Hôm 10/7 vừa qua, hãng thông tấn TASS (Nga) đưa tin, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh thường niên các nước thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi - PV), Tổng thống Vladimir Putin đã gọi Trung Quốc là "đầu tầu kinh tế thế giới".
Lời khen ngợi này, theo chuyên gia Wood, cho thấy thiện ý của ông Putin cũng như ưu tiên của nước Nga hiện nay trong việc "xoay trục" sang châu Á, đặc biệt là với đối tác Trung Quốc, nhằm cải thiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của mình.
Hiện nay, tuy tình hình không đáng báo động như những lo ngại trước đó, nhưng thực tế là kinh tế Nga vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, với việc giá dầu tiếp tục giảm đi kèm với hệ quả tiêu cực từ các lệnh trừng phạt phương Tây.
Nga đã thực hiện một số biện pháp cắt giảm trong các lĩnh vực như y tế hay giáo dục, nhưng vẫn chi tiêu mạnh tay cho các hoạt động quân sự vì theo điện Kremlin, điều này là bắt buộc để bảo vệ lợi ích quốc gia Nga trước tác động của các thế lực bên ngoài, điển hình là NATO.
Trước tình hình này, cũng không có gì ngạc nhiên khi Nga "xoay trục" tìm đến Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, theo ông Wood, những diễn biến gần đây cho thấy Moscow nhiều khả năng sẽ không đạt được nhiều thành quả từ việc bắt tay với Bắc Kinh.
Đầu tiên phải kể đến tình hình thị trường chứng khoán bi đát hiện tại ở Trung Quốc, điều có khả năng sẽ kéo theo những thiệt hại lên tới hàng nghìn tỉ USD cho kinh tế nước này cũng như toàn cầu, và Nga cũng không là ngoại lệ.
Trèo cao ngã đau, Trung Quốc đối diện "Đại Khủng hoảng" 2015
Cùng lúc đó, kinh tế Trung Quốc cũng đang trải qua một thời kì chững lại trông thấy, khi tăng trưởng đạt mức chỉ đạt mức 7% trong năm 2014 và dự kiến sẽ còn giảm trong các năm tới, theo số liệu của Cục Thống kê nước này.
Ngoài ra, các biện pháp "chữa cháy" đang được chính phủ Tập Cận Bình áp dụng như thúc đẩy tiêu dùng trong nước để bù đắp cho xuất khẩu đang không đem lại kết quả.
"Có vẻ như mô hình kinh tế Trung Quốc đã hết thời" - ông Wood nhận xét.
Có thể thấy, Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế của riêng mình, do đó dù có muốn hay không, Bắc Kinh cũng không thể hỗ trợ Moscow bằng tất cả tiềm lực của mình.
Nói cách khác, chiến lược xoay trục châu Á của Nga được thực hiện không hợp thời, khi nước này chọn đúng thời điểm kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn để được trợ giúp.
Đó là chưa kể về phía Nga, một bộ phận không nhỏ giới chức cũng như người dân nước này đang lo ngại sẽ bị Trung Quốc lợi dụng, điển hình là qua những hợp đồng khí đốt với giá "bèo" cho Trung Quốc cũng như việc cho Bắc Kinh thuê đất ở khu vực Siberia.
Theo ông Wood, các rào cản nói trên không hẳn quá đáng lo ngại nếu xét riêng từng vấn đề, nhưng nếu gộp tất cả lại, chiến lược xoay trục châu Á của Nga rõ ràng đang thiếu đi yếu tố "thiên thời".