Sau hàng giờ bàn luận, 1 giờ sáng 12-2 tại Munich (Đức), các nước thuộc Nhóm hành động vì Syria thống nhất sẽ ngay lập tức mở đường cho cứu trợ nhân đạo vào các khu vực bị phong tỏa và thực thi ngừng bắn ở Syria trong vòng một tuần nữa.
Đây là một tin tốt, nhưng thật sự không đáng lạc quan, trang tin Vox (Mỹ) nhận định.
Bản thân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi thông báo thỏa thuận ngừng bắn này đã phải thừa nhận thỏa thuận này chỉ có thể thực hiện được một khi các bên đều có thiện chí, trách nhiệm, và quyết tâm. Nhưng xem ra điều này rất khó nếu không muốn nói là không tưởng.
Khả năng Nga tuân thủ thỏa thuận khá mong manh khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dù cho biết sẽ ngưng không kích phe nổi dậy Syria trong vòng một tuần kể từ ngày 12-2 nhưng sẽ không ngưng không kích các tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra (chi nhánh Al-Qaeda ở Syria).
Và dù cho Nga có tuân thủ triệt để, ngưng không kích hoàn toàn thì cũng không có gì đảm bảo phe chính phủ Syria sẽ tuân theo thỏa thuận.
Thậm chí nếu cả chính phủ Syria và Nga tuân thủ thì thỏa thuận vẫn có khả năng bị các nhóm dân quân người Shia ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad không xem ra gì.
Đó là chưa nói về phía phe nổi dậy. Phần lớn nội bộ phe nổi dậy hoạt động có tổ chức và có trách nhiệm tuân thủ kết quả thương lượng quốc tế nhưng vẫn còn đó hàng chục nhóm quân nổi dậy hoạt động riêng rẽ. Khả năng các nhóm này vi phạm thỏa thuận ngừng bắn rất cao.
Bên cạnh đó, có thể hình dung cuộc nội chiến Syria là sân khấu của rất nhiều diễn viên trong và ngoài Syria. Khả năng các nước ngoài Syria tôn trọng hoàn toàn thỏa thuận ngừng bắn rất thấp. Khả năng thỏa thuận này bị nhanh chóng vi phạm, thậm chí bị vi phạm ngay khi chưa bắt đầu rất cao.
Chỉ cần một nước có hành vi vi phạm thỏa thuận thì Syria rất nhanh chóng lại rơi vào tình trạng chiến tranh và cuộc hòa đàm giữa chính phủ và phe nổi dậy Syria còn lâu mới được khôi phục.
Mà nhìn chung dù thỏa thuận ngừng bắn này có được tất cả các bên thực thi trọn vẹn đi chăng nữa thì bạo lực vẫn sẽ diễn ra ở Syria, vì thỏa thuận không áp dụng với các tổ chức khủng bố IS, Jabhat al-Nusra.
Ý tưởng, mong muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình cho Syria từ thỏa thuận ngừng bắn này rất xa vời.
Các bên ở Syria hiện thậm chí không thể đối mặt trực tiếp với nhau, các nước trong và ngoài khu vực như Iran, Saudi Arabia… cố gắng khai thác cuộc nội chiến Syria để mở rộng ảnh hưởng. Một thỏa thuận ngừng bắn không thể giải quyết được những điều này.