Theo hai chuyên gia chiến lược chính trị Douglas E. Schoen và Melik Kaylan, sự hợp tác Nga – Trung có mục tiêu chính là làm suy yếu Mỹ và chia rẽ phương Tây.
Hai người này còn nhận định, trong khi Nga đang khiến Trung và Đông Âu quay cuồng thì Trung Quốc không ngừng có những chính sách hung hăng ở châu Á.
Sở dĩ hai nước này làm như vậy vì chính quyền của Tổng thống Obama thiếu cứng rắn, chứ không chỉ bởi chính sách “Trục châu Á” của Mỹ.
Cho đến giờ, ví dụ rõ ràng nhất cho thấy sự bất lực của Mỹ là việc Nga dễ dàng sáp nhập Crimea của Ukraine hồi tháng 3/2014 và cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn ở Ukraine.
Cũng theo họ, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra, vẫn với các đối thủ cũ nhưng mạnh hơn cách đây nhiều thập kỉ. Trong khi đó, Mỹ lại ít quyết đoán hơn.
Douglas E. Schoen và Melik Kaylan cũng liệt kê những hoạt động mà Nga – Trung đang tiến hành để làm suy yếu Mỹ:
Thứ nhất, tăng cường xây dựng quân đội cả về số lượng và chất lượng, bao gồm cả khả năng hạt nhân. Ngoài ra, Bắc Kinh và Moscow còn đang hợp tác và hỗ trợ nhau mạnh mẽ về công nghệ quốc phòng.
Thứ hai, thực hiện các chính sách thương mại kinh tế mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực từ các thỏa thuận dầu và khí đốt tới hợp tác với các quốc gia mới phát triển để tạo ra các tổ chức tài chính quốc tế mới đối đầu với những tổ chức tài chính đang chịu ảnh hưởng nhiều từ Mỹ.
Thứ ba, trong khi Nga đang khiến Đông và Trung Âu lo ngại về các chính sách mạnh mẽ của mình thì Trung Quốc lại có những chính sách hung hăng với các nước láng giềng trong các tranh chấp lãnh thổ, gây căng thẳng trong khu vực.
Thứ tư, Nga và Trung Quốc đều đang hỗ trợ kinh tế, quân sự, đặc biệt là công nghệ hạt nhân cho một số quốc gia đang đối đầu với Mỹ. Trong khi Bắc Kinh được cho là đang hỗ trợ Bình Nhưỡng thì Nga vẫn tiếp tục ủng hộ Iran và Syria bất chấp sự phản đối của Mỹ.
Thứ năm, hai nước đều sử dụng các các nguồn tài nguyên năng lượng, vật liệu thô làm vũ khí quyết định trong các cuộc chiến thương mại.
Thứ sáu, cả Bắc Kinh và Moscow đều là nơi xuất phát nhiều nhất các hoạt động tấn công mạng trên quy mô toàn cầu, trong đó có nhiều mục tiêu ở Mỹ và phương Tây.
Thứ bảy, phát động một cuộc chiến tình báo, gián điệp đối với phương Tây.
Cuối cùng, Trung Quốc và Nga luôn ủng hộ nhau trong các cuộc biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, Douglas E. Schoen và Melik Kaylan cũng cho rằng Nga – Trung đều đang phải đối đầu với các mối đe dọa và các vấn đề mà Mỹ đang phải đối mặt, từ khủng bố đến chiến tranh ở Afghanistan; bất ổn ở Tây bán cầu và khả năng hạt nhân của Iran.
Tuy vậy, hai vị chuyên gia này thừa nhận, những lập luận trên sẽ rất dễ bị cho là cực đoạn và vô căn cứ.
Nhiều người cho rằng mối quan hệ tốt đẹp Nga – Trung có lẽ chỉ nhằm xóa đi lịch sử chia cắt và thù địch lâu đời giữa hai nước để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, quân sự.
Mối quan hệ hai nước rất thậm tệ vào năm 1969 khi hàng loạt vụ đụng độ vũ trang diễn ra ở khu vực biên giới.
Cho đến nay, theo nhiều chuyên gia chính trị, Trung Quốc và Nga vẫn vừa là đối thủ vừa là đối tác của nhau ở Viễn Đông.
Cụ thể, người Nga lo lắng về sự bàng trướng và xâm lấn của Trung Quốc ở các khu vực đang chịu sự ảnh hưởng của Nga.
Về phía Trung Quốc, nước này lo ngại Nga sẽ liên kết các nước Liên Xô cũ thành một khối giống như Liên minh châu Âu và từ đó đe dọa các cơ hội kinh tế của Trung Quốc ở Trung Á.
Ngoài ra, lợi ích của mỗi nước có thể bị ảnh hưởng do những áp lực cạnh tranh và mục tiêu của nhau.