ông đã tham gia các phong trào cách mạng. Năm 15 tuổi, ông đã bị trục xuất khỏi trưòng học Huế khi tham gia vào một cuộc biểu tình. Khoảng thời gian này, ông đã được tiếp xúc với Tân Việt, một tổ chức Đảng với tư tưởng tiến bộ xã hội chủ nghĩa. Và từ đó, trong ông những hạt mầm cộng sản dần dần được hình thành. Có thể cho rằng, từ năm 1930 và từ sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương, hai nhân vật chính của một cuộc đấu tranh lớn đã xuất hiện.

Người thanh niên Võ Nguyên Giáp đã được nghe từ khi còn trẻ về một Nguyễn Ái Quốc, chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, người đã rời Việt Nam và đấu tranh rất có hiệu quả trong Quốc tế thứ 3(Quốc tế cộng sản). Trong nước, danh tiếng của người yêu nước này cũng rất lẫy lừng. Và thật tự nhiên, qua một nhà hoạt động trẻ, Phạm Văn Đồng, ông đã gặp gỡ Nguyễn Ái Quốc. Vào năm 1940, chiến tranh lan rộng ra toàn cầu. Chính họ đã tập hợp được quần chúng và thành lập phong trào “Việt Minh” (1941) , tuyên bố độc lập của đất nước (1945), và cuối cùng bắt đầu một cuộc chiến kéo dài 30 năm chống lại những kẻ xâm lược nước ngoài, thực dân (Pháp) và đế quốc (Mỹ) .

Trong suốt cuộc đời mình, Võ Nguyên Giáp đã không có nhiều cơ hội để nghỉ ngơi, đã không mất thời gian để đo quãng đường ông đã đi qua. Đó là một quãng đường đấu tranh gian khổ vì sự chênh lệch quá lớn giữa một bên là những du kích không được trang bị và chưa qua đào tạo và bên kia là thực dân Pháp quyết tâm duy trì bằng mọi giá ách đô hộ của mình! Và sau đó là chống Mỹ, cuộc đấu tranh giữa "một dân tộc nhỏ bé" và các hạm đội đáng gờm, với quân sự tiên tiến đã trút xuống trong suốt một thập kỷ hàng triệu tấn bom chùm, bom napalm và dioxin!

Nhưng, Việt Nam đã chiến thắng, cho dù chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời vào năm 1969, và không thể thấy ngày này. 30 tháng 4 năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đập tan những mảnh cuối cùng của tòa nhà được xây bằng đá bởi các cường quốc phương Tây trong suốt 120 qua. "Trong cuộc đời của một dân tộc, Võ Nguyên Giáp đã nói với tôi, đôi khi có những giấc mơ, những giấc mơ đẹp đến nỗi mà người ta có thể tin rằng nó sẽ thành hiện thực. Và tại thời điểm này, chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ hằng ấp ủ: đó là thấy đất nước thống nhất và tự do. Đất nước độc lập, hòa bình và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi chưa bao giờ xúc động như giây phút này. Tất cả chúng tôi rất xúc động, bởi vì chúng tôi đang nghĩ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh của mình".

Vĩnh biệt đồng chí Văn. Nghĩ đến ông, chúng tôi nghĩ tới những câu bất hủ trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi:

"Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại