Ngón tay thối hâm nóng bầu cử Đức

Cuộc đua chính trị ở Đức tăng nhiệt sau khi Peer Steinbruck, ứng viên tham vọng lật đổ Thủ tướng Angela Merkel, giơ ngón tay thối trên bìa một tạp chí để trả đòn “bà đầm thép”.

 	Ảnh ông Peer Steinbruck giơ ngón tay thối trên bìa tạp chí Süddeutsche Zeitung.

Ảnh ông Peer Steinbruck giơ ngón tay thối trên bìa tạp chí Süddeutsche Zeitung.

Các cử tri Đức không khỏi ngạc nhiên khi thấy hình ứng viên Đảng Dân chủ xã hội Steinbruck trên trang bìa tạp chí Süddeutsche Zeitung với gương mặt đầy thách thức, giễu cợt và giơ ngón tay thối.

Bức ảnh được tung ra sau khi hiệu ứng từ cuộc tranh luận trực tiếp của ông Steinbruck và bà Angela Merkel có phần lắng dịu khiến ứng viên Đảng Dân chủ xã hội rơi lại đằng sau. Trong khi đó ngày bầu cử 22-9 đã cận kề.

Cuộc chiến trang bìa

Tờ tạp chí cho biết hình ảnh đăng tải là cách trả lời của ông Steinbruck khi được hỏi về các biệt danh gán cho ông gần đây như Peerlusconi, nhại theo tên chính trị gia lắm chiêu Silvio Berlusconi của Ý. Đó là một trong chuỗi bảy bức ảnh đầy biểu cảm của ứng viên này.

Bức ảnh được chụp ngày 29-7 và các trợ lý của ông Steinbruck sau đó đã ra sức ngăn cản việc xuất bản nó. Tuy nhiên từ tối 12-9 tờ tạp chí đã bắt đầu tung hình lên mạng giới thiệu tấm ảnh gây sốc của tờ báo bán ngày hôm sau. Ông Steinbruck có vẻ đã biết tình hình nên lên Twitter giải thích rằng bức ảnh phản ánh đúng tinh thần “nói chuyện thẳng thắn” của chiến dịch tranh cử của ông.

“Bà đầm thép” Merkel sẽ không chụp những tấm hình kiểu như vậy. Ngược lại, trên tờ tạp chí The Economist, bà Merkel được mô tả là nhà lãnh đạo của cả châu Âu. “Người phụ nữ thống trị tất cả” - tờ tạp chí tung hô và đặt ảnh uy nghi của nữ thủ tướng Đức lên một cái bệ với ảnh nền là các biểu tượng tháp Eiffel (Pháp), Big Ben (Anh) và Pisa (Ý) nghiêng ngả, xiêu vẹo. Tờ Der Spiegel cũng đăng lên trang bìa của mình ảnh bà Merkel ngồi trên ngai vàng.

Trước khi xuất hiện hình ảnh gây tranh cãi của ông Steinbruck, vốn là bộ trưởng tài chính của chính quyền bà Merkel giai đoạn 2005-2009, cuộc thăm dò bầu cử mới nhất cho thấy ứng viên này đang hít khói của bà Merkel nhưng vẫn đeo bám quyết liệt.

Táo bạo hay phản cảm

Động thái của ông Steinbruck quả thật đã hâm nóng không khí bầu cử ở Đức nhưng nó cũng dấy lên tranh cãi về cách hành xử đúng mực mà một chính trị gia cần có.

Bộ trưởng kinh tế Philipp Rösler, Bộ trưởng y tế Daniel Bahr ngay sau đó lên tiếng chỉ trích hành động của ứng viên Đảng Dân chủ xã hội là không có “phong thái của một thủ tướng” và “không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, tờ Süddeutsche Zeitung cũng thừa nhận ông Steinbruck đã có cử chỉ phản cảm nơi công cộng, một hành vi có thể bị phạt 600-4.000 euro. Ông Steinbruck sau đó giải thích rằng không có ý xúc phạm ai và dù ông cho phép đăng tấm ảnh, ông cũng không ngờ nó được giật lên trang bìa tờ tạp chí.

Các tờ báo cũng không bỏ qua vụ lùm xùm này. Tờ Times nhận định ngón tay thối của ông Steinbruck đã đóng thêm một chiếc đinh nữa vào quan tài chính trị của mình và chính ông sẽ lãnh đủ hậu quả.

Tuy nhiên tờ Wall Street Journal cho rằng đây là hành động “chân thực” nhất trong cuộc vận động bầu cử, cho thấy “mong muốn đón nhận sự mạo hiểm và sự cởi mở của cựu bộ trưởng tài chính”. Trong khi đó, tờ Welt cho biết hình ảnh ông Steinbruck sẽ dính liền với những bê bối và ngớ ngẩn của chiến dịch tranh cử.

Trên mạng xã hội, các ý kiến vẫn chia rẽ về ủng hộ lối bày tỏ cảm xúc của ông Steinbruck. Một khảo sát của trang Spiegel Online trên 17.000 độc giả cho thấy một nửa phản đối trong khi nửa còn lại ủng hộ ông Steinbruck. “Không thể nào tưởng tượng được” - một người dùng Twitter nói trong khi ý kiến khác cho rằng “ngón tay giữa của ông Steinbruck còn tốt gấp 10 lần nắm tay của bà Merkel”.

Dù vậy, những ý kiến trung lập khuyên các chính trị gia và truyền thông tốt hơn hết là nên quay lại các vấn đề chính của nước Đức và thế giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại